Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng có nhiều cơ hội việc làm từ nghiên cứu khoa học

14/09/2020 13:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp đưa đến lợi ích lớn cho sinh viên, cộng đồng tại ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng mang đậm dấu ấn của thầy Lê Vinh Danh

Vào năm 2008, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trường quy mô nhỏ cả về nhân lực, sinh viên, ngành nghề, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, và hoàn toàn không có gì cả về khoa học công nghệ.

Chỉ 12 năm sau, tất cả mọi cái đã thay đổi chóng mặt, sang một đẳng cấp hoàn toàn khác. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong vòng 6 năm qua của Nhà trường luôn đạt ở cấp số nhân.

Và đây là ngôi trường đã nhận được sự tín nhiệm rất cao từ các đối tác nước ngoài nên nhà trường đã chuyển giao được nhiều sản phẩm khoa học công nghệ.

Là một giảng viên đã công tác tại Khoa Điện- Điện tử được 5 năm; đồng thời là nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trao đổi với chúng tôi, thầy Vũ Trí Viễn cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học là điều kiện bắt buộc đối với tất cả giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên trong nghiên cứu khoa học thì Hiệu trưởng (Giáo sư Tiến sĩ Lê Vinh Danh) đề ra 3 dạng nghiên cứu để các tiến sĩ trong Trường có thể lựa chọn phù hợp với khuynh hướng và năng lực tự thân.

Đó là, nghiên cứu học thuật với đầu ra là bài báo trên các tạp chí ISI/Scopus; nghiên cứu công nghệ để ứng dụng, chuyển giao cho sản xuất; và nghiên cứu phục vụ giảng dạy.

Hiện tại thầy Viễn đang triển khai song song vừa nghiên cứu học thuật vừa nghiên cứu ứng dụng.

Đối với nghiên cứu chuyển giao công nghệ để phục vụ sản xuất thì thầy Viễn cho hay: “Hiện tại, nhóm nghiên cứu của mình kết hợp khá nhiều với các doanh nghiệp để làm các dự án nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ”.

Cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, sân bóng đạt chuẩn 2 sao của FIFA tại trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh:T.L)

Cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, sân bóng đạt chuẩn 2 sao của FIFA tại trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh:T.L)

Ví dụ như trong đợt đại dịch Covid-19, Nhóm nghiên cứu robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nghiên cứu và chế tạo thành công 2 loại robot để phục vụ cho hai loại khu vực cần khử khuẩn khác nhau.

Thứ nhất, là khu vực chịu được nước thì khử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất.

Đây là robot hử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất

Đây là robot hử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất

Điều đặc biệt, loại robot này sau khi đất nước khống chế được dịch bệnh; sẽ được tiếp tục sử dụng cho các công việc và công năng khác như phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn... trong những môi trường và điều kiện mà nhân lực không thể trực tiếp tham gia tác nghiệp do nguy hiểm đến tính mạng hoặc quá khó khăn.

Thứ hai, là khu vực không chịu được nước như có nhiều máy móc thiết bị, thì khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV.

Robot tích hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV có khả năng tự động di chuyển theo quỹ đạo, ghi nhớ không gian làm việc, lặp lại hành trình mà giảng viên, sinh viên trường Tôn Đức Thắng chế tạo

Robot tích hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV có khả năng tự động di chuyển theo quỹ đạo, ghi nhớ không gian làm việc, lặp lại hành trình mà giảng viên, sinh viên trường Tôn Đức Thắng chế tạo

Loại robot này có thể phát triển tiếp thành dòng sản phẩm thứ 2, máy quét, rất tiện dụng trong việc khử khuẩn cho các văn phòng làm việc đông người, cơ quan, công sở.

Trước khi vào phòng làm việc riêng, nhân lực của một đơn vị chỉ việc cho túi xách, trang thiết bị, dụng cụ cá nhân và kể cả văn bản hay những hồ sơ qua tay nhiều người qua máy quét này, là các loại vi khuẩn đều bị diệt. Tránh việc lây lan virus, vi khuẩn qua con đường giấy tờ, văn bản, hồ sơ, dụng cụ...

Trong khi Nhóm nghiên cứu robotics nỗ lực sáng tạo ra các sản phẩm, phụ phẩm từ phòng thí nghiệm đến xưởng sản xuất và tạo ra sản phẩm cụ thể để góp phần cùng xã hội ngăn ngừa lây nhiễm, thì Khoa dược của Trường từ tháng 2/2020 đã sản xuất được nước sát trùng, gel rửa tay rất hiệu quả, giúp mọi người vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường để chống, ngăn ngừa lây nhiễm.

Bên cạnh chế tạo các sản phẩm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam thì Nhóm nghiên cứu robotics của Đại học Tôn Đức Thắng đã hoàn thành và đang trong quá trình làm thủ tục bàn giao sang Úc 1 máy robot khử khuẩn.

Robot khử khuẩn thế hệ mới này có tên là Viroban. Sản phẩm được thực hiện theo đơn đặt hàng của một công ty của Úc thông qua trung gian tại Việt Nam .

Đây là sản phẩm robot thứ 4 do Nhóm nghiên cứu và thực hiện thành công.

Viroban là dòng robot điều khiển từ xa với ưu điểm tiện dụng, hoạt động ổn định, bền và hiệu quả. Nhóm nghiên cứu đặt kỳ vọng rất lớn vào thành công của sản phẩm này. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng khẳng định tay nghề và khả năng sáng tạo của đội ngũ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Được biết, nếu Robot Viroban đáp ứng được các nhu cầu thực tế, phía Úc sẽ đặt hàng sản phẩm với số lượng lớn và sử dụng rộng rãi tại quốc gia này.

Đây chỉ là một số sản phẩm mà một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện thành công ở mấy tháng đầu năm 2020. Với 63 nhóm nghiên cứu khoa học-công nghệ trọng điểm trong toàn Trường, thì số sản phẩm nghiên cứu còn rất nhiều.

Để có được thành công này đó là nhờ có sự tạo điều kiện của thầy Hiệu trưởng Lê Vinh Danh trong việc khuyến khích, hỗ trợ kinh phí để nhóm nghiên cứu có điều kiện làm việc, kể cả đầu tư sản xuất thử để có sản phẩm trong thời gian trong vòng chưa đầy 2 tuần.

“Đó là lợi thế của cơ chế tự chủ”, thầy Viễn nói và khẳng định: “Nếu thầy Danh không hỗ trợ kinh phí thì làm sao chúng tôi triển khai thông suốt và nhanh được đến như vậy?”.

Thầy Viễn (ở giữa) cùng giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu để làm Robot Viroban

Thầy Viễn (ở giữa) cùng giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu để làm Robot Viroban

Khi chúng tôi băn khoăn, sản phẩm nghiên cứu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được chuyển giao thì sinh viên và xã hội được hưởng lợi gì thì nhận được câu trả lời của thầy Viễn rằng:

“Chúng tôi làm ra sản phẩm mà giải quyết được những yêu cầu họ đặt ra thì xã hội, doanh nghiệp mới tin tưởng và đặt hàng".

Còn đối sinh viên thì khi tham gia làm các dự án nghiên cứu, các em có cơ hội cọ xát và phát hiện ra năng lực bản thân là gì vì nhóm nghiên cứu của thầy Viễn rất đa dạng lĩnh vực từ nông nghiệp thông minh, công nghiệp, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng….

Sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng khi tham gia làm các dự án nghiên cứu, các em có cơ hội cọ xát và phát hiện ra năng lực bản thân và cơ hội việc làm rất cao vì được tiếp xúc với doanh nghiệp

Sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng khi tham gia làm các dự án nghiên cứu, các em có cơ hội cọ xát và phát hiện ra năng lực bản thân và cơ hội việc làm rất cao vì được tiếp xúc với doanh nghiệp

Hơn nữa, bản thân các khoa, chuyên ngành trong Trường Đại học Tôn Đức Thắng có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Do đó, khi dự án A hay dự án B có liên quan đến chuyên ngành nào thì các nhóm nghiên cứu sẽ kết hợp với nhau để trở thành một nhóm nghiên cứu lớn; trong đó ngoài sự có mặt của các giảng viên thì còn có sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba và sinh viên năm cuối để các em học hỏi lẫn nhau.

Đặc biệt, khi sinh viên tham gia thực hiện làm việc ở các nhóm nghiên cứu, các em có cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp; nên sau đó số sinh viên này bị doanh nghiệp “hút” về làm cho họ luôn.

Sau khi các em trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp thì các em lại trở thành đối tác hỗ trợ, giúp đỡ Nhà trường. Cứ như vậy tạo nên mạng lưới sinh viên – nhà trường- doanh nghiệp có mối liên kết khăng khít, chặt chẽ từ đầu vào đến kết quả đầu ra.

Tuy nhiên, thầy Viễn cũng chỉ ra một vài khó khăn hiện nay đối với nhóm nghiên cứu của thầy khi vừa qua Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác điều hành đối với thầy Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có quyết định về việc giao Tiến sĩ Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2014-2019, thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của Trường này trong thời gian tạm đình chỉ thày Danh.

Trong thời gian này, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tuy nhiên, thầy Viễn cho hay hiện nay có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu cần sự kí kết, bảo lãnh của Hiệu trưởng nhà trường chứ “người đại diện” không đủ căn cứ pháp lý. Vì thế, rất nhiều đối tác đã hoãn dự án vô thời hạn vì họ cho rằng Nhà trường không có Hiệu trưởng, thiếu tính bảo đảm cho việc đầu tư của họ.

Được biết, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có văn bản xin ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam về việc ghi chức danh người đại diện pháp luật của Nhà trường thì nhận được ý kiến chỉ đạo rằng:

Để thuận lợi cho việc quản lý, điều hành, giao dịch với các đối tác, tùy theo tính chất và nội dung từng công việc cụ thể của Trường, đề nghị Trường Đại học Tôn Đức Thắng ghi thông tin chức danh của Tiến sĩ Trần Trọng Đạo phù hợp với Quyết định 1229/QĐ-TLĐ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam về việc ghi chức danh người đại diện pháp luật trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: T.L)

Chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam về việc ghi chức danh người đại diện pháp luật trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: T.L)

Phù hợp với Quyết định 1229/QĐ-TLĐ nghĩa là có 2 chức danh “đại diện nhà trường trước pháp luật”“chủ tài khoản”.

Trước chỉ đạo này, đến nay, các phòng khoa, bộ phận của Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn không biết nên làm gì vì với chức danh “người đại diện” bởi nó hoàn toàn không đủ pháp nhân để thực hiện các dự án trong giáo dục đào tạo cũng như khoa học công nghệ.

Tình hình bi hài và khó khăn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay là thế; nó đe dọa sự phát triển ổn định, có thể gây ra đổ vỡ không phải là một Nhà trường đang có uy tín cả trong và ngoài nước mà còn là cả một chủ trương tự chủ đại học lớn của Đảng và nhà nước đang rất cần các cấp lãnh đạo cao nhất quan tâm tháo gỡ.

Thùy Linh