LTS: Là một giáo viên chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh, nhà giáo Sông Mã bày tỏ nỗi xót xa khi nhiều phụ huynh phải chật vật từng đồng để có sách mới cho con học.
Toà soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nhìn những cuốn sách giáo khoa (chủ yếu là sách Anh văn, Tin học và sách VNEN) còn mới nguyên nhưng phải nằm lăn lóc trong đống giấy vụn cùng chung số phận với những loại giấy thải khác, trong tôi không kìm nét nỗi sự tiếc nuối, xót xa.
Tôi tiếc cho số phận của những cuốn sách lẽ ra phải nằm trên bàn của học sinh, tiếc cho một đống tiền của phụ huynh đã bị đổ sông đổ biển, tiếc cho những nỗi nhọc nhằn, những giọt mồ hôi đắng chát của các bậc cha mẹ tảo tần, chắt chiu từng đồng gom góp mua về cho con học chưa lâu đã phải ném bỏ.
Với những gia đình khó khăn, việc mua sách mới cho con cũng là một khoản đáng lo. (Ảnh minh hoạ: Vương Thuỷ/giaoduc.net.vn) |
Nhiều phụ huynh đã nhiều lần thắc mắc hỏi, có người từng đến gặp tôi, người gọi điện để nói rằng:
“Cô ơi, bộ sách tôi mới mua năm rồi cho thằng anh, nó giữ gìn còn mới nguyên, sao năm nay, thằng em học lại không được mà phải mua sách khác?”.
Tôi chỉ biết trả lời theo câu mà Hiệu trưởng dặn dò giáo viên trả lời phụ huynh trên cuộc họp rằng:
“Sách giáo khoa năm nay đã chỉnh sửa một số nội dung nên phải mua sách mới. Học sách cũ sẽ có nhiều bài không còn phù hợp”.
Nghe thế, đa phần phụ huynh không thắc mắc nữa nhưng tôi biết họ rất buồn, rất tiếc vì phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua cho con bộ sách giáo khoa khác.
Vốn không có chuyên môn về Anh văn nên tôi chỉ biết kiểm chứng qua một số giáo viên dạy tiếng Anh về mức độ chỉnh lý của sách.
Lợi nhuận khủng nhờ giỏi kinh doanh hay … “móc túi” nhân dân |
Nhiều thầy cô cho biết: “Nội dung sửa không nhiều, chỉ là một số câu hỏi hội thoại, một số tình huống khác đi…”.
Chính họ cũng thắc mắc: “Theo em, sửa ít mà bắt thay nguyên cuốn sách nghĩ cũng lãng phí vô cùng. Mà trước khi ra sách họ đã thẩm định rồi, vậy cớ sao mỗi năm lại phải chỉnh lý lại?
Trong khi giá một cuốn sách Anh văn đâu hề rẻ, cả trăm ngàn mới mua được một cuốn”.
Sách Tin học cũng vậy. Giá một cuốn 50 ngàn đồng. Họ chỉnh lý cũng không nhiều nhưng vẫn yêu cầu đổi.
Sách VNEN cũng cùng chung số phận.
Nội dung sửa đổi chỉ là thay đổi hình thức học của một số bài (chẳng hạn học cả lớp sang học nhóm, hay học nhóm lớn chuyển qua nhóm đôi)… hoặc thay đổi về một số yêu cầu của bài tập.
Chẳng hạn như thay đổi câu “hãy viết về mẹ người em yêu quý nhất” thì được đổi thành “viết về người thân…” họ lý giải có em không có mẹ, mà yêu cầu học trò viết về mẹ sẽ mất đi tính nhân văn, sẽ làm khó học sinh.
Họ quên một điều với nội dung kiểu ấy thì thầy cô tự khắc biết xử lý khi mình ra đề cho các em làm mà đâu nhất thiết phải bỏ đi những cuốn sách như thế?
Cầm những cuốn sách cũ và mới trên tay, tôi nghĩ nếu dùng sách cũ vẫn chẳng vấn đề gì.
Nhưng cái khổ là phụ huynh mà nghe chính miệng thầy cô nói ra: sách mới đã chỉnh sửa một số nội dung để học sinh học tốt hơn, nếu học sách cũ sẽ rất khó khăn cho các em” thì không có bất kì cha mẹ nào lại từ chối.
Dù khó khăn đến mấy họ cũng sẵn sàng đổi sách vì họ luôn muốn dành điều tốt nhất cho con của mình.
Điều làm tôi thắc mắc nhiều nhất là tại sao họ cứ liên tục lấy lý do chỉnh lý để móc túi phụ huynh?
Bức tranh toàn cảnh về những sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam |
Câu hỏi ấy của tôi, của đồng nghiệp mình bao năm chẳng thể có câu trả lời bởi cũng không ai biết, không ai hiểu tường tận.
Cho đến hôm nay, tôi đã đọc được bài báo “Lợi nhuận khủng nhờ kinh doanh hay “móc túi” nhân dân” của tác giả Xuân Dương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 4/9, đọc xong bài viết tôi mới tự trả lời được điều mà mình thắc mắc lâu nay.
Chúng tôi mới vỡ lẽ một điều tất cả vì lợi nhuận, vì món tiền khổng lồ ai đó sẽ nhận được mà họ sẵn sàng quên đi những vất vả, những khốn khó của bao người khi chắt bóp từng đồng để mua cho con bộ sách.
Họ cố tình quên đi nỗi tiếc nuối, khổ sở khi chính tay những phụ huynh ấy lại cầm những cuốn sách còn mới cáu kia ném vào sọt rác nhường chỗ cho những bộ sách mới lại ra đời.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh một nhà ngoại giao cũng từng phải thốt lên: “Sách giáo khoa trở thành công nghiệp kinh doanh khổng lồ của ngành giáo dục, đẩy hàng chục triệu học sinh thành “máy đẻ tiền” cho họ”.
Việc mỗi năm chỉ chỉnh sửa chút xíu rồi phát hành sách khiến học sinh không thể dùng lại sách cũ là chủ trương từ cấp nào?
Câu hỏi này cũng cần phải được làm rõ. Có như vậy ngành giáo dục mới không tái diễn cảnh mua sách đắt dùng một năm lại phải ném đi mua sách khác.