Nhiều thầy cô giáo đều có 2 bộ giáo án
Nhiều thầy cô giáo hiện nay luôn có 2 bộ giáo án. Một bộ giáo án dùng để kiểm tra khi nhà trường yêu cầu và một bộ giáo án để thầy cô lên lớp.
Bộ giáo án kiểm tra gần như ít giáo viên tự soạn mà đi xin, đi mua là chủ yếu. Riêng bộ giáo án lên lớp giảng dạy phải do chính thầy cô tự soạn vì nếu không tự mình soạn, nhiều giáo viên dạy ở bậc trung học sẽ không thể giảng dạy tốt khi lên lớp.
Chợ giáo án, một nhóm kín có 31.900 thành viên, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Có điều, giáo án dạy trên lớp đôi khi chỉ là những nội dung quan trọng giáo viên viết ra giấy, những dòng gạch đầu dòng lưu ý trong sổ tay hay những kế hoạch được vạch sẵn trong đầu mà không phải chép hoặc in ra một cách bài bản.
Sẽ có nhiều người thắc mắc kiểu vì sao lại phải có đến 2 bộ giáo án? Sao không lấy giáo án mua để dạy hoặc sao không lấy giáo án dạy để dùng kiểm tra luôn?
Những quy định máy móc, buộc giáo viên phải mua giáo án đối phó
Người viết bài đã nhiều lần chứng kiến đồng nghiệp mới ra trường đã soạn giáo án tỉ mỉ, chi tiết đến thế nào để giảng dạy nhưng vẫn không dùng giáo án ấy để nộp cho trường vì chắc chắn sẽ bị bắt bẻ, góp ý của người kiểm tra.
Giáo án dùng để kiểm tra phải soạn theo đúng trình tự đã quy định, theo mẫu chung của cả trường, phải ghi từng đề mục, từng thời gian dự kiến. Phần cuối cùng bao giờ cũng có phần củng cố rồi bổ sung, nếu thiếu phần nào sẽ bị góp ý phần đó.
Đã có giáo viên bị chất vấn sao phần này lại bỏ trống? Cũng cố cái gì và bổ sung ra sao mà không ghi vào? Trong khi đó, sau bài dạy giáo viên chỉ cần đặt vài câu hỏi để học sinh trả lời và thầy cô hệ thống lại là đủ.
Thế nhưng lên lớp, một tiết dạy học đâu phải lúc nào cũng phải răm rắp theo đúng quy trình như thế? Khi dạy đôi khi trình tự tiết học sẽ bị đảo lộn, có những phần sẽ được dừng lại lâu, phần lại lướt qua vì tùy tình hình học tập của học sinh lúc đó.
Giáo án lên lớp của giáo viên thường khá chi tiết nhưng đâu cần viết ra. Nhiều thầy cô giáo giảng dạy đã trở nên thuần thục thì cũng đâu cần ngội cặm cụi hì hụi chép ra hết trang này đến trang khác? Những thầy cô giáo này, chỉ cần cầm cuốn sách giáo khoa và những kế hoạch bài dạy đã chạy sẵn trong đầu.
Vì thế, giáo án nộp để kiểm tra với giáo án bài dạy thực tế của nhiều thầy cô giáo sẽ không giống nhau. Nếu nghi ngờ điều này, chỉ cần vào dự giờ bất chợt một vài tiết học nào đấy sẽ thấy ngay điều chúng tôi nói.
Việc quy định giáo án phải soạn theo công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo càng buộc giáo viên đi mua giáo án (kế hoạch bài dạy).
Công văn quy định, kế hoạch bài dạy cần thực hiện theo 4 hoạt động: 1. Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu, 2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới, 3. Hoạt động 3: Luyện tập, 4. Hoạt động 4: Vận dụng. Trong mỗi hoạt động phải thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện.
Nếu soạn đúng theo quy định này, mỗi bài sẽ phải soạn gần 20 trang giáo án. Khi kiểm tra giáo án, người kiểm tra sẽ tha hồ soi xem giáo án có soạn đúng như quy định của công văn 5512? Các hoạt động có nêu rõ mục tiêu?...
Với những môn học tuần từ 1 đến 2 tiết, một giáo viên phải soạn một tuần từ 3 đến 5 giáo án (nếu được phân công dạy 2 khối lớp), từ 5 đến 7 giáo án nếu phải dạy tới 3 khối lớp.
Những môn như Văn, Toán số tiết một tuần nhiều hơn thì giáo viên phải soạn từ 8 đến 10 giáo án. Mỗi giáo án soạn theo Công văn 5512 dài từ 15 đến 20 trang thì một tuần số trang giáo án phải soạn ít nhất đã hơn 50 trang, còn nhiều sẽ hơn 100 trang.
Với số lượng trang giáo án phải hoàn thành nhiều như thế, thử hỏi giáo viên không mua giáo án về để dành kiểm tra sẽ phải ngồi soạn đến bao giờ mới xong được?
Chỉ cần kiểm tra tiết dạy sẽ biết giáo viên có soạn giáo án hay không
Là giáo viên đứng lớp gần 30 năm nay, tôi tin không thầy cô nào mua giáo án về dạy. Bởi, nếu không nghiên cứu bài, không tự soạn theo cách của mình mà nhìn vào giáo án của người khác soạn cũng không thầy cô giáo nào có thể dạy được.
Giáo viên lên lớp bây giờ có phải chỉ đứng một chỗ để nhìn giáo án và đọc cho học sinh chép đâu? Các thầy cô chỉ còn là người hướng dẫn học sinh các hoạt động học tập. Một giáo viên lên lớp không mà trước đó không nghiên cứu bài kỹ, người dự giờ sẽ dễ dàng nhận ra.
Bởi thế, thay vì kêu thầy cô nộp những bộ giáo án dày cộm để kiểm tra, rồi soi xét xem có đúng mẫu quy định, nhà trường nên vào dự giờ một vài tiết đột xuất sẽ có kết luận những thầy cô giáo ấy có soạn bài trước hay không.
Việc kiểm tra giáo án để khẳng định giáo viên thực hiện hồ sở sổ sách tốt và đánh giá đó là một giáo viên giỏi đã tồn tại biết bao năm qua. Đổi mới giáo dục, tại sao không đổi mới ngay từ khâu soạn giáo án và cách kiểm tra giáo án của giáo viên?
Muốn thay đổi lối mòn này, “phải thay đổi đồng bộ từ tư duy của người quản lý, phải quản lý bằng khối lượng, chất lượng hoàn thành công việc, yêu cầu cần đạt đối với học sinh, chứ không phải đi kiểm tra những trang giáo án” như lời khẳng định của thầy Nguyễn Văn Khánh (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.