TQ xây dựng công trình quân sự ở Myanmar, cách Ấn Độ chỉ 20 km

11/02/2014 10:14
Đông Bình
(GDVN) - Myanmar đã cho Trung Quốc thuê quần đảo Cocos - ở đây xây dựng đường băng và công trình quân sự; cách quần đảo Andaman-Nicobar của Ấn Độ chỉ 20 km.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (ảnh minh họa)
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (ảnh minh họa)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 11 tháng 2 đưa tin, do trong 15 năm tới, Trung Quốc và Ấn Độ phải tổ chức hội đàm vấn đề biên giới quan trọng 2 lần, cho nên, truyền thông Ấn Độ có sự quan tâm, chú ý rất lớn đối với vấn đề biên giới hai nước.

Theo đưa tin của "Press Trust of India" Ấn Độ, trước khi đại diện đặc biệt Trung-Ấn tổ chức hội đàm vấn đề biên giới, hai bên đã tổ chức hội nghị lần thứ năm cơ chế công tác điều phối và tham vấn vấn đề biên giới Trung Ấn tại New Delhi,  đã tiến hành thảo luận về các biện pháp bảo vệ hòa bình và ổn định biên giới.

Có chuyên gia cho biết, sau khi xác định nguyên tắc chỉ đạo chính trị, trọng điểm thảo luận của hai bên là khung giải quyết vấn đề biên giới, nhìn vào tình hình hiện nay, có khó khăn nhưng cũng được trông đợi.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, hội đàm vòng 17 đại diện đặc biệt vấn đề biên giới Trung-Ấn sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2, đại diện Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ; còn đại diện Ấn Độ là Cố vấn An ninh Ấn Độ Menon.

Ngày 10 tháng 2, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố cho biết, hội nghị được tổ chức trong bầu không khí thẳng thắn, mang tính xây dựng và triển vọng, đã tiến hành nhìn lại và đánh giá đối với sự phát triển gần đây của tình hình biên giới Ấn-Trung, đặc biệt là đoạn phía tây của biên giới hai nước.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra biên giới
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra biên giới

Phóng viên "Thời báo Hoàn Cầu" cho biết, Hội nghị lần thứ năm cơ chế công tác điều phối và tham vấn vấn đề biên giới Trung-Ấn tổ chức vào chiều cùng ngày là một hội nghị kín. Tờ "Press Trust of India" Ấn Độ cho rằng, đoàn đại biểu Ấn Độ do Bawa, người phụ trách các vấn đề Đông Á của Bộ Ngoại giao Ấn Độ dẫn đầu, thành viên gồm có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Quân đội và Cảnh sát biên giới Ấn Độ.

Trưởng đoàn đại diện phía Trung Quốc là Vụ trưởng Vụ các vấn đề biên giới và biển Bộ Ngoại giao Âu Dương Ngọc Tĩnh, thành viên gồm có đại diện của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Việc thiết lập cơ chế công tác điều phối và tham vấn các vấn đề biên giới Trung-Ấn là để giải quyết vấn đề giữa quân đội và biên giới hai nước.

Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì ngày 10 tháng 2 có bài viết trên tờ "Indian Express" Ấn Độ với nhan đề "Giấc mơ Trung Quốc và Giấc mơ Ấn Độ gắn chặt với nhau" nhằm tạo cơ sở cho hội đàm vấn đề biên giới hai nước.

Bài viết cho rằng: "Giấc mơ Trung Quốc và giấc mơ Ấn Độ đều là giấc mơ dân giàu nước mạnh, giấc mơ phục hưng dân tộc, đã phản ánh tiếng lòng chung của 2,5 tỷ dân hai nước. Hướng tới tương lai, chỉ cần Trung Quốc và Ấn Độ bắt tay, cùng đi con đường phát triển hòa bình, phát triển hợp tác, phát triển chung, chúng ta nhất định có thể thực hiện được giấc mơ phục hưng dân tộc của mỗi nước".

Đối đầu Trung-Ấn ở biên giới
Đối đầu Trung-Ấn ở biên giới

Đối với hội đàm biên giới lần này, tờ "The Hindu" Ấn Độ phân tích cho rằng, hiện nay, đàm phàn song phương đang ở giai đoạn 2 trong tổng số 3 giai đoạn, cũng được dư luận coi là giai đoạn khó khăn nhất, phải đạt được ý kiến nhất trí về khung giải quyết tranh chấp biên giới đoạn tây, đoạn giữa và đoạn đông của hai nước.

Giai đoạn thứ nhất là đạt được nhất trí về tiêu chuẩn chính trị và nguyên tắc chỉ đạo, giai đoạn này đã kết thúc vào năm 2005.

Mã Gia Lực, chuyên gia vấn đề Nam Á của Trung Quốc ngày 10 tháng 2 nói với tờ "Thời báo Hoàn Cầu" cho rằng, hội đàm vấn đề biên giới lần này được tổ chức thuận lợi, cho thấy hai nước đều sẵn lòng tiến hành tham vấn vấn đề biên giới, nhưng có đạt được nhiều thành quả hay không còn chưa rõ.

Khung giải quyết vấn đề biên giới muốn đạt được đột phá có độ khó rất lớn, nhưng, dưới nỗ lực của hai bên, có thể sẽ có một số tiến triển. Tuy nhiên, một điều kiện chế ước tồn tại thực tế là Ấn Độ đã bước vào năm bầu cử, cho nên chính phủ hiện nay có thể sẽ không có những hành động lớn, hơn nữa thời gian cũng không nhiều, vì vậy còn phải làm tốt chuẩn bị cho tham vấn lâu dài.

Ngoài hội nghị vấn đề biên giới lần này, ngày 24 tháng này, Ấn Độ sẽ triển khai đối thoại quốc phòng thường niên với Trung Quốc. Trang mạng ZeeNews Ấn Độ cho biết, hai bên sẽ thảo luận một loạt vấn đề có liên quan đến biên giới như Quân đội Trung Quốc "xâm phạm".

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sẽ xem xét lại "Hiệp định hợp tác biên phòng" ký vào tháng 10 năm 2013. Nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, hội đàm sẽ còn thảo luận và xác định khai thông điện thoại đường dây nóng giữa quan chức cấp tướng "chủ quản hành động quân sự" của Bộ chỉ huy quân đội hai nước.

Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ gần Myanmar
Quần đảo Andaman Nicobar Ấn Độ gần Myanmar

Tuy không khí nói chung giữa Trung-Ấn tốt đẹp, nhưng Ấn Độ gần đây công bố một chính sách thị thực đối với 180 nước, truyền thông Ấn Độ đặc biệt nhấn mạnh, Trung Quốc và Pakistan không nằm trong danh sách này.

Theo báo Trung Quốc, tổ chức ly khai ở khu vực đông bắc Ấn Độ hoạt động mạnh, truyền thông Ấn Độ thường chỉ trích Trung Quốc tuồn vũ khí vào khu vực biên giới này, vì vậy, tiến hành hạn chế chặt chẽ đối với người Trung Quốc đi du lịch và khảo sát thương mại ở khu vực này, một số bang quy định rõ là cấm người Trung Quốc.

Ngoài ra, trang mạng "Nhật báo Pascal" Ấn Độ ngày 10 tháng 2 cho biết, Trung Quốc xây dựng đường băng và công trình quân sự tại quần đảo Cocos của Myanmar ở vịnh Bengal, khu vực này cách quần đảo Andaman-Nicobar của Ấn Độ chỉ 20 km.

Có tin cho biết, Myanmar đã cho Trung Quốc thuê quần đảo Cocos. Bài báo dẫn lời Trung tướng Không quân Ấn Độ cho biết, tuy như vậy, Ấn Độ vẫn cần coi  Trung Quốc là đối tác hợp tác về chiến lược, chứ hoàn toàn không phải là "mối đe dọa".

Đông Bình