Hàng hoạt cán bộ, đảng viên Hà Giang liên quan đến bê bối kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại Hà Giang vừa được địa phương này công bố hình thức kỷ luật.
Tuy nhiên, hình thức kỷ luật, nghiêm túc rút kinh nghiệm mà nhiều phụ huynh có con được nâng điểm khiến dư luận thất vọng, mất niềm tin.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang công bố danh sách 46 cán bộ, đảng viên liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi Quốc gia năm 2018 đến mức phải bị xử lý kỷ luật.
29 danh sách cán bộ, đảng viên chưa đến mức áp dụng hình thức kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Danh sách cán bộ đảng viên có con được nâng điểm, bị kỷ luật tại Hà Giang |
Đáng chú ý, trong danh sách này có bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vợ ông Triệu Tài Vinh - nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang). Em chồng tác động cho con đồng chí, con được nâng điểm thi; yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang.
Điều dư luận bất ngờ, trong danh sách trên có 29 người có con liên quan đến gian lận điểm thi chỉ nhận hình thức kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Với hình thức kỷ luật này, không ít người cho rằng, việc xử lý những cán bộ đảng viên có con được nâng điểm thi tại Hà Giang khác nào như “gãi ghẻ”. Hình thức kỷ luật như vậy thiếu thuyết phục, không đủ sức răn đe.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13) cũng bày tỏ sự bất ngờ trước cách xử lý có phần nương nhẹ đối với cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm tại tỉnh Hà Giang.
Phiên tòa xét xử công khai vụ gian lận thi tại Hà Giang năm 2019 đã phải hoãn vì vắng quá nhiều nhân chứng quan trọng, người liên quan trong đó có cả những phụ huynh có con được nâng điểm thi. Ảnh: Lại Cường. |
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng: “Việc xử lý cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm như thế nào trước tiên phải căn cứ vào tội trạng, quy định pháp luật để đưa ra mức kỷ luật thỏa đáng.
Nhưng rõ ràng tại những địa phương để xảy ra gian lận thi năm 2018, mỗi nơi làm theo một hình thức khác nhau, không thống nhất. Điều quan trọng nhất phải xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến gian lận phải tuân thủ theo pháp luật.
Những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm thi chỉ bị kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm là quá nhẹ, khó thuyết phục được dư luận.
Vụ việc gây bức xúc dư luận, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của người dân thì việc xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến gian lận thi cử phải đủ nghiêm khắc để răn đe”.
Cũng theo Đại biểu Trần Ngọc Vinh, trong những thí sinh được nâng điểm, có trường hợp phụ huynh phải chạy bằng tiền, nhưng cũng có người vì quan hệ, nắm các chức vụ quan trọng tại địa nên không cần dùng tiền vẫn có thể nâng điểm cho con.
Như trường hợp vợ ông Triệu Tài Vinh chẳng hạn. Theo thông tin công bố là em chồng nâng điểm cho con. Có thể trường hợp này không mất tiền vì ông Triệu Tài Vinh thời điểm đó làm Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.
Phải xử lý trường hợp vợ ông Triệu Tài Vinh và những trường hợp tương tự như thế nào để dư luận thấy hợp tình, hợp lý. Xử lý phải đúng mức, thỏa đáng, còn chưa thì dư luận còn băn khoăn, bức xúc.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, hình thức xử lý cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm thi bằng hình thức kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm là quá nhẹ, không thuyết phục dư luận. Ảnh: Quốc Hội. |
Cũng theo Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của đảng viên đã rõ, nhưng những cán bộ, đảng viên của Hà Giang liên quan đến gian lận thi năm 2018 chưa thực hiện nghiêm.
Quy định nêu rõ: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Hơn nữa, Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Những cán bộ, đảng viên nâng điểm thi cho con lãnh đạo, người có quyền lực để nhằm mục đích được thăng tiến đó chính là chạy chức, chạy quyền do đó phải xử lý thật nghiêm.
Kỳ vọng ở phiên tòa làm trong sạch giáo dục ở Hà Giang |
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận định: “Cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm thi tỉnh Hà Giang chỉ nhận hình thức rút kinh nghiệm là quá nhẹ.
Hơn nữa, rút kinh nghiệm sâu sắc là rút kinh nghiệm như thế nào. Hình thức xử lý này rõ ràng không có tính răn đe, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm.
Đây là hình thức kỷ luật theo kiểu nhắc nhở, không ảnh hưởng đến vị trí công việc thì sao thuyết phục được dư luận”.
Cũng có ý kiến cho rằng, gian lận xảy ra tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình năm 2018 nên rút về trung ương làm để không bỏ lọt tội phạm cũng như xử lý đúng người đúng tội.
Về ý kiến này, đại biểu Trần Ngọc Vinh phân tích: “Trường hợp địa phương xử lý không thỏa đáng thì việc rút về trung ương làm là cần thiết.
Nhưng trước khi rút về trung ương cũng phải xem xét việc xử lý tại địa phương ra sao, có thỏa đáng, đúng người đúng tội hay không. Nếu xử lý kỷ luật một cách thỏa đáng, hợp lý thì thôi, còn chưa đúng người, đúng tội thì cần thiết phải rút về trung ương làm.
Như Hòa Bình đưa về bộ làm, còn tỉnh Hà Giang, Sơn La sao lại để địa phương làm cái này cũng phải trả lời dư luận”.