“Hồi mới đi dạy, tôi loay hoay mấy năm mà không tìm ra hướng để làm sao giảng dạy cho tốt, tiếp cận với công việc có nhiều bỡ ngỡ và nó khác xa rất nhiều với những kiến thức nặng về nghiên cứu tôi học ở trường.
Thực tế lúc đó hầu hết giáo viên đều cố gắng để làm sao cho học sinh sợ, và nếu học sinh không sợ thì có nghĩa là mình thất bại.
Tôi cũng bị chung tư tưởng đó nhưng chỉ có điều là tôi không thể làm các em sợ mình được, tôi cũng không hiểu tại sao?”, cô Ngọc chia sẻ.
Tôi không thể làm các em sợ mình được, tôi cũng không hiểu tại sao? Ảnh: Cô Ngọc cung cấp. |
Tốt nghiệp khoa Sinh kỹ thuật nông nghiệp Trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 1998, cô Trần Thị Minh Ngọc - giáo viên dạy môn Công nghệ Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh - Hà Nội, chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
“Năm 2000 tôi nhận công tác tại Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh - Hà Nội và cho đến năm 2005 thì vào biên chế chính thức.
Các thầy cô lớp trước nói với tôi: Cháu phải làm thế này, phải làm thế kia và tôi cũng quát nạt, gõ thước, phạt, đuổi học sinh ra ngoài, báo với phụ huynh…
Một số đồng nghiệp lúc đó cũng nhận xét rằng tôi hiền quá nên học sinh không sợ, và thấy tôi như vậy họ cũng đã rất coi thường, chê tôi dạy không nên hồn, không nói được nên học sinh mới không sợ?
Năm đó tôi được phân công làm chủ nhiệm lớp 11 hệ B, mà học sinh hệ B rất bướng và học kém hơn, những giáo viên được phân công làm chủ nhiệm lớp hệ B đều được coi là cứng tay nên học sinh rất sợ.
Tôi suy nghĩ không nhất thiết phải làm cho học sinh sợ mình, bản thân tôi cũng không thích quyền lực đó. Tôi vẫn thường nói là quyền lực ảo vì các em có sợ mình thật đâu”.
Những cảm giác bỡ ngỡ ban đầu khi đi dạy thực tế khác xa với kiến thức đã học, đó không chỉ là cảm giác mà cô Ngọc gặp phải mà nó còn là điểm chung của nhiều thầy cô giáo mới ra trường.
“Ngay từ khi học Đại học, tôi tự mày mò với kiến thức và đặc biệt là tôi đọc sách nước ngoài rất nhiều, càng đọc tôi càng ngẫm ra nhiều điều.
Cuốn sách “những tấm lòng cao cả” của Maxim Gorky và một cuốn nữa là hồi kí của Nữ hiệu trưởng da đen của Mỹ có tên “Thầy trò trường tôi”, mà tôi cho đó chính là cẩm nang của nền Giáo dục.
Những cuốn sách đó đã làm thay đổi tôi rất nhiều, nội dung đều đưa ra một tiêu chí là giáo dục bằng tình thương yêu, bằng chính tấm chân tình của thầy cô giáo chứ không phải bằng đe nẹt hay hình phạt.
Những chi tiết trong sách làm tôi nhớ mãi: Bà hiệu trưởng ở một ngôi trường mà các em học sinh ở đó hầu hết là con nhà lao động.
Sự việc xảy ra khi có một em học sinh chạy đến cổng trường với cánh tay bị bỏng và đợi cô hiệu trưởng đưa đi cấp cứu.
Trong tất cả mọi chuyện xảy ra thì ý nghĩ duy nhất trong đầu em học sinh đó chính là cô hiệu trưởng, người duy nhất sẽ bảo vệ và chăm sóc em.
Một chi tiết nữa: Có 2 em học sinh gặp chuyện không may ở gia đình, khi cảnh sát đến và hỏi các cháu muốn gọi điện để báo cho người thân không?
Cả 2 đứa trẻ đều nói gọi cho cô hiệu trưởng, sau đó cô hiệu trưởng có đến đón 2 em để đưa về nhà, tắm rửa thay quần áo, cho các em ăn và ngủ lại ở nhà cô đêm hôm đó.
Những câu chuyện như vậy đã tác động và làm thay đổi tôi rất nhiều, nhất là sau những năm đầu tôi đi dạy rất vất vả, mông lung vì chưa tìm được cho mình hướng đi.
Mặc dù tôi đã có gắng học hỏi, áp dụng kinh nghiệm của những đồng nghiệp nhưng vẫn không thành công và đó cũng không phải là điều tôi muốn học.
Tôi chỉ thực sự thay đổi và tìm được hướng đi cho riêng mình sau khi tôi đọc 2 cuốn sách kia, tôi nhận thấy con đường mình cần đi là gì.
Khi mà đã tìm ra con đường đó rồi thì mình cứ thế đi theo thôi, nó dễ dàng hơn rất nhiều”, cô Ngọc cho biết.
Những giờ học thực hành ở trên lớp khiến cho học sinh cảm thấy thích thú, không còn áp lực. Ảnh: Cô Ngọc cung cấp. |
Có một sự thật hiện hữu là không phải thầy cô chủ nhiệm nào cũng được các em gần gũi chia sẻ, và các em chỉ chia sẻ với những người mà các em thấy tin tưởng, cởi mở.
Không phải giáo viên nào cũng khiến cho các em thổ lộ, đó là một thực tế mà các giáo viên phải nhìn nhận.
“Từ lúc đó, trong những giờ học tôi có sự quan tâm chia sẻ nhiều hơn đến cảm xúc, đời sống học sinh.
Khi mà cô trò có sự gần gũi, đồng cảm nắm bắt được tâm tư, chia sẻ được rồi thì bản thân các em cũng sẽ coi mình là một thành viên trong nhóm, như bạn bè thân thì lúc đó nói gì cũng dễ hơn.
Có thể nói những lớp tôi dạy về sau thì thái độ của học sinh hoàn toàn khác hẳn, các em gần gũi tôi hơn và sẵn sàng thổ lộ cả những góc khuất nội tâm, có sự đau đớn, có sự dằn vặt… để nhờ tôi tư vấn. Tôi nghĩ mình đã làm được điều đó”, cô Ngọc chia sẻ.
Mặc dù không phải là giáo viên chủ nhiệm, một tuần chỉ có 1 tiết bộ môn nhưng cô Ngọc nắm khá rõ hoàn cảnh gia đình của học sinh đặc biệt.
Cô luôn quan sát và đôi khi chỉ là những khoảnh khắc của học sinh ở trên lớp, nếu thấy có vấn đề thì cô sẵn sàng làm cho các em hiểu và giúp đỡ các em trong khả năng của mình.
Cô Ngọc cho biết: “Tôi chỉ dạy bộ môn nhưng được học sinh rất quý mến, bản thân tôi cũng thích vui vẻ, thích gần gũi học sinh, thích cái văn hóa của học sinh.
Tôi sẵn sàng nghe chung một bản nhạc của các em, hát một bài mà các em đang hát, chia sẻ những việc mà các em đang quan tâm trong khi ở lứa tuổi của tôi thì hầu hết giáo viên coi đó là việc quá khác biệt.
Sau đó khoản 5 năm thì tôi lại được phân công làm chủ nhiệm một lớp 10 và tôi sẽ theo các em lên hết lớp 12, lúc này tôi đã thay đổi hoàn toàn về mọi mặt.
Lớp trước tôi thất bại vì còn quá non trẻ, chưa có kinh nghiệm thì ngược lại, với lớp này tôi đã chuẩn bị tư tưởng cộng với kinh nghiệm thực tế.
Tôi quán triệt luôn với các em ngay từ buổi đầu gặp mặt: Chúng ta từ nay đã chung một lớp và học với nhau 3 năm, nhưng cô nghĩ cả đời chúng ta sẽ là bạn với nhau.
Khi đã là bạn rồi thì sau này chúng ta phải cố gắng giúp đỡ nhau thật nhiều.
Tuy là nhiều gia đình khác nhau nhưng gặp nhau tại lớp học này thì chúng ta phải yêu thương, cùng nhau củng cố một mối quan hệ đoàn kết, gắn bó.
Cô không cần lớp mình đứng đầu nhưng cũng đừng có đứng bét, cách hành xử với các bạn phải văn minh, có văn hóa. Giao tiếp với thầy cô giáo phải tôn trọng, lễ phép”.
Sau khi đọc mấy cuốn sách trên thì tôi nhận thấy một điều là, giáo viên cứ nghĩ học sinh tự quan sát và học hỏi được, nhưng trên thực tế mình phải dạy các em từng chút một.
Có những em rất tinh ý, nhìn cách hành xử của giáo viên và các em học được từ đấy. Nhưng cũng có nhiều em không tinh ý thì mình phải dạy dỗ tỉ mỉ.
Cô không cần lớp mình đứng đầu nhưng cũng đừng có đứng bét, cách hành xử với các bạn phải văn minh, có văn hóa. Giao tiếp với thầy cô giáo phải tôn trọng, lễ phép. Ảnh: Cô Ngọc cung cấp. |
“Mỗi tình huống xảy ra tôi đều hướng dẫn các em cách giải quyết, với trường hợp này thì như vậy nhưng đối với trường hợp kia thì lại khác.
Sau buổi gặp gỡ các em đầu năm, tôi lên một danh sách và chỉ trong khoảng 5 hôm tôi đã đến từng nhà của 42 em để gặp gỡ phụ huynh, tìm hiểu từng hoàn cảnh.
Nhiều học sinh và phụ huynh thấy tôi đến thì rất ngạc nhiên và nói: Con tôi đi học bao nhiêu năm mà bây giờ mới thấy có giáo viên đến nhà chơi.
Mỗi em học sinh tôi đến nhà đều có hoàn cảnh rất khác nhau, từ đó mà tôi đưa ra được những quyết định để chia sẻ và giúp đỡ các em nhiều hơn.
Thậm chí có em học sinh gia đình rất nghèo và luôn thiếu tiền đóng học, em đó có nói thầm với tôi rằng: Cô ơi, lát nữa cô đừng đọc tên con trước cả lớp vì chậm tiền học nhé.
Và tôi đã đóng tiền học cho em cả năm lớp 12 vì không thể để phòng giáo vụ của trường nhắc nhở. Mãi sau khi ra trường rồi em đó mới gửi lại cho tôi.
Khóa học sinh 3 năm đó tôi rất thành công và đặc biệt không phải là lớp giỏi của trường”, cô Ngọc nói.
Thực tế hiện nay, thầy cô cứ đặt ra thành tích và bắt học sinh phải đạt được, như vậy các em sẽ phải gồng mình lên và thành tích đó để cho ai?
Nếu cứ phải gồng mình lên, không được mắc sai sót vậy thì lấy đâu ra trải nghiệm, sáng tạo và niềm vui cho các em.
“Tôi nói học sinh rằng lớp mình không cần đứng thứ nhất trong trường, nhưng không được đứng bét là có lí do, tôi thấy trẻ em cần phải được phép có những sai lầm.
Không phải các em mắc sai lầm là không có bài học, mà sai lầm đó lại là bài học cực lớn.
Nếu như không cho phép các em sai lầm thì cũng đồng nghĩa các em không có thực tế, mà đã sai lầm thì làm sao các em có thể đứng thứ nhất trường được.
Nếu cứ bắt đứa trẻ 100% phải đúng thì đó là ta đang lập trình chứ không phải dạy một đứa trẻ phát triển, các em sẽ là những đứa trẻ khô khan và cứng nhắc.
Bản chất sự sáng tạo là rủi ro, khi không dám rủi ro thì làm sao có sáng tạo. Đó là một bài toán đơn giản và mình nên nhìn nhận nó, nhìn nhận đúng tuổi thực của học sinh.
Khi mình tiếp cận với Giáo dục hiện đại thì tôi nhận thấy rằng: Việc đánh giá một đứa trẻ là đánh giá nỗ lực, đánh giá cả quá trình và điểm số của một thời điểm đừng bao giờ cứng nhắc”, cô Ngọc nhấn mạnh.
Nhìn nhận và thay đổi
Khi tham gia các khóa học, được các chuyên gia Giáo dục phân tích thì tôi hiểu được sâu hơn, hiểu được tận gốc của vấn đề.
“Trước đó tôi chỉ hiểu là mình đem tình yêu thương đến với các em, mình sử dụng tình yêu thương để định hướng cho tất cả các học sinh và trong chính những hành vi của mình.
Thầy cô muốn học trò tin yêu, cần học cách gần gũi và biết tôn trọng học trò |
Nhưng khi tham gia khóa học, mình hiểu sâu hơn về khía cạnh tâm lí học, mình hiểu tại sao lại như thế, và mình có thể áp dụng đa dạng hơn, với nhiều phương pháp.
Trước kia mình chỉ áp dụng cho học sinh lớp của mình và đã thành công, nhưng mình áp dụng chưa thành công với đối tượng khác.
Chưa tìm được sự cảm thông của đồng nghiệp và của phụ huynh, nhưng giờ đây mình hiểu và vận dụng, truyền tải lại thông điệp cho đồng nghiệp, cho phụ huynh thì mình đều nhận được sự ủng hộ.
Hiệu quả bây giờ tăng lên gấp ba trong khi trước kia mình chỉ có một mình, giờ đây mình đã có thêm người hỗ trợ trên con đường dạy dỗ các em.
Trước kia mình không biết căn nguyên của vấn đề, chưa biết chuyển hóa cảm xúc bản thân và của học sinh.
Giờ thì mình hiểu rõ hơn là không được phép kiềm chế cảm xúc, mà phải chuyển hóa cảm xúc, và khi chuyển hóa được thì sự việc sẽ tốt hơn rất nhiều.
Chính vì biết chuyển hóa cảm xúc nên lúc nào trong tôi cũng có năng lượng tích cực”, cô Ngọc cho biết.