Trả lương như doanh nghiệp giúp GV sống được bằng lương, có thể nuôi được cả nhà

15/03/2024 06:22
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo trường, để các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2 được thực hiện tự chủ cơ chế tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp cũng cần có hướng dẫn.

Theo Khoản b, Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2 được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp; quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động.

Như vậy, kể từ ngày 1/7/2024, chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết 27 có hiệu lực thi hành, trường đại học tự chủ tài chính nhóm 1, và nhóm 2 sẽ được thực hiện tự chủ trả lương cho cán bộ giảng viên, nhân viên.

Bàn về quy định này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhà trường thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) từ năm 2015. Từ năm 2019, nhà trường bắt đầu áp dụng chi trả tiền lương theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc.

Theo thầy Hoàn, sự thay đổi rõ rệt nhất của trước và sau khi áp dụng chi trả tiền lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc thì thu nhập của giảng viên được cải thiện và giảng viên càng giỏi sẽ có thu nhập càng cao.

Sinh viên Công thương.jpg
Ảnh minh hoạ: website Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh

Để đảm bảo chi trả tiền lương theo hiệu quả công việc, thầy Hoàn cho biết, nhà trường xác định phải sử dụng tốt nhân sự, nhất là đội ngũ nhân viên (<20%/tổng số viên chức và người lao động). Đồng thời, trường tăng cường nguồn thu từ các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tư vấn khoa học và chuyển giao công nghệ,... Sử dụng tài chính hiệu quả bằng cách giảm tối đa các khoản chi không thật sự cần thiết.

“Trong quá trình triển khai chi trả tiền lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, nhà trường chỉ đạo thực hiện 3 quan điểm xuyên suốt. Trong đó, trường chú trọng tạo cơ chế và chính sách thông thoáng nhất đối với viên chức, người lao động để họ có điều kiện cống hiến toàn thời gian cho công việc đang đảm nhận. Đồng thời, trường tạo môi trường làm việc tốt nhất để tất cả viên chức, người lao động toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển chung của nhà trường”, thầy Hoàn chia sẻ.

Với quy định kể từ thời điểm chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27 có hiệu lực thi hành, các trường tự chủ nhóm 1, nhóm 2 được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, theo thầy Hoàn, đối với nhà trường, khó khăn lớn nhất khi thực hiện tự chủ tiền lương là phải tự lo "cơm áo gạo tiền" do ngân sách nhà nước không hỗ trợ các dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đầu tư phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chuyển đổi số để trở thành trường đại học thông minh,... Do đó, nhà trường phải tự cân đối các nguồn thu để đảm bảo chi trả tiền lương và các hoạt động giáo dục của trường.

Một khó khăn khác được thầy Hoàn nêu ra khi tự chủ tiền lương là sự thiếu đồng bộ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; hay việc giải quyết chế độ cho đội ngũ nhân viên,...

Cùng bàn về quy định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 sẽ tạo ra các bảng lương theo vị trí việc làm. Căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức, nhà trường xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng. Tuy nhiên, để các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2 được thực hiện tự chủ cơ chế tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp cũng cần có hướng dẫn.

Theo thầy Điền, nhà trường đang thực hiện trả mức lương 1 và lương 2 (trong đó, lương 1 tính theo quy định của nhà nước; còn lương 2 là thu nhập trả theo hiệu suất, khối lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học). Hình thức trả lương này được nhà trường áp dụng gần 4 năm và cơ chế trả lương càng ngày càng hoàn thiện.

“Khi áp dụng trả lương theo hiệu suất công việc, cán bộ giảng viên của nhà trường có động lực làm việc tốt hơn. Thông qua đó, nhà trường đánh giá được chất lượng hoàn thành công việc của cán bộ giảng viên khi cùng một vị trí nhưng có người được nhận mức lương cao hơn, người nhận mức lương thấp hơn – tương tự như việc trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, theo trách nhiệm và hiệu suất làm việc”, thầy Điền chia sẻ.

Cũng theo thầy Điền, thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương, trường được quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động, từ đó giúp phân cấp, phân quyền cho các đơn vị của Đại học Bách khoa Hà Nội; quyết định cách thức tổ chức làm việc, trả lương sao cho hiệu quả.

Với quy định về KPI và những chỉ số đánh giá đặt ra, mỗi cán bộ giảng viên đều có những áp lực riêng để hoàn thành nhiệm vụ trong đào tạo và nghiên cứu. Trường hợp cán bộ, giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ sẽ giảm lương 2 theo mức độ đánh giá. Từ đó, thúc đẩy ý thức tự giác và nâng cao trách nhiệm trong công việc của mỗi cán bộ giảng viên.

“Việc cải cách tiền lương phải song hành với cải thiện đời sống của cán bộ giảng viên. Với cách trả lương mới, có thể khẳng định, giảng viên của nhà trường sống được bằng lương và thậm chí nuôi được cả gia đình”, thầy Điền chia sẻ.

Chỉ ra khó khăn, thầy Điền cho rằng, đối với trường đại học tự chủ nhóm 1, nhóm 2, khi thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp nếu có gặp khó khăn thì chủ yếu do nguồn thu.

“Một số cơ sở giáo dục đại học mong muốn thực hiện trả lương như Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không thực hiện được vì nguồn thu của họ thấp. Nếu các trường có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dồi dào, việc tự chủ tiền lương sẽ không có vấn đề gì lớn. Nhưng với những trường tự chủ chưa hoàn toàn sẽ tương đối khó khăn khi tự chủ tiền lương”, thầy Điền nói.

Cùng chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một học viện ở Hà Nội cho biết, học viện mới thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2, chưa có nhiều tích luỹ về tài chính nên sẽ gặp khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.

"Khi thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương, quy chế chi tiêu nội bộ của học viện sẽ phải điều chỉnh để phù hợp. Tuy nhiên, cần phải có hành lang pháp lý hướng dẫn để biết bao nhiêu % tiền chi vào lương, bao nhiêu % chi vào cơ sở vật chất.

Hơn nữa, về nguyên tắc, việc chi trả lương mới sẽ giúp nâng cao đời sống của cán bộ giảng viên, thậm chí có thể giữ chân được giảng viên giỏi. Song, để thực hiện hiệu quả còn phải phụ thuộc vào nguồn thu của học viện từng năm như thế nào.

Chưa kể, với những trường đại học ở top đầu, nguồn thu tốt và được “cởi trói” về cơ chế học phí sẽ không có khó khăn khi tự chủ tiền lương. Nhưng với trường tự chủ sau, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhất là việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học chưa rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn", vị này chia sẻ.

Ngọc Mai