Trong bối cảnh hiện nay, ngành nghề nào cũng có những khó khăn, thách thức riêng và những nhà giáo đang công tác ở các nhà trường cũng vậy. Tuy nhiên, khó khăn cũng có những thuận lợi nhất định. Nói gì thì nói, một người thầy chân chính, làm tròn trách nhiệm, bổn phận, biết chia sẻ, quan tâm đến học trò sẽ không có học trò nào dám hỗn láo, vô lễ với mình.
Đặc biệt, với học sinh khi mà các em đã bước qua cấp tiểu học, đang trưởng thành và đã có những độ chín nhất định thì những hành động, thái độ, lời nói của thầy cô giáo trước học trò cần phải chỉn chu và chú ý nhiều hơn.
Hạnh phúc của người thầy phải chính do người thầy tạo ra chứ không phải ai khác, không có ai mang hạnh phúc đến cho mình nếu bản thân không cố gắng, không tự tạo cho mình niềm vui trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày. Sự chủ động của thầy cô trong các tình huống sư phạm sẽ giúp cho người thầy tự tin khi đứng trên bục giảng.
Ảnh minh họa: vtv.vn |
Áp lực là động lực để thầy cô phấn đấu và thay đổi
Mỗi năm, ngành Giáo dục có một ngày được xã hội tôn vinh, ca ngợi, đề cập đến nhiều nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam (ngày 20/11). Những câu chuyện nhân văn, những tình huống giáo dục, những tình cảm thầy trò…cũng được nói, được nhắc, được kể khá nhiều trên các mặt báo.
Tất nhiên đa phần thầy cô giáo cảm thấy hạnh phúc trong ngày lễ thiêng liêng này. Song, ngoài ngày 20/11 ra, thầy cô giáo còn nhiều việc phải làm và đối mặt với nhiều áp lực trong công việc, trong ứng xử hàng ngày.
Khó khăn đối với giáo viên ngày nay đương nhiên giáo sẽ có rất nhiều. Mỗi thầy cô dạy một lúc rất nhiều học trò. Chỉ trong 1 lớp học cũng đã có mấy chục học trò cũng chừng ấy tính cách khác nhau. Tất nhiên, học lực của khác nhau, cách tiếp cận vấn đề cũng khác nhau.
Song, điều thuận lợi của các nhà giáo là đã có nghiệp vụ sự phạm và đều đã được trang bị kiến thức tâm lý học đường. Những nhà giáo giỏi sẽ biết ứng xử phù hợp với từng tính cách, hành động của học trò. Biết phát huy thế mạnh và cũng đồng thời biết vị tha trước học trò (khi các em có lời nói, hành động chưa phù hợp).
Học trò- nhất là khi đã lớn tất nhiên sẽ có chính kiến và lòng tự trọng, tự ái trước thầy cô và bạn bè xung quanh. Mỗi lời nói, hành động của thầy cô dù vô tình hay cố ý gây tổn thương cho học trò sẽ là vết hằn cho tâm lý các em sau này.
Mỗi sự cố xảy ra, không chỉ đơn thuần là học trò bị tổn thương mà chính giáo viên cũng sẽ chịu nhiều tai tiếng và mất mát nhiều hơn. Chính vì thế, sự kiềm chế hành vi, hành động, ngôn phong trong quá trình giảng dạy, giáo dục học trò là điều mà mỗi thầy cô giáo cần chú ý.
Thời đại công nghệ thông tin, học sinh thì gần như em nào cũng có điện thoại. Một khi hình ảnh người giáo viên được đưa lên mạng xã hội cũng là lúc hình ảnh người thầy bị lung lay với nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau. Từ đầu năm học đến nay, một vài sự cố đã xảy ra ở một số nhà trường và đã có giáo viên đã phải xin ra khỏi ngành cũng vì quá áp lực.
Bởi vậy, trước khi muốn ai bảo vệ mình thì trước hết mỗi nhà giáo phải tự bảo vệ hình ảnh mình trước học trò để làm đẹp hơn hình ảnh người thầy, trước công việc mà mình đang gắn bó, theo đuổi.
Bảo vệ mình không phải là co mình lại mà chủ động giải quyết trong mọi tình huống để không xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Một khi giáo viên chủ động, thiết tha, yêu quý công việc mình đang gắn bó sẽ thấy nghề nghiệp của mình ý nghĩa vì bản thân đang góp phần đào tạo thế hệ trẻ và được tiếp xúc, gắn bó với các bạn trẻ mỗi ngày.
Tôi đã chọn nghề dạy học và trân quý những gì mình đang có
Tôi lớn lên khi đất nước còn khó khăn của giai đoạn trước và sau đổi mới của đất nước nên cái nghèo, cái khó cứ ám ảnh mãi đến tận bây giờ. Chuyện học hành cũng bị gián đoạn gần chục năm trời.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi tiếp tục đi làm để mưu sinh nhưng tình yêu, nỗi nhớ về mái trường vẫn luôn hiện hữu. Vì thế, tôi đã quyết tâm để được bước vào giảng đường đại học với mong muốn sau này được đứng trên bục giảng.
Hai sáu tuổi- cái tuổi mà đa phần đã có công việc ổn định, có gia đình nhưng tôi mới bước vào giảng đường đại học làm sinh viên năm nhất. Thế nhưng, đối với tôi như thế đã là niềm hạnh phúc và không bao giờ ân hận với quyết định có phần mạo hiểm của mình.
Ba mươi tuổi ra trường cầm tấm bằng đại học đi xin việc trong lúc nhân lực ngành giáo dục đã bão hòa. Vì thế, tôi đã đi dạy hợp đồng để chờ đợi cơ hội đến với mình. Ba mươi hai tuổi- cái tuổi mà nhiều giáo viên khác đã đang hưởng lương bậc 4 thì tôi chính thức được tuyển dụng vào ngành giáo dục để bắt đầu hưởng lương tập sự.
Vào nghề muộn, mọi thứ tất nhiên sẽ khó khăn hơn so với những đồng nghiệp cùng tuổi với mình nhưng được làm công việc mình lựa chọn, yêu thích là điều hạnh phúc đối với tôi. Điều tôi luôn tâm niệm, để khẳng định được vị trí người thầy trong môi trường giáo dục hiện nay thì việc đầu tiên bản thân mình phải chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, phương pháp dạy học.
Mọi công việc chuyên môn của người giáo viên phải tự mình làm được, không lệ thuộc vào ai. Những hội thi, những phong trào của trường, của ngành đều tham gia để học hỏi và khẳng định mình. Những việc khó được giao sẽ nhận, thậm chí xung phong làm để không còn sợ bất kỳ công việc gì trong môi trường giáo dục.
Trước học trò, người thầy cần chỉn chu từng lời nói, hành động và đặc biệt đối xử với học trò bình đẳng và luôn tạo cho các em phát huy khả năng của mình. Đặc biệt, người thầy luôn gần gũi, sẻ chia với học sinh trong quá trình học tập nhưng phải biết tạo khoảng cách nhất định với học trò- nhất là học trò khác giới.
Trong từng lớp học, người thầy phải lúc nhu, lúc cương và cháy hết mình qua từng bài giảng.
Quá trình dạy biết phát hiện ra những học sinh có năng khiếu môn học để bồi dưỡng và giúp đỡ những học sinh còn yếu kém trong học tập, uốn nắn những em có hành vi, thái độ chưa phù hợp.
Chính vì thế, gần 20 năm trong nghề bản thân chưa bao giờ bị cấp trên quở trách, nhắc nhở về công việc được giao. Đồng nghiệp tin tưởng và nhiều thế hệ học trò dành cho thầy một sự kính trọng. Chưa có học sinh nào dám hỗn láo hay có từ ngữ không phù hợp với thầy. Hạnh phúc của người thầy chỉ đơn giản vậy thôi.
Bởi vậy, bản thân tôi luôn nghĩ rằng muốn bảo vệ hình ảnh, danh dự của người thầy thì bản thân mỗi giáo viên phải tự bảo vệ mình trước chứ không phải là ai khác. Nghề nghiệp nào trong thời điểm hiện nay cũng đều khó khăn, áp lực chứ không riêng đối với những thầy cô giáo.
Có điều, những thầy cô được dư luận, phụ huynh “quan tâm” nhiều hơn và đôi lúc cũng đang trở nên “yếu thế” hơn.
Nhưng, tôi tin rằng nếu thầy cô làm trọn bổn phận, trách nhiệm và có những ứng xử phù hợp với các tình huống sư phạm và các hoạt động giáo dục và đối xử công bằng giữa các học trò với nhau thì sẽ không có học trò nào dám hỗn láo với thầy cô của mình.
Ngày Nhà giáo Việt Nam đến rồi đi như bao nhiêu ngày khác. Nhiều tấm gương thầy cô được tôn vinh, báo chí cũng phản ánh nhiều gương sáng trong ngành đó cũng là niềm vui chung của mỗi thầy cô giáo.
Điều này cho thấy nếu thầy cô nỗ lực cống hiến cho ngành, cho nhà trường và hết lòng vì học sinh thân yêu sẽ được học trò, phụ huynh yêu quý, xã hội ghi nhận. Và, sự ghi nhận, tôn vinh ấy là những món quà vô giá mà không phải ngành nghề nào cũng có được những vinh dự như vậy.
* Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.