Tôi thấy xếp hạng giáo viên dựa vào hồ sơ, chẳng căn cứ vào năng lực hiệu quả

10/06/2021 09:10
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên làm tốt nhiệm vụ thì được khen thưởng tương xứng với hiệu quả đạt được không nhất thiết chia “hạng” giáo viên như hiện nay.

Bài viết “Mong muốn nhất của giáo viên nếu Bộ sửa thông tư xếp hạng là bỏ xếp hạng” của tác giả Sơn Quang Huyến được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 5/6/2021 đã nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc.

Nhiều bình luận, chia sẻ tán đồng với quan điểm “Mong muốn nhất của giáo viên nếu Bộ sửa thông tư xếp hạng là bỏ xếp hạng” trong bài viết.

Tôi rất tán đồng với các lý do phải kiến nghị bỏ xếp hạng giáo viên trong bài viết tác giả Sơn Quang Huyến như sau:

Thứ nhất: Xếp hạng giáo viên trong các Thông tư số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cho đến hiện nay trong Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đều không phản ánh đúng năng lực thực sự của giáo viên.

Thứ hai: Hạng giáo viên trong các Thông tư số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cho đến hiện nay trong Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đều được xếp dựa trên “hồ sơ đẹp”, không có tác dụng với việc “dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Thứ ba: Bỏ xếp hạng giáo viên, đồng nghĩa với việc bỏ tiêu chí quy định đạo đức mỗi hạng giáo viên. Không thể giáo viên hạng cao sẽ có đạo đức cao hơn, tốt hơn giáo viên hạng thấp, vấn đề này đã bị dư luận phản đối kịch liệt trên các diễn đàn.

Thứ tư: Nghị quyết số 27/NQ-TW đang hướng đến trả lương theo vị trí việc làm, với giáo viên có ba vị trí việc làm cơ bản: Hiệu trưởng; Phó hiệu trưởng; Giáo viên.

Như vậy, việc xếp hạng giáo viên sẽ bị bãi bỏ khi Chính phủ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.”

(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Bổ sung thêm các lý do đề nghị bỏ xếp hạng giáo viên

Người viết rất tán đồng, đồng ý với quan điểm của tác giả Sơn Quang Huyến và mong khi sửa đổi lần này nên bỏ chia hạng giáo viên, dù muộn còn hơn không và xin được bổ sung các lý do phải bỏ xếp hạng giáo viên như sau:

Thứ năm: Bỏ xếp hạng sẽ bỏ hầu hết bất cập của việc có trình độ hưởng lương đại học hưởng lương trung cấp, bỏ bất cập của thăng hạng, giáng hạng, xếp lương, bãi bỏ bất công khi có giáo viên mới ra trường chưa có cống hiến sẽ được xếp lương cao hơn giáo viên có thâm niên khi mà chưa xác định được hiệu quả cụ thể, bỏ bớt bất công khi người làm việc không hiệu quả nhận lương cao hơn giáo viên làm việc có hiệu quả,…

Thứ sáu: Chia hạng giáo viên tức là phân “đẳng cấp” nhà giáo, nhà giáo hạng I sẽ có “đẳng cấp” cao hơn giáo viên hạng III, IV hay nói đúng hơn là “bề trên” của giáo viên hạng thấp hơn; phụ huynh cũng xem thường giáo viên hạng thấp hơn; liệu họ có cho con mình học với giáo viên hạng III, IV khi thực chất tại trường học thì điều đó không có gì khẳng định, vô hình trung tạo sự bất công, bất hợp lý, rắc rối, phức tạp hơn,…

Cái này là bất cập lớn nhất của việc chia “hạng” giáo viên hiện nay, người dân không tin tưởng giáo viên hạng thấp thì giáo viên hạng thấp sẽ dạy ra sao?

Thứ bảy: Nhiều tiêu cực khi chia hạng giáo viên

Khi xếp giáo viên các hạng I, II thì đi kèm với tiêu chuẩn, điều kiện kèm theo như các chứng chỉ, bằng cấp, chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi, làm báo cáo,… nên dễ phát sinh các tiêu cực, có người chỉ lo làm “đẹp” hồ sơ thông qua các quan hệ quen biết, tiêu cực,... nên hiệu quả không cao.

Có tình trạng “chạy” giấy khen, chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ để được thăng hạng.

Thứ tám: Giáo viên hạng cao không có chế tài khi không hoàn thành nhiệm vụ

Khi đã “leo” lên được hạng cao, giáo viên bắt đầu thờ ơ, làm việc không hiệu quả vẫn nghiễm nhiên hưởng lương cao hơn, trong khi giáo viên hạng thấp dù có cố gắng cũng rất khó thăng hạng, giáo viên hạng cao không bao giờ bị “xuống hạng” cho dù có bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ.

Thật ra việc chia hạng hiện nay vô cùng bất công, vì ở thời điểm năm 2015 khi mà các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 ra đời thì việc chuyển xếp lương rất bất cập, ở bậc trung học cơ sở theo quy định cứ là giáo viên đang hưởng lương đại học (có hệ số lương 2,34 đến 4,98) là được chuyển xếp giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ (có hệ số lương tương đương 2,34 – 4,98) (không phân biệt bằng tại chức, chính quy, từ xa hay loại gì, không cần tiêu chuẩn gì) còn những giáo viên dù có giữ chức vụ gì hay đang có bằng cấp đại học hay thạc sĩ lúc đó cũng không được chuyển sang hạng 2 cũ.

Bất công này phát sinh bất công khác, những giáo viên được xếp hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) lại tiếp tục được chuyển sang hạng II mới (có hệ số lương 4,0 – 4,38), còn những giáo viên chưa được chuyển ở trên dù có trình độ gì, giữ chức vụ gì kể cả hiệu trưởng, có phấn đấu như thế nào cũng không được xếp hạng II mới vì trong Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT chỉ quy định chỉ những giáo viên hạng II cũ mới được chuyển sang hạng II mới (kèm các tiêu chuẩn).

Ở bậc mầm non, tiểu học cũng gặp nhiều trường hợp bất công như trên.

Thứ chín: Các trường hợp giáo viên “xuống hạng” ở các bậc học, khi thực hiện theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT xuất hiện các trường hợp bị “xuống hạng” khiến các giáo viên bức xúc như giáo viên không có bằng thạc sĩ thì từ hạng I cũ có thể xuống hạng II hoặc hạng III mới, tuy nhiên lại không có hướng dẫn xếp lương khi “xuống hạng”.

Mà giáo viên bị “tụt hạng”, “xuống hạng” thì uy tín cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong mắt đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh,…

Thứ mười: Thông tư chia “hạng” giáo viên mới vừa ban hành đã bộc lộ nhiều bất cập về xếp hạng, giữ hạng, xếp lương, thăng hạng, xuống hạng, bất cập về tiêu chuẩn và các tiêu chuẩn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, mà mới nhất Bộ Nội vụ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các chứng chỉ trên theo hướng cắt giảm, nên việc sửa đổi, thay thế các Thông tư trên là cần thiết.

Đề xuất giải pháp hiện nay

Rõ ràng chia “hạng” giáo viên để quản lý, trả lương đối với giáo dục là không phù hợp, bất công, bất cập nên nhất thiết phải được xem xét một cách cẩn trọng.

Người viết đồng tình với quan điểm của tác giả Sơn Quang Huyến tiếp tục tha thiết đề nghị cơ quan chức năng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xếp hạng giáo viên khi sửa đổi các quy định tại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, lúc này còn cả hàng ngàn giáo viên đang có trình độ đại học đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng là quá thiệt thòi với họ trong thời gian qua, nếu dừng xếp hạng thì phải cho những giáo viên này được hưởng lương theo bằng cấp, trình độ đào tạo hiện nay của họ.

Bên cạnh đó, giáo viên làm tốt nhiệm vụ thì được khen thưởng tương xứng với hiệu quả đạt được không nhất thiết chia “hạng” giáo viên như hiện nay.

Do đó, người viết tha thiết kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng xếp hạng giáo viên, cho giáo viên được hưởng lương theo bằng cấp, những giáo viên đang hưởng lương có hệ số lương cao hơn trình độ đào tạo như giáo viên hạng I cũ của trung học cơ sở hay hạng II của bậc trung học phổ thông (có hệ số lương 4,0 đến 6,38) thì được tiếp tục hưởng lương có hệ số trên không phải xuống hạng, tụt hạng gây bức xúc trong giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM