Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, trong thời gian là Đại biểu Quốc hội từ khóa VIII đến khóa X, Trung tướng Đặng Quân Thụy đã đặt cơ sở cho lĩnh vực hoạt động An ninh – Quốc phòng của Quốc hội.
Tham gia cách mạng và vào Nam chiến đấu
Trung tướng Đặng Quân Thụy sinh năm 1928 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông là hậu duệ của cụ Đặng Chính Pháp, là chắt nội của cụ Đặng Hữu Tạo tại làng Hành Thiện. Cha của ông là con của nhà nho yêu nước Đặng Đình Khuê, sớm tham gia phong trào cách mạng.
Hồi nhỏ, ông học vỡ lòng ở quê. Cha của ông là một nhà giáo, khi lên Hà Nội làm việc đã đưa cả gia đình cùng đi. Gia đình có nền tảng giáo dục tốt nên đã nuôi dưỡng và hình thành nhân cách một con người có văn hóa trong ông.
Ở Hà Nội, ông học tiếp Tiểu học ở Trường Trần Văn Khánh, Bạch Mai. Sau khi thi đỗ Tiểu học, năm 1941, ông thi vào trường Bưởi, nay là Trường THPT Chu Văn An. Năm 1944, mới 16 tuổi, còn đang học nhưng ông đã tham gia vào Mặt trận Việt Minh.
Năm 1944, khi còn là học sinh trường Bưởi, Đặng Quân Thụy được giác ngộ cách mạng và tham gia các hoạt động bí mật. Đến tháng 8/1945, chàng trai trẻ hăng say tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, tích cực vận động nhân dân biểu tình, hỗ trợ lực lượng nòng cốt vào đánh chiếm Bắc Bộ Phủ.
Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang. |
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi chiến sự ở miền Nam lan rộng, Đặng Quân Thụy nhập ngũ và lên đường vào Nam chiến đấu. Vào đến Quảng Ngãi thì địch tấn công lên Tây Nguyên. Vì thế, đơn vị của ông được điều động ngay lên Buôn Ma Thuột.
Đến nơi, cả đơn vị cấp tập làm nhiệm vụ chiến đấu, ngăn không cho kẻ thù lấn tới. Ông được chỉ định làm chính trị viên đại đội. Sang năm 1946, đơn vị được giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động bà con đồng bào dân tộc Tây Nguyên tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày bầu cử không khí diễn ra rất ác liệt, vì quân địch muốn phá hoại cuộc tổng tuyển cử của ta. Anh Y Ngông Niêk Đăm đã ghi lại sự kiện này: “Bom địch đánh phá, chúng tôi phải di chuyển hòm phiếu nhưng hòm phiếu vẫn bảo đảm”.
Trở ra Việt Bắc và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Cuối năm 1946, Đặng Quân Thụy bị thương và được đưa ra miền Bắc. Đồng chí Hoàng Văn Thái điều ông lên Việt Bắc và công tác ở Bộ Tổng tham mưu; được điều động tham gia chiến dịch biên giới với vai trò là cán bộ tham mưu, tiếp sau đó tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc.
Cuối năm 1953, ông được phân công trong Ban tác chiến Mặt trận Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra vô cùng ác liệt. Đã có rất nhiều tài liệu, sách vở, phim ảnh nói về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trường Thiếu sinh quân của chúng tôi tự hào có 100 học viên lớn tuổi được tham gia chiến trường Điên Biên. Trong đó có Phạm Quốc Ân, bị cụt một chân vẫn tiếp tục chiến đấu kiên cường đã trở thành tấm gương được biểu dương trên toàn mặt trận.
"Luật pháp của các ông kỳ thật, tôi có mỗi một cái đầu đã bị chém" |
Sau ngày miền Bắc được giải phóng, ông được điều sang đơn vị bộ đội hóa học rồi được đi học ở Liên Xô. Học đến năm thứ 3 đại học thì lãnh đạo gọi về để vào miền Nam chiến đấu. Khi đó chiến trường đang rất cần cán bộ hóa học để tham mưu cho các chiến dịch.
Trong thời gian gần 10 năm, ông đã tham gia vào nhiều chiến dịch ở chiến trường B2 (miền Nam). Sự có mặt của ông ở các chiến trường ác liệt đã có phần góp vào chiến công của quân dân miền Nam.
Đến năm 1973, ông được điều ra miền Bắc, rồi năm 1974 là Cục trưởng Cục Hóa học thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Đến tháng 9/1977, ông là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Binh chủng Hóa học. Sau đó, ông lại được điều vào biên giới Tây Nam khi tập đoàn Pôn Pốt đánh sang nước ta. Năm 1979, ông bị thương tại biên giới Tây Ninh rồi được đưa ra miền Bắc.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Sau khi lành vết thương, Đặng Quân Thụy được điều lên làm Phó Tư lệnh Quân khu II. Đến năm 1988 anh giữ chức Tư lệnh Quân khu II.
Tư lệnh quân khu làm Đại biểu Quốc hội
Trung tướng Đặng Quân Thụy trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII khi đang là Tư lệnh Quân khu II. Sang khóa IX, ông được cử về công tác chuyên trách ở Quốc hội.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội mới, từ khóa IX Quốc hội có Ủy ban Quốc phòng – An ninh và ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh.
Ông Vũ Mão chia sẻ: "Năm 1979, Trung Quốc đánh phá biên giới phía Bắc nước ta. Sau năm 1979, trên danh nghĩa họ rút quân nhưng trên thực tế ở khu vực biên giới phía Bắc, từ tháng 4/1979 đến năm 1990, xung đột vẫn diễn ra; ác liệt nhất là ở Vị Xuyên, Hà Giang kéo dài tới 10 năm. Những lần đến thăm các chiến sĩ trên mặt trận Vị Xuyên, lòng tôi quặn đau bởi những địa danh “đồi thịt băm”, chỏm yên ngựa, thung lũng chết... Thanh Thủy là nơi chiến địa diễn ra ác liệt. Nơi đây cũng là dòng Lô chảy vào Việt Nam. Đến nay, dù thời gian đã lùi xa, nhưng những ký ức xưa vẫn còn nguyên vẹn, và tôi đã viết bài “Ký ức dòng Lô”: Nguôi ngoai thương nhớ Hà Giang/ Xa xăm biên ải địa đàng lung linh/ Nặng tình nặng nghĩa tử sinh/ Dòng Lô – Thanh Thủy anh vinh sáng lòng/ Nhớ về một thuở xanh trong/ Gương đài chiến sĩ giao phong chiến trường/ Vị Xuyên nhân nghĩa yêu thương/ Tự hào non nước con đường nắng hoa. |
Trong giai đoạn này, đối với công tác lập pháp. Trung tướng Đặng Quân Thụy hết sức quan tâm tới chế độ đối với sĩ quan và chiến sĩ. Vấn đề này rất quan trọng, vì lúc bấy giờ hầu hết tập trung vào kinh tế nên việc quan tâm đến chế độ đối với sĩ quan và chiến sĩ có phần bị giảm so với trước.
Trước kia lương chỉ tương đối, nhưng nhờ phụ cấp chiến trường nên vẫn bảo đảm được cho đời sống của người lính. Bây giờ những cái đó lại bị giảm đi.
Tướng Thụy chia sẻ: “Chúng tôi bàn với nhau là phải đưa ra Quốc hội, nhưng đưa ra Quốc hội thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không đồng tình, vì cho rằng bây giờ có đánh nhau nữa đâu mà các anh đòi gấp đôi, có lắm thì hệ số lương so với dân sự là 1,4 hoặc 1,6.
Khi đưa ra bàn ở hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi kiên quyết bảo vệ. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu bây giờ mình làm căng thì khó được thông qua, nên rút xuống 1,8. Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội nói, chúng tôi đồng ý hệ số là 1,8. Nhờ cái đó mà phụ cấp cho sĩ quan và chiến sĩ được bảo đảm tăng lên, đời sống cũng đỡ hơn”.
Vấn đề thứ hai mà Trung tướng Đặng Quân Thụy quan tâm là các chính sách với Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thời điểm đó, nhà nước đã có một số chính sách nhưng chưa hoàn chỉnh. Ở Quốc hội khóa IX, Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng lần đầu tiên được ra đời và có những chính sách thỏa đáng.
Trước đây các bà mẹ có ba con đều hy sinh mới được hưởng chính sách. Bây giờ, theo Pháp lệnh, bà mẹ có một con duy nhất mà hy sinh cũng được công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với Pháp lệnh này, các đối tượng chính sách sẽ được quyền lợi suốt đời.
Vấn đề thứ ba, Trung tướng Đặng Quân Thụy đặc biệt quan tâm đến là biển đảo. Năm 1975, ông đã đi Trường Sa để kiểm tra và bàn kế hoạch phòng thủ các đảo. Lần ấy đi bằng soái hạm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà ta thu được.
Năm 1994, Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban Quốc phòng – An ninh tổ chức ra thăm quần đảo Trường Sa. Anh em Hải quân bố trí rất chu đáo, chuyến đi rất cảm động, ngoài tàu chính còn có hai tàu chiến hộ vệ hai bên. Đoàn đi có tới 70 đại biểu gồm đủ thành phần ở Trung ương và các địa phương, có các nhà báo và Đoàn văn công của Quân khu 9. Chuyến công tác này đến được hơn 7 đảo, trong lúc đoàn đi trên biển thì máy bay Mỹ vẫn hoạt động, nhưng ta cứ đi.
Năm 1985, tôi có niềm vui và sự may mắn là được cùng đoàn công tác các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu ra thăm quần đảo Trường Sa. Có đi mới hiểu sự chịu đựng và hy sinh to lớn của anh em ta và đồng thời thấy rõ niềm tin và quyết tâm bảo vệ các hòn đảo của quê hương.
Trung tướng Đặng Quân Thụy và các thành viên Ủy ban Quốc phòng – An ninh có nhiều chuyến đi nghiên cứu các đảo như: Bạch Long Vĩ, Cô Tô, đảo Thanh Long, đảo Vĩnh Thực, đảo Trần, đảo Ngọc Vừng và các đảo ở miền Trung và miền Nam.
Những chuyến công tác này đã tạo điều kiện để Ủy ban Quốc phòng – An ninh thấy rõ vị trí chiến lược của các tuyến đảo, và đóng góp được nhiều ý kiến vào Nghị quyết của Quốc hội trong việc nước ta tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Biển năm 1982.
Sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, Trung tướng Đặng Quân Thụy tiếp tục làm đại biểu Quốc hội và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh khóa II. Với thuận lợi là đã từng là Phó Chủ tịch Quốc hội nên ông đã đề nghị Quốc hội có chính sách chăm lo nhiều hơn cho Cựu chiến binh vì đây là những người hy sinh lớn nhất cho đất nước.
Đến năm 2002, Trung tướng Đặng Quân Thụy làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh khóa III. Từ những kinh nghiệm thu thập được khi làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông đã đề nghị với Quốc hội đưa Pháp lệnh Cựu chiến binh vào chương trình pháp luật.
Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương và Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Càng ngày ta càng thấy tác dụng của Pháp lệnh, nó là nền tảng cơ bản cho Hội Cựu chiến binh hoạt động.
Ông còn có nhiều đóng góp cho hoạt động Cựu chiến binh các nước ASEAN nên đã được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh các nước ASEAN.
Với những công lao cống hiến to lớn cho Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Quân đội, Trung tướng Đặng Quân Thụy đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Đặc biệt là huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.
Ngoài ra, ông còn được một số nước trên thế giới tặng thưởng huân chương, huy chương cao quý.
Tấm gương của Trung tướng Đặng Quân Thụy là nỉềm tự hào của đồng đội và bạn bè nhiều năm gắn bó.