Tôi tự hào vì đã bỏ trường công để học trường tư thục

14/05/2018 07:57
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chị Nguyễn Phương Ngọc, cựu học sinh trường tư thục cho rằng, điều đúng đắn nhất chị làm thời học sinh là đã bỏ trường công để học ở trường tư thục.

Chị Nguyễn Phương Ngọc, cựu học sinh trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy – Hà Nội, đã chia sẻ tâm tư của mình với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Gây bất ngờ hơn cho chúng tôi là sau khi chị tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, chị đã quay lại trường làm việc.

Chính sợi dây kết nối liên tục giữa một cựu học sinh với thầy cô trường cũ đã “kéo” chị Ngọc về công tác tại chính ngôi trường từng theo học này.

Hiện, chị Nguyễn Phương Ngọc là Bí thư đoàn trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Điều khiến cựu học sinh trường tư thục quyết định chia sẻ về lựa chọn trường Trung học Phổ thông tư thục của mình vì những cái tít đầy định kiến xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua.

Nhiều tờ báo đồng loạt nhấn mạnh như “38% học sinh lớp 9 ở Hà Nội không có cơ hội vào trường công lập”, “Hàng vạn “dê vàng” có thể phải học dân lập…

Theo chị Ngọc, quan niệm "phải học trường tư thục" là điều hết sức sai lầm.

Chị Nguyễn Phương Ngọc khẳng định điều đúng đắn nhất thời học sinh là quyết định học trường tư thục. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Phương Ngọc khẳng định điều đúng đắn nhất thời học sinh là quyết định học trường tư thục. Ảnh: NVCC

Dẫn chứng câu chuyện của chính bản thân, chị Ngọc cho biết, chị từng từ chối vào trường công để chọn trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chị nhớ lại, cũng vào thời điểm này gần chục năm về trước, chị và mẹ dắt nhau đến trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm hiểu.

Vừa đến cổng trường đang ngơ ngác ngó quanh, chị và mẹ liền được một người ra tận nơi hỏi han. Sau đó, chính thầy này đã hướng dẫn mẹ con chị đi tham quan, chia sẻ, trả lời các thắc mắc.

Ấn tượng đầu tiên về ngôi trường tư thục này hằn sâu trong tâm trí chị Ngọc là sự cởi mở, thân thiện, nhiệt tình từ những hướng dẫn của một người chị gọi là thầy. Lúc đó, hai mẹ con chỉ biết đó là một cán bộ nhà trường.

“Vào học, tôi mới biết người hướng dẫn mẹ con tôi buổi đầu tiên đến trường là thầy Đàm Tiến Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường và hiện giờ là Hiệu trưởng trường”, chị Ngọc kể lại.

Chị Nguyễn Phương Ngọc trong một chuyến đi thiện nguyện lên với trẻ em vùng cao. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Phương Ngọc trong một chuyến đi thiện nguyện lên với trẻ em vùng cao. Ảnh: NVCC

Chính những ấn tượng đầu tiên đó khiến cô nữ sinh quyết xin bố mẹ cho theo học cấp 3 ở một trường tư thục.

“Nhiều người sẽ nghĩ chắc tôi không đủ điểm vào trường công nên mới chọn trường tư thục.

Tuy nhiên, tôi thừa điểm vào trường công top trên ở quận tôi sinh sống. Nhưng nỗi ám ảnh vì thái độ của giáo viên ở trường công khiến tôi từ bỏ điều mà nhiều bạn bè cùng lứa tôi mong không được”, chị Ngọc tâm sự.

Theo chia sẻ của chị Ngọc, thời điểm chị chọn trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thay vì học ở trường công, bà nội chị đã tỏ ra rất không hài lòng với quyết định của cô cháu gái.

“Trong tâm trí bà nội và mọi người lúc đó, chỉ học sinh dốt, ngỗ nghịch mới phải học trường tư.

Nhưng kết quả học tập, sự năng nổ, vui vẻ của tôi là minh chứng cho nội rõ nhất. Trường tư thục không phải là nơi như nội nghĩ”, chị Ngọc phân tích.

Lối nói chuyện hoạt bát, thẳng thắn, dẫn dắt câu chuyện khá thú vị của chị Ngọc khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên gần gũi, vui vẻ.

Chị Ngọc bảo nhờ học trường tư thục mà chị giữ được sự thẳng thắn, cá tính. Nếu học trường công, chị chưa chắc còn tính cách này.

Chị Ngọc nhớ lại, những năm học Tiểu học Cơ sở, Trung học Cơ sở, chị từng bị stress vì một số giáo viên trường công “nhớ”, “để ý” chỉ vì chị không đi học thêm.

“Tôi là một trong số ít học sinh nhất quyết không đi học thêm. Chính vì thế, tôi được các thầy, cô giáo “chăm sóc kỹ” nhất ở lớp.

Với các bạn khác, lỗi to đến mấy cũng không la mắng, còn tôi, dù lỗi nhỏ nhưng luôn bị thầy cô chì chiết, phê bình thậm tệ. Sự “chăm sóc” quá kỹ của giáo viên khiến tôi thực sự bị ám ảnh”, chị Ngọc nhớ lại.

Chị Nguyễn Phương Ngọc (áo trắng) và các thành viên ban chấp hành đoàn trường. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Phương Ngọc (áo trắng) và các thành viên ban chấp hành đoàn trường. Ảnh: NVCC

Chị Ngọc đặt phép so sánh: “Quả thực sự thân thiện, nhiệt tình của thầy cô ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay lần đầu tiên tôi và mẹ đặt chân đến với thái độ của một số thầy cô trường công từng “chăm sóc”tôi quá kỹ thật quá khập khiễnh”.

Cơ sở vật chất tại ngôi trường này cũng là điều khiến chị Ngọc ấn tượng. Và mỗi ngày học tập tập ở ngôi trường tư thục này, đối với chị Ngọc là những trải nghiệm tuyệt vời. Các thầy cô luôn luôn phải đối mới, sáng tạo vì học sinh.

Đặc biệt các giáo viên đều tạo điều kiện hết sức để học sinh phát huy cá tính, sở thích của mình.

 “Chính cô Thu Hà – cố vấn đoàn trường là người dẫn dắt, hướng dẫn em thành một cán bộ đoàn. Cô đã chỉ dẫn tôi từ những việc nhỏ nhất.

Khi là sinh viên trường ngoại giao, tôi vẫn luôn có sự gắn kết với nhà trường bằng việc hỗ trợ các thầy cô các công việc hoạt động ngoại khóa, văn nghệ.

Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, tôi quyết định quay trở lại làm việc ở môi trường giáo dục tuyệt vời này. Và tôi vẫn luôn được cô Hà giúp đỡ.

Tôi tự hào vì đã bỏ trường công để học trường tư thục  ảnh 4Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội tạo điều kiện về tuyển sinh cho trường tư thục

Nếu có quay ngược thời gian, tôi vẫn chọn học ở ngôi trường tư thục này.

Nơi mỗi học sinh là một cá tính, mỗi cán bộ, giáo viên nhân viên đều là những thành viên được trân trọng.

Chúng tôi có một môi trường thân thiện, gắn kết, chia sẻ, luôn luôn đổi mới vì sự hài lòng của học sinh, phụ huynh”, chị Ngọc tâm sự.

Cũng chính sự tạo điều kiện của các thầy cô, ban lãnh đạo trường đã giúp chị Ngọc có được không ít thành tích. Đó là giấy khen của Trung ương Đoàn, Thành đoàn, Quận đoàn vì có thành tích xuất sắc.

Chị Ngọc là cán bộ đoàn tiêu biểu quận Cầu Giấy và là 1 trong số 32 đại biểu của Thành đoàn Hà Nội được tham dự Đại hội Toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kì 2017-2022.

Cô cựu học sinh trường tư thục nhắn nhủ tới các bạn học sinh sắp chuyển cấp, các em và gia đình có quyền lựa chọn học trường công hoặc trường tư thục. Các em hãy lựa chọn thay vì “đóng đinh” suy nghĩ “ được học trường công" và "phải học trường tư”.

Đỗ Thơm