Chiều 25 Tết, nhận được điện thoại học trò cũ “Thầy ơi, thầy ở nhà hay ở đâu, thầy trò mình đi cafe được không ạ?”. Biết tôi trực trường nên Thanh Trà đã cùng bạn mang cafe lên trường gặp thầy.
Thanh Trà là học sinh nữ duy nhất đậu học sinh giỏi Toán cấp Tỉnh được vinh danh trên Bảng vàng danh dự của nhà trường từ trước đến nay; em là niềm tự hào của nhà trường khi đậu đại học khối A cao nhất tỉnh.
Đã lâu thầy trò mới gặp nhau trực tiếp, nên đủ chuyện để hàn huyên, chẳng theo trình tự nào. Tôi dẫn Thanh Trà đến Bảng vàng danh dự của nhà trường, như là lời cảm ơn em đã đồng hành cùng tôi trong những ngày ôn thi học sinh giỏi.
Nhìn tấm hình của mình ngày ấy ôm hoa và tay cầm giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp Tỉnh em chợt chùng xuống “Ngày đó thầy trò mình vất vả quá thầy nhỉ. Quanh năm suốt tháng chỉ mỗi việc học.
Em còn nhớ thời gian ôn thi vào dịp nghỉ Tết, thầy in cho mỗi đứa một bộ đề, mỗi ngày giải một đề, để ra Tết thầy chữa bài, tiết kiệm thời gian.
Năm đó cả đội tuyển coi như mất Tết thầy ạ. Thỉnh thoảng chúng em gặp nhau, đàn đúm, nhớ thầy, bạn Kim còn chọc “Thầy nợ chúng mình một cái Tết”.
Chúng em chuẩn bị kế hoạch mời thầy đi du lịch xuyên Tết với cả nhóm để bắt thầy “trả nợ Tết” rồi, nhưng vì dịch nên phải hủy...”.
Tôi biết, Thanh Trà nói những lời chia sẻ với mình là trong tràn đầy yêu thương, biết ơn vô hạn của đứa học trò, lứa học trò mà tôi vô cùng yêu mến, chẳng trách móc gì mình, thế nhưng không khỏi hối hận; thế là mình thêm một món nợ với học trò, một món nợ không thể trả được cho thế hệ trước, nhưng chắc chắn không còn mắc nợ thế hệ sau.
Hãy trả lại tuổi thơ cho học trò, trả lại Tết không áp lực bài tập cho học trò. (Ảnh minh hoạ: Vietnamnet.vn) |
Đừng làm học trò... mất Tết
Không ít địa phương có kế hoạch thi học sinh giỏi cấp huyện, thành lập đội tuyển, bồi dưỡng trước Tết 1 tuần.
Khi nghỉ Tết, giáo viên phụ trách đội tuyển sẽ có bài tập dành cho các em làm trong dịp Tết, vừa giữ được “phong độ”, vừa giúp tiết kiệm thời gian bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội tuyển.
Có thể trong thời gian ngắn hạn, đây là phương án được coi là “tối ưu” như trước đây tôi đã làm, nhưng cho đến nay tôi thấy đó là phương án “hạ sách” nhất.
Học trò, ngoài học kiến thức, thứ học trò cần hơn là trải nghiệm để phát triển phẩm chất và năng lực của mình.
Không phải tự nhiên mà ông cha ta nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, hãy để học sinh trải nghiệm cái Tết cổ truyền, bồi dưỡng tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước trong dịp nghỉ Tết.
Một thực tế không thể chối cãi, học sinh Việt Nam thi đâu thắng đó nhưng rất ít có những phát minh, sáng tạo phục vụ cho cộng đồng, vậy học giỏi mà để làm gì? Thi học sinh giỏi để làm gì?
Nếu chỉ dạy học sinh để thành “thợ giải bài” trên sách vở, còn ra ngoài đời là “thợ chưa qua đào tạo” thì học sinh giỏi là vô nghĩa với thực tế cuộc sống.
Chương trình giáo dục vốn dĩ vẫn còn rất nặng, Tết về hãy “quẳng gánh lo” giúp học trò, không giao bài tập cho học trò chứ không phải tùy từng địa phương; cứ “Nghỉ Tết không áp lực bài tập” như Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Ninh..., đừng theo thói cũ để rồi sợ có sai lầm khi giao bài tập cho học sinh dịp Tết. Giao bài tập cho học sinh làm dịp nghỉ Tết là sai rồi, chứ không còn là sợ nữa.
Hãy trả lại tuổi thơ cho học trò, trả lại Tết không áp lực bài tập cho học trò, là hành động nhân văn mà mỗi thầy cô có thể làm với học trò mình, đừng như tôi đã từng “ăn cắp” Tết của học trò để bây giờ hối tiếc.