LTS: Với 22 năm gắn bó với nghề, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ kinh nghiệm trong việc dạy học của mình giúp thầy cô thấu hiểu học trò và giúp học trò hào hứng với việc học tập.
Theo đó, thầy Ngọc thường áp dụng cách lấy ý kiến đánh giá của học trò với việc dạy học của mình để ngày càng hoàn thiện và tìm ra phương pháp tốt nhất phù hợp với các em.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cách đây 22 năm, khi là giáo sinh thực tập tại Trường Trung học phổ thông số 2 Mộ Đức (Quảng Ngãi), sau hơn hai tháng thực tập sư phạm, tôi từng tự làm phiếu với 5 câu hỏi để học sinh lớp 10A2 đánh giá về công việc thực tập chủ nhiệm và giảng dạy của mình.
Lần đầu tiên được một thầy giáo thực tập cho cái “quyền” đánh giá, nhận xét về người dạy, chủ nhiệm mình, các em khá hào hứng.
Các em nhận xét, ý kiến rất vô tư, trong đó có những ý kiến xác đáng, thầy còn hạn chế chỗ này, chưa được chỗ kia…
Để tạo hứng thú và sự gần gũi với học trò, thầy cô giáo nên tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em. (Ảnh minh hoạ trên Baovinhphuc.com.vn) |
Tốt nghiệp ra trường, về công tác tại Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) từ năm 1996 đến nay, tôi cũng từng nhiều lần phát phiếu cho học sinh lớp chủ nhiệm và các lớp giảng dạy đánh giá về ưu điểm, hạn chế cần khắc phục của thầy giáo vào cuối học kỳ 1 và kết thúc năm học.
Qua những phiếu góp ý, nhận xét của học sinh như vậy, tôi hiểu các em hơn và có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm với mong muốn chất lượng, hiệu quả giáo dục cao hơn.
Có một số giáo viên bây giờ có tâm lý ngại và sợ làm công tác chủ nhiệm, còn tôi thì rất hào hứng, trông mong được nhà trường phân công nhiệm vụ nặng nề, có nhiều việc không tên này.
14 năm liên tục, từ năm 1996 đến năm 2009, tôi trải qua 15 lớp chủ nhiệm, có một năm, tôi chủ nhiệm 2 lớp (sáng 1 lớp, chiều 1 lớp) do nhà trường thiếu giáo viên, đông học sinh.
Để phân loại, đánh giá chính xác hạnh kiểm của từng học sinh, đến cuối học kỳ 1 và cuối năm học, tôi thường tổ chức một buổi họp riêng với các em là cán bộ, cán sự của lớp.
Những tấm gương nhà giáo say mê sáng tạo của Quảng Ngãi |
Ở đây các em, các tổ, các bộ phận rất cởi mở, thoải mái trong việc trao đổi cùng thầy giáo chủ nhiệm về ưu, khuyết của từng em trong tổ, trong lớp.
Vì các em luôn gần gũi, theo sát các bạn trong từng tiết học, hoạt động ở trường, lớp, thậm chí ngoài nhà trường nên những thông tin, chia sẻ, nhận xét của cán bộ, cán sự lớp rất chuẩn xác, cụ thể, chi tiết.
Đó là một cơ sở, căn cứ quan trọng để tôi đưa ra quyết định cuối cùng về mức độ, xếp loại hạnh kiểm của từng học sinh ở học kỳ 1 và cuối năm.
Tại buổi kiểm điểm và công bố xếp loại hạnh kiểm của cả tập thể lớp, tôi tiếp tục cho các em, các tổ ý kiến, thảo luận và chốt lại, nhận xét khái quát ưu, nhược của từng em, mặt tốt các em phát huy, mặt hạn chế, khuyết điểm cần điều chỉnh.
Em nào em nấy đều tâm phục khẩu phục về cách tổ chức xếp loại hạnh kiểm của thầy giáo.
Đến nay, nhiều học sinh do tôi chủ nhiệm đã trưởng thành, trong những lần gặp gỡ, thường hỏi tôi: “Thầy làm cách nào mà nắm bắt cụ thể, chính xác về tâm tính, thói hư tật xấu, ưu, nhược điểm của tụi em đến thế?”
Tôi cười và nói: “Thầy làm sao nắm bắt hết được mọi biểu hiện của các em mà phần lớn nhờ, dựa vào thông tin, các cuộc trao đổi chân tình giữa cán bộ, cán sự lớp và thầy giáo chủ nhiệm đấy”.
Trái ngọt giữa cuộc đời |
Tôi chia sẻ kinh nghiệm cách tổ chức, quản lý chủ nhiệm này cho một số giáo viên trẻ trong trường, các trường bạn và họ đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi.
Trong hoạt động dạy học ở trên lớp, ngoài việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại, đến phần kiểm tra gọi lên bảng làm bài tập hoặc những bài kiểm tra, bài viết 15 phút, 1 tiết, 2 tiết, tôi luôn có yêu cầu đối với các em sau khi làm xong bài thì phải tự chấm điểm cho mình.
Học sinh các lớp, bao nhiêu năm nay tỏ ra hứng thú với yêu cầu “lạ” này của tôi. Có em ngẫm nghĩ hồi lâu. Có em trao đổi, thảo luận với bạn ngồi bên cạnh.
Có em thì khiêm tốn, làm đúng hết nhưng chỉ dám ghi điểm trung bình (5, 6) thôi. Có em tuy làm không được gì, song lại ghi điểm khá, giỏi (7, 8).
Mục đích của tôi giúp cho học sinh tự đánh giá, tự nhìn nhận lại mức độ, sự cố gắng, nỗ lực của mình đã đạt đến đâu qua những bài tập, bài kiểm tra ấy.
Tất nhiên, kết quả điểm của từng em do tôi thẩm định trong quá trình chấm.
Có nhiều em tự cho điểm trùng khớp với điểm đánh giá của thầy giáo, tôi kịp thời khen, khích lệ và các em đón nhận bằng ánh mắt rất tự tin, phấn khởi.
Tôi lại đem sáng kiến “lạ” này trao đổi với nhiều đồng nghiệp và học sinh ở các lớp dạy của đồng nghiệp cũng có những tín hiệu tích cực, lớp học hào hứng hơn, các cuộc tranh luận, phản biện thú vị thường diễn ra trong học sinh về các điểm số tự chấm.