Đó là cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), ngôi trường “độc đáo” ở giữa trung tâm thành phố biển.
Lấy sổ tiết kiệm để sửa trường
Nhìn khung cảnh ngôi trường đẹp, được tạo hình độc đáo nhưng ít ai biết rằng, vài năm trước đây là một ngôi trường nhếch nhác, không tuyển được học sinh. Trước năm 2011, cả trường chỉ có vẻn vẹn 40 học sinh với 13 giáo viên cùng cơ sở vật chất còn nghèo nàn.
Cô Hiệu trưởng ra tận cổng trường để đón học sinh vào mỗi buổi sáng đến trường. Ảnh: AN |
“Khi nhận quyết định về làm Hiệu trưởng vào tháng 11/2011, tôi còn không biết Trường mầm non Bình Minh nằm chỗ nào. Khi tới nơi mới thực sự “sốc”.
Sân trường thì cỏ mọc um tùm, hàng rào bằng sắt gỉ sét phơi đầy quần áo, chăn mền. Nền lớp học thì nứt nẻ. Nhìn khung cảnh này xong tôi bật khóc và không chịu nhận quyết định”, cô Thư Trâm kể lại.
Nhưng những bài học ở lớp quản lý giáo dục mà cô đang theo học khiến cô trấn tĩnh lại để đối diện với thách thức, biến nó thành cơ hội phát triển và khẳng định năng lực bản thân.
Cô giáo có duyên với học trò khiếm thị |
“Không lẽ mình học vầy, thực tế hiển hiện trước mắt là Trường mầm non Bình Minh mà không áp dụng được thì học có ý nghĩa gì. Mình còn trẻ mà!” - cô Trâm suy nghĩ.
Sau đó, cô trực tiếp đi tìm hiểu lý do vì sao trường không có học sinh. Thậm chí, cô còn tìm đến tận nhà người dân địa phương có con đang trong độ tuổi đi học mầm non để hỏi “Vì sao không cho con học ở trường?.
Từ những thông tin thu được, cô lên gặp lãnh đạo phường để xin kinh phí sửa sang lại trường lớp. Do cuối năm việc bố trí ngân sách không được, nên phường chỉ có thể lo đơn vị thi công và thủ tục. Còn tài chính, nhà trường phải tự “xoay”.
Cô Trâm lại về trường vận động giáo viên cho mượn tiền sửa trường lớp nhưng không nhận được sự hưởng ứng.
“Ra tết là phải có trường lớp mới để tuyển sinh. Vì thế tôi lấy sổ tiết kiệm của hai vợ chồng được 70 triệu đồng để mua vật liệu thi công. Còn phường đứng ra bảo lãnh sang năm sẽ hoàn lại kinh phí” - cô Trâm nhớ lại.
Ngay sau đó cô Trâm bắt tay vào trang trí trường lớp, cô cho lát nền, sơn sửa, lắp kính lại sáu phòng học, mở thêm phòng năng khiếu, nha học đường.
Cô đi chụp ảnh tất cả các phòng vệ sinh, hàng rào của trường rồi lên gặp Chủ tịch quận để trình bày. Những hạng mục xây dựng được phê duyệt triển khai gấp trong tháng 1/2012.
Để có đồ chơi cho học sinh, các giáo viên của trường lại sáng tạo bằng cách đi xin lốp xe, bàn ghế cũ về thiết kế lại thành những món đồ xinh xắn.
Năm 2013, sau hội hoa tết, cô Thư Trâm cùng các giáo viên phải chạy vạy đi xin tre về để làm đồ chơi và dụng cụ học tập.
Nhà trường cũng bắt đầu siết lại chất lượng chăm sóc trẻ. Các giáo viên thường xuyên cập nhật món ăn mới từ sách, báo, mạng để thay đổi khẩu phần ăn cho trẻ...
Với những bước đi táo bạo của cô Hiệu trưởng, số học sinh tăng lên gấp đôi từng năm, từ 40 cháu năm 2011 - 2012, năm sau tăng lên 140, và giờ đây là 270. Năm 2013, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Ra cổng đón trẻ mỗi ngày
Với cương vị là Hiệu trưởng nhưng chưa một sáng nào cô Thư Trâm không đích thân đứng trước cổng trường để đón từng bạn nhỏ đến trường.
Một góc nhỏ trường Bình Minh do các cô giáo và học sinh tự chế tạo, trang trí. Ảnh: AN |
Lý giải về việc làm tuy nhỏ nhưng đầy tâm huyết đó cô Trâm giải thích: “Nét mặt của trẻ khi bước vào cổng trường thể hiện rõ nhất nền giáo dục của ngôi trường đó.
Trẻ có thích đi học hay không? Giáo viên có được trẻ yêu mến hay không? thể hiện rõ nhất vào buổi sáng đón trẻ tới trường.
Tôi vẫn thường giữ thói quen ấy để thấy nét mặt của trẻ và những tâm tư, tình cảm của phụ huynh để từ đó có cách thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn”.
Cô giáo chữa bệnh nghiện game cho học trò |
Mỗi sáng đón trẻ tới trường, cô Trâm thường nán lại để hỏi thăm phụ huynh về các bé. Các bé về nhà có vui không? Có sợ hãi điều gì không? Và dù bận rộn thế nào thì cô Thư Trâm cũng luôn cố gắng có mặt ở cổng để đón trẻ.
“Buổi sáng đến lớp là khoảng thời gian rất quan trọng. Các em có vui vẻ bước vào lớp thì giờ học của các em mới trở nên hứng thú và phụ huynh mới yên tâm để gửi gắm con mình.
Khi mình đích thân đón trẻ một phần sẽ tạo sự yên tâm cho phụ huynh, phần khác qua đó để các giáo viên nhìn vào học hỏi và chu đáo hơn chứ không phải chỉ là thủ tục đón cho có”.
“Đủ chiêu” cuốn hút học sinh
Để tạo sự thích thú cho học sinh mỗi ngày đến trường, cô Trâm cùng đồng nghiệp nghĩ ra “đủ chiêu” từ các trò chơi giải trí, tiệm Spa, đến cách bài trí, trang trí cảnh quan trong lớp, trong trường.
“Trẻ em luôn thích sự mới lạ, nó không những tạo sự cuốn hút ở trẻ mà còn kích thích sự sáng tạo của trẻ. Vì vậy, tôi luôn khuyến khích giáo viên không được “dậm chân tại chỗ” mà luôn luôn phải thay đổi, sáng tạo”.
Học sinh hứng thú với tiệm Spa. Ảnh: AN |
Đầu năm học 2019-2020 các bạn nhỏ của mầm non Bình Minh được trải nghiệm với khuôn viên Spa đầy thú vị. Các cô bé cậu bé được tham gia vào Spa với vai trò vừa làm khách hàng vừa làm nhân viên.
Cô Thư Trâm cho biết: “Tôi luôn tâm niệm, phải làm sao để mỗi giáo viên cũng có một góc nhỏ để xả stress. Bởi lẽ, khi giáo viên thấy thoải mái, vui vẻ thì mới biến mỗi giờ học của các bạn nhỏ thành một giờ học vui vẻ đúng nghĩa”.
Spa Bình Minh cũng rất "chuyên nghiệp". Bước tới gần Spa đã nghe mùi hương tinh dầu sả thoang thoảng đầy thư thái.
Cô Hương Lan, cô giáo khuyết tật nhưng rất hoàn hảo |
Bên trong có những chiếc giường xinh xắn được bài trí cùng những vật dụng như: khăn lau, khăn quấn đầu, chậu ngâm chân, các loại mặt nạ trái cây…
Các cô bé, cậu bé được phục vụ và tự phục vụ đầy chuyên nghiệp như xóa tan bao nhiêu muộn phiền cho giáo viên và khiến giờ học của các bạn nhỏ trở nên lý tưởng.
Điều tinh tế nhất ở cô Hiệu trưởng đầy tâm huyết này là dành riêng một góc nhỏ Spa cho giáo viên là mỗi khi giáo viên dẫn học sinh xuống trải nghiệm tại spa thì giáo viên sẽ được ngồi ngâm chân.
Khoảng thời gian này tuy ít ỏi nhưng nhằm giúp các cô thư giãn sau những giờ dạy căng thẳng.