Tuyển dụng GV nước ngoài, CSGDĐH rất "cực" vì thời hạn giấy phép lao động ngắn

24/02/2025 06:27
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các thủ tục, điều kiện tuyển dụng đối với giảng viên nước ngoài hiện nay còn khá rườm rà, phức tạp, gây khó cho các đơn vị trong quá trình triển khai.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh việc tận dụng, phát huy tối đa vai trò đội ngũ trí thức trong nước thì Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh các hoạt động thu hút đội ngũ chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ và làm giàu nguồn lực giáo dục - đào tạo trong nước.

Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã triển khai, thu hút giảng viên nước ngoài nhằm thúc đẩy quốc tế hóa cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn gặp một số vướng mắc khiến quá trình triển khai tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.

Đội ngũ trí thức quốc tế mang lại nhiều giá trị cho cơ sở giáo dục đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mọi lĩnh vực, ngành nghề đều phải linh hoạt thay đổi để thích nghi, với giáo dục cũng không ngoại lệ. Theo đó, bên cạnh việc tận dụng, phát huy đội ngũ trí thức trong nước thì ngành giáo dục cần thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào công tác đào tạo tại Việt Nam.

Theo quan điểm của thầy Đỉnh, nếu hoạt động thu hút trí thức quốc tế được đẩy mạnh thì sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi lớn đối với chất lượng giáo dục nước ta. Có thể nhận thấy rằng, khi đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu sẽ góp phần chuyển giao tri thức, kinh nghiệm, cũng như các phương pháp giảng dạy và nghiên cứu hiện đại từ các nền giáo dục phát triển trên thế giới. Khi đó, sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các nền tri thức mới, được đào tạo với nhiều phương thức khác nhau. Từ đó không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo của Việt Nam mà còn nâng cao năng lực nguồn lao động khi có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu quốc tế.

“Không thể phủ nhận rằng, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài chính là lực lượng mang nguồn tri thức phong phú. Họ là những người nắm được những kiến thức, xu thế, công nghệ mới của thời đại nên nếu trường đại học ở Việt Nam có cơ hội sử dụng trí thức của đội ngũ này thì công tác đào tạo sẽ bám sát nhu cầu, biến động của thị trường. Khi đó, chất lượng đầu ra sẽ được nâng cao, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Việc sở hữu đội ngũ giảng viên là người nước ngoài còn giúp các đơn vị có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao vị thế của đơn vị cũng như có thêm nhiều cơ hội để tham gia vào các dự án nghiên cứu đa quốc gia”, thầy Đỉnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cũng đặt vấn đề rằng, hiện nay, việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ chuyên gia nước ngoài về Việt Nam tham gia vào công tác đào tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, vấn đề chính sách đãi ngộ chính là rào cản, áp lực với các đơn vị khi có nhu cầu nhưng lại không đủ khả năng để chiêu mộ đội ngũ này về trường.

“Trên thực tế, chi phí để mời các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế về Việt Nam giảng dạy gấp rất nhiều lần so với chi phí của chuyên gia trong nước. Với các trường tư có tiềm lực tài chính tốt thì chi phí này không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, với đơn vị sự nghiệp công phải bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nên ngân sách để dành cho hoạt động này sẽ không nhiều. Do đó, dù các trường có mong muốn, nhu cầu chiêu mộ đội ngũ trí thức quốc tế về trường để nâng cao chất lượng đào tạo nhưng vì điều kiện không có nhiều nên đành lực bất tòng tâm”, thầy Đỉnh chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng cho rằng, việc thu hút đội ngũ giảng viên nước ngoài tham gia đào tạo tại Việt Nam là hoạt động hết sức cần thiết để tạo sức bật cho các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh mở rộng và hội nhập quốc tế.

66083ng-nha-truongHDD_HT.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: website nhà trường

Theo đánh giá của thầy Đạt, khi trường đại học có cơ hội sở hữu đội ngũ trí thức quốc tế sẽ tạo ra một môi trường học thuật phong phú với sự kết hợp, giao lưu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đối với người học sẽ được sẽ được tiếp thu, học hỏi các nền tảng khoa học quốc tế với phương pháp đào tạo tiên tiến. Chưa kể, khi được tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa khác nhau sẽ mở rộng cơ hội kết nối việc làm tại môi trường quốc tế trong tương lai.

Ngoài ra, khi chiêu mộ được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học sẽ mở rộng mạng lưới chuyên gia trong từng lĩnh vực đào tạo. Từ đó cũng từng bước tăng cường, phát triển chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tại đơn vị.

Đối với trường đại học, đội ngũ giảng viên là một trong những điều kiện quan trọng quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Do đó, khi cơ sở giáo dục đại học có thêm giảng viên là người nước ngoài sẽ góp phần cải thiện danh tiếng, vị thế của đơn vị qua số lượng nghiên cứu, công bố khoa học cũng như trải nghiệm giáo dục cho sinh viên.

Còn nhiều điểm khó cần tháo gỡ

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, theo xu thế phát triển của xã hội thì nhu cầu tuyển giảng viên nước ngoài tại các trường đại học sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đây là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh hội nhập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của quốc gia.

Song, thầy Đạt cũng cho rằng, các thủ tục, điều kiện tuyển dụng đối với giảng viên nước ngoài hiện nay còn khá rườm rà, phức tạp, gây khó cho các đơn vị trong quá trình triển khai.

Đầu tiên là việc công nhận đội ngũ này tại các trường đại học ở Việt Nam. Theo đó, hiện đã có quy định về giảng viên cơ hữu trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng lại chưa quy định rõ ràng về việc giảng viên người nước ngoài thì có thể được coi là giảng viên cơ hữu tại những đơn vị đã tuyển dụng, chiêu mộ các đối tượng này về trường hay không?

“Theo quy định, các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện cơ chế tiền lương cho người lao động theo Luật viên chức. Vậy đội ngũ giảng viên nước ngoài có được coi là 1 viên chức, người lao động để hưởng các chế độ theo quy định hay không?”, thầy Đạt nêu vấn đề.

Chưa kể, nếu công nhận giảng viên người nước ngoài là giảng viên cơ hữu thì thời gian của giấy phép lao động đối lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện nay cũng cần được đồng bộ.

Bởi, một trong những điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp (trừ trường hợp không phải cấp). Tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời hạn của giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tối đa là 02 năm và khi thời hạn này sắp hết, còn ít nhất là 05 ngày nhưng không quá 45 ngày, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động thì phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.

Theo quan điểm của thầy Đạt, vì thời hạn của giấy phép lao động không dài nên các trường rất “cực” trong việc thực hiện thủ tục gia hạn, chưa kể hồ sơ chuẩn bị cũng rất nhiều giấy tờ, nhiều thủ tục rắc rối.

Thứ hai là vấn đề đánh giá năng lực chuyên môn của giảng viên đang có sự khác biệt trong hệ thống giáo dục và tiêu chuẩn đánh giá giữa các quốc gia. Hiện nay, vẫn chưa có quy định công nhận tương đương đối với giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài về Việt Nam công tác. Chưa kể học hàm, học vị ở nước ngoài và Việt Nam cũng có sự khác nhau vì mã ngành không đồng nhất. Do đó dẫn đến tình trạng người đi học ở nước ngoài về sẽ phải thực hiện xác nhận bằng cấp và đối chứng với các mã ngành tương đương tại Việt Nam.

Từ những vướng mắc đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing kiến nghị Nhà nước cần cởi trói bằng tất cả thể chế, cơ chế để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về bằng cấp và chứng chỉ của các quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc đối chiếu và so sánh.

“Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng 1 danh mục cụ thể các ngành học và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng và minh bạch về trình độ, kinh nghiệm, khả năng giảng dạy của giảng viên nước ngoài, đồng thời công khai rộng rãi để các trường có thể tham khảo và áp dụng. Đặc biệt cần tính toán đến điều kiện công nhận đội ngũ này là giảng viên cơ hữu để tính chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học”, thầy Đạt đề xuất.

2.jpg
Đội ngũ giảng viên nước ngoài mang lại nhiều thay đổi tích cực cho cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: ufm.edu.vn

Cùng đánh giá về những tiêu chí, điều kiện của giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam, đại diện một cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung cũng cho rằng, hiện nay rào cản lớn nhất khiến việc thu hút, tuyển dụng đội ngũ giảng viên nước ngoài còn hạn chế chính là có quá nhiều thủ tục hành chính.

Vị này cho biết, quy trình thực hiện các thủ tục xin giấy phép lao động, thủ tục nhập cảnh cho đội ngũ giảng viên người nước ngoài vào dạy tại trường còn nhiều bất cập. Quá trình này diễn ra khá lâu khiến việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài trở nên bị động. Chẳng hạn như việc các đơn vị phải đến Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam tại Hà Nội để làm thủ tục xuất nhập cảnh, việc di chuyển không chỉ mất nhiều thời gian mà còn phát sinh các khoản chi phí không nhỏ.

Thực tế đã có nhiều trường hợp gặp khó và chậm trễ trong quá trình xin xác nhận hồ sơ, dẫn đến việc hết hạn visa (chỉ kéo dài tối đa 6 tháng) và buộc phải quay về nước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người lao động, cũng như gây gián đoạn quá trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.

Chưa kể, theo quy định cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài thì người nước ngoài phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

Tại khoản 14, Điều 7, Nghị định 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b, khoản 4, Điều 4, Nghị định 70/2023/NĐ-CP quy định về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

Mặc dù nghị định đã được ban hành từ năm 2020 (có hiệu lực từ 15/2/2021) nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nên nhiều trường vẫn gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính.

Theo quan điểm của vị lãnh đạo, để các trường thuận lợi tuyển dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài thì nên phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài để đẩy nhanh quy trình tuyển dụng, tránh nhiều thủ tục rườm rà, lãng phí thời gian, chi phí và công sức của người thực hiện cũng như nâng cao hiệu quả quản lý.

Để làm tốt nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo tính thống nhất trong việc đánh giá và công nhận bằng cấp trên toàn quốc. Khi đó, Bộ phải nâng cao năng lực để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch cùng với việc thực hiện công tác đánh giá một cách hiệu quả.

Trước những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn, vị này cho rằng cần cải cách các thủ tục hành chính để công tác tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại Việt Nam diễn ra thuận lợi hơn.

Theo đó, nên áp dụng chuyển đổi số với hoạt động này, thực hiện và triển khai qua hệ thống trình tự. Khi đó vừa minh bạch được các loại giấy phép, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí cho đơn vị thực hiện, cũng như giúp cơ quan quản lý dễ dàng giám sát, theo dõi quá trình hoàn thiện hồ sơ.

ĐÀO HIỀN