Tôi có dịp gặp thầy giáo mầm non Phạm Văn Thụn, dạy lớp mẫu giáo tại điểm lẻ của trường mầm non Pa Nang, xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị khi thầy nhận Bằng khen của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chương trình Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non.
Năm 26 tuổi, Thụn đăng kí thi vào ngành Mầm non, trường Đại học Sư phạm Huế trước sự ngỡ ngàng, thậm chí khó hiểu của rất nhiều người.
“Còn nhớ hôm tôi cầm giấy báo thi chờ đến lượt gọi vào phòng thi, giám thị nhìn tôi tròn mắt nói, cậu đứng đây làm gì, tránh ra cho thí sinh vào thi. Ngay cả khi tôi chìa giấy báo thi cho giám thị xem, thầy giáo đó kiểm tra mấy lần và vẫn không hết kinh ngạc”, thầy Thụn nhớ lại.
Trong quá trình làm bài thi và học tập, cũng không ít lần nhiều giáo viên vào lớp cũng tưởng Thụn ngồi nhầm lớp học, khi thấy giữa hàng chục sinh viên nữ xuất hiện một thanh niên.
Năm 26 tuổi, Thụn (áo trắng) đăng kí thi vào ngành Mầm non, trường Đại học Sư phạm Huế trước sự ngỡ ngàng, thậm chí khó hiểu của rất nhiều người. (Ảnh: Thùy Linh) |
Năm 2008, tốt nghiệp đại học, Thụn được biên chế về Phòng Giáo dục huyện Đakrông, nhận công tác tại xã Pa Nang. Điểm đầu tiên mà thầy Thụn đến nhận lớp là điểm lẻ, nơi có địa hình hiểm trở, khó khăn, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều.
“Khi tôi đến nhận nhiệm vụ ở đây chưa có trường lớp gì, bản thân phải đi vận động phụ huynh, cán bộ để làm trường.
Nhưng lúc đầu phụ huynh không tin là có thầy giáo dạy mầm non, thậm chí họ cười và bảo làm gì có thầy giáo dạy được trẻ mầm non nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực tôi dần cảm hóa được phụ huynh để họ tin tưởng”, thầy Thụn kể.
Trải qua 12 năm trong nghề, điều mà thầy Thụn cảm thấy tâm đắc nhất là đã có một số sáng kiến kinh nghiệm về sự sáng tạo trong sử dụng đồ chơi dân gian của vùng miền vào dạy trẻ đặc biệt là phương pháp làm đồ chơi, sử dụng nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương phù hợp với việc dạy học.
9 năm công tác miền xuôi cô giáo viết đơn tình nguyện cắm bản! |
Đặc biệt, thầy Thụn có đề tài đạt giải A như phương pháp dạy Toán tích cực ở vùng dân tộc thiểu số bằng sỏi.
Đến nay, thầy giáo Phạm Văn Thụn là giáo viên mầm non duy nhất đứng lớp không chỉ ở huyện Đakrông mà còn của tỉnh Quảng Trị. Điều mà thầy giáo Thụn trăn trở nhất khi ngày đầu nhận công tác đó là kỹ năng ca múa hát.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực cố gắng của bản thân cùng sự giúp đỡ tận tình của những giáo viên trong nhà trường nên giờ đây những kỹ năng đó đã được thuần thục. Nhiều năm liền thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Nếu trẻ khóc thì ai là người dỗ dành trẻ tốt nhất, người ta sẽ trẻ lời là mẹ, là bà... Nếu trẻ đói, ai cho trẻ ăn tốt nhất cũng là bà, là mẹ.Vậy nếu dạy trẻ mầm non tốt nhất thì chỉ có thể là cô giáo. Tuy nhiên, ở huyện vùng cao Đakrông có một lớp mầm non mà người đứng lớp không phải là cô giáo.
Chúng tôi tin rằng, niềm đam mê với nghề và tình yêu thương con trẻ của thầy giáo Phạm Văn Thụn sẽ nuôi dưỡng, ươm mầm cho những tâm hồn trẻ thơ ở nơi núi rừng xa thẳm để các em bước tiếp trên con đường tương lai.