Có phụ huynh tha thiết mong giáo viên giao bài tập Tết, người phản đối kịch liệt

18/01/2023 06:47
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vẫn có không ít phụ huynh luôn tha thiết mong thầy cô giáo cho các con bài tập về nhà để ôn luyện cho các em đỡ quên kiến thức trong thời gian nghỉ học khá dài.

Câu chuyện về giao bài tập vào những ngày nghỉ Tết cho học sinh vẫn luôn nhận được những luồng ý kiến trái chiều của chính các bậc phụ huynh. Nhiều người kịch liệt phản đối việc các thầy cô giáo giao bài tập để học sinh làm trong thời gian nghỉ Tết.

Bài tập Tết đặc biệt nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận (Ảnh minh hoạ trên VTV)

Bài tập Tết đặc biệt nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận (Ảnh minh hoạ trên VTV)

Tuy nhiên, vẫn có không ít phụ huynh lại luôn tha thiết mong thầy cô giáo cho các con bài tập về nhà để ôn luyện cho các em đỡ quên kiến thức trong thời gian nghỉ học khá dài.

Người viết cũng đã từng làm một cuộc trắc nghiệm nho nhỏ ngay chính trong lớp học của mình. Câu hỏi được đưa ra cho 34 phụ huynh của lớp có nội dung: Nên hay không giao bài tập để học sinh làm trong dịp Tết?

Giáo viên nhận được khoảng 20/34 phụ huynh đồng ý việc không nên giao bài tập cho các con vào những ngày Tết. Những phụ huynh này lý giải, dịp Tết là thời gian các em nghỉ ngơi để phụ giúp ba mẹ làm một số việc nhà nhằm rèn thêm kỹ năng sống cho các con.

Nếu thầy cô ra bài tập, bắt buộc các con phải vùi đầu vào học mất cả thời gian vui Tết.

Nhóm phụ huynh còn lại cho rằng, thời gian nghỉ Tết khá dài, nếu không giao bài tập cho các con ôn luyện, nhiều em sẽ quên hết kiến thức.

Thế là, thầy cô giáo luôn rơi vào thế khó. Nếu giao bài tập sẽ không vừa lòng nhóm phụ huynh này mà không giao bài tập sẽ mất lòng nhóm phụ huynh khác.

Vậy giao bài tập Tết thế nào cho hợp lý? Vẫn luôn là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Con tôi mất Tết vì bài tập Tết

Cô em họ tôi có con hiện đang học lớp 10 tại một trường trung học phổ thông từng than phiền do số lượng bài tập khá nhiều nên con không dám đi chơi mấy ngày Tết vì sợ không làm xong bài tập.

Nếu tính số lượng bài tập một môn học cũng không phải là nhiều (khoảng 1 đến 2 trang giấy A4), tuy nhiên, gần như môn học nào thầy cô cũng cho bài tập. Nếu những môn Toán, Lý, Hoá, Anh văn...các con phải làm những bài tập thực hành thì một số môn còn lại yêu cầu học sinh phải trả lời câu hỏi.

Thế là 10 môn học sẽ có ít nhất khoảng 20 tờ phiếu bài tập. Với số lượng bài tập khổng lồ như vậy, học sinh có lực học khá tốt cũng phải mất mấy ngày mới có thể hoàn thành xong.

Đã giao bài tập, giáo viên chắc chắn sẽ kiểm tra nên nhiều học sinh không dám đi chơi Tết cùng gia đình để ở nhà làm bài tập Tết.

Học sinh có lực học yếu kém hoặc tiếp thu chậm cần sự đồng hành của thầy cô, gia đình nhiều hơn

Mới đây, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An đã nhận được sự đồng tình khá lớn của học sinh và phụ huynh khi giao bài tập Tết được xem là khác biệt để học sinh làm trong thời gian nghỉ Tết Quý Mão.

Bài tập Tết chủ yếu chỉ xoay quanh việc tìm hiểu phong tục tập quán về tết Nguyên đán, rèn một số kỹ năng đơn giản nhưng rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của các em.

Một số giáo viên tại vùng núi Tây Nguyên và Nghệ An cũng cho biết, thường thì không giao bài tập Tết cho học sinh vì có giao nhiều em vẫn không làm. Nhà trường chủ yếu rèn kỹ năng sống cho các em trong thông qua những hoạt động ngoại khoá vui xuân như hội chợ ẩm thực, gói bánh chưng, quyên góp quần áo ủng hộ bạn nghèo...

Cô giáo Thuý Ngân, phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Bình Thuận nêu quan điểm của mình: "Tôi không đồng tình với việc giao bài tập Tết quá nhiều, bởi thời gian này phụ huynh đang rất bận rộn, học sinh cũng vừa kiểm tra xong học kỳ 1 nên sẽ không có ai kèm cặp cho các em ôn bài.

Học sinh tiểu học nếu không có người lớn kèm bên nhắc nhở học thì có giao bài tập nhiều em vẫn không hoàn thành". Nói rồi cô Thuý Ngân cho biết, trường mình chỉ đạo cho giáo viên nhắc nhở học sinh ôn lại kiến thức cũ đã học để chuẩn bị cho chương trình học kỳ 2.

Giáo viên sẽ trao đổi vào các nhóm Zalo của lớp để nhờ phụ huynh hỗ trợ việc ôn bài cho một số em chậm tiến.

Đồng tình với cách giao bài tập Tết nhẹ nhàng

Ngoài việc ra bài tập Tết khác lạ như thầy Tuấn Anh ở Nghệ An, cô Thuý Ngân cũng đồng tình với cách ra bài tập Tết của một số giáo viên ở một số trường học, đó là những bài tập thật nhẹ nhàng không gây áp lực cho học sinh tránh kiểu ép buộc các em làm quá nhiều bài tập tạo cảm giác căng thẳng và mệt mỏi.

Là giáo viên có gần 30 năm đứng lớp, người viết cũng nhận thấy thời gian nghỉ Tết khoảng nửa tháng với một số học sinh tiểu học có lực học yếu, học chậm hiểu mà nhanh quên nếu không ôn bài thường xuyên sẽ dễ dàng quên hết mặt chữ đã học.

Năm học nào cũng vậy, cứ sau gần nửa tháng trở lại lớp học, giáo viên chúng tôi lại phải vất vả vừa dạy, vừa ôn lại kiến thức cho học sinh do nhiều em đã quên gần hết. Có những học sinh lớp 1 không còn nhớ âm vần nên đọc bài khá khó khăn.

Học sinh lớp 2, lớp 3 bảng cộng trừ hay nhân chia, rồi học sinh lớp 4, lớp 5 một số kiến thức cơ bản đã học trước đó cũng không còn nhớ.

Thế nên, để giúp học sinh không quên kiến thức cũng như rèn thói quen học bài, nhiều thầy cô giáo vẫn giao bài tập Tết cho học sinh một cách khá nhẹ nhàng. Ví như mỗi ngày dành khoảng 1 tiếng đọc bài lại các văn bản đã học hoặc đọc lại bảng cộng, trừ, nhân, chia.

Với bậc trung học, muốn giao bài tập cho học sinh thì các thầy cô nên ngồi lại với nhau để thống nhất số lượng câu hỏi sao cho vừa sức. Tránh tình trạng mạnh ai nấy giao dẫn đến lượng bài tập, câu hỏi quá nhiều, quá tải tạo nên áp lực lớn cho các em và sự phiền lòng cho nhiều bậc phụ huynh học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên