Tỉnh ủy chỉ đạo, Tòa án tỉnh Sơn La buộc nhân chứng có mặt tại tòa ngày 15/10

07/10/2019 06:36
Vũ Phương
(GDVN) - Tỉnh ủy Sơn La, Tòa án tỉnh Sơn La chỉ đạo những nhân chứng, người liên quan có mặt tại tòa vào phiên xử sắp tới để làm sáng tỏ vụ án.

Ngày 15/10, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị can liên quan đến bê bối thi quốc gia 2018 tại Sơn La.

Các bị cáo bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, theo điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vụ án được dư luận và người dân Sơn La đặc biệt quan tâm và chờ phiên xét xử tới những người làm chứng quan trọng cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan sẽ có mặt để vụ án sáng tỏ.

Danh sách cán bộ đảng viên có con được nâng điểm, bị kỷ luật tại Hà Giang
Danh sách cán bộ đảng viên có con được nâng điểm, bị kỷ luật tại Hà Giang

Tại phiên tòa ngày 16/9, có quá nhiều nhân chứng quan trọng bị triệu tập nhưng không đến buộc Hội đồng xét xử phải công bố hoãn phiên tòa.

Tòa đã triệu tập 43 người làm chứng, trong số này có 27 người là phụ huynh có con được nâng điểm. Nhưng chỉ có 11 người có mặt, 15 người có đơn xin xét xử vắng mặt, những người còn lại vắng mặt nhưng không lý do. 32 người không đến.

Trong số người làm chứng bị triệu tập có ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La…

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng triệu tập 47 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng chỉ có 3 người có mặt tại tòa.

Để làm sáng tỏ vụ án, những nhân chứng là cán bộ chủ chốt, có chức vụ, vai trò quan trọng được Tòa triệu tập đã không đến vì nhiều lý do bận công tác hoặc cáo ốm, thậm chí có người không rõ lý do.

Phiên tòa ngày 16/9, bị cáo Cầm Thị Sun Bọn đến đầu tiên trong 8 bị cáo, còn rất nhiều nhân chứng quan trọng không đến như ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Ảnh: Vũ Phương.
Phiên tòa ngày 16/9, bị cáo Cầm Thị Sun Bọn đến đầu tiên trong 8 bị cáo, còn rất nhiều nhân chứng quan trọng không đến như ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Ảnh: Vũ Phương. 

Được biết, Thường trực tỉnh ủy Sơn La đã có công văn chỉ đạo đến những người liên quan có mặt tại Tòa vào phiên xử tới để đảm bảo buổi xét xử công minh, chính xác, đúng người đúng tội.

Để chuẩn bị cho phiên tòa tới, ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã gửi giấy triệu tập cho những nhân chứng quan trọng trên và đơn vị công tác của những người này.

Đáng chú ý, đối với 27 người làm chứng quan trọng, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị thủ trưởng các đơn vị không sắp xếp lịch công tác, phân công công việc cho những cán bộ này vào thời gian trước và trong những ngày xét xử vụ án, đồng thời quán triệt cán bộ đơn vị phải có mặt tại tòa để vụ án sớm được làm sáng tỏ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, có các đối tượng là cha, mẹ hoặc người thân của 44 thí sinh được nâng điểm có 27 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin của các thí sinh nhờ “xem điểm”.

Bị cáo Trần Xuân Yến (áo trắng), nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và Đinh Hải Sơn, nguyên cán bộ phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La đến hầu tòa ngày 16/9. Ảnh: Vũ Phương.
Bị cáo Trần Xuân Yến (áo trắng), nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và Đinh Hải Sơn, nguyên cán bộ phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La đến hầu tòa ngày 16/9. Ảnh: Vũ Phương. 

Trong danh sách này có trường hợp ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng giáo dục phổ thông Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La…

27 trường hợp trên khai nhận mục đích cung cấp thông tin thí sinh là để nhờ “xem giúp điểm thi trước” để gia đình kịp thời điều chỉnh nguyện vọng cho con vào các trường cho phù hợp, không trao đổi hứa hẹn gì về lợi ích vật chất.

Ngoài ra, còn có 15 trường hợp không thừa nhận cung cấp thông tin thí sinh cho các bị can và đối tượng trung gian khác gồm: Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La;

Những “phản ứng dây chuyền” sau kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018
Những “phản ứng dây chuyền” sau kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 

Dương Đức Toàn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sơn La; Bùi Minh Hải, Phó Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn; Võ Thị Hồng Vân, trú tại số 1, ngõ 35 đường Láng, Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội;

Phạm Thị Nga, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La; Phạm Đăng Cường, cán bộ Trại tạm giam Yên Hạ; Nguyễn Thị Bình, trú tại xã Vũ Ẻn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ; Bùi Thị Xuân, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La; Lê Thị Hà, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Hát Lót;

Tạ Thị Hợi, trú tại tiểu khu I thị trấn Hát Lót; Nguyễn Ngọc Mạnh, cán bộ Bệnh viện đa khoa huyện Yên Châu; Đào Văn Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La;

Nguyễn Văn Cảnh, trú tại tiểu khu 67 thị trấn nông trường Mộc Châu; Phạm Anh Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sơn; Lương Thu Hà, công an trú tại tổ 7 phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La. 

Vũ Phương