Tại buổi lễ vinh danh hai nhà khoa học xuất sắc là Nguyễn Sum và Phan Thanh Sơn Nam đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 trong lĩnh vực Toán học và Hóa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ rằng:
Mỗi năm đến ngày Khoa học Công nghệ -18/5, ông lại ngồi xem lại trong năm qua, giới khoa học công nghệ, cơ quan Nhà nước đã làm được những gì và sắp tới sẽ phải làm gì để khoa học thực sự trở thành động lực như các văn bản của Đảng, Chính phủ và tất cả mọi người vẫn nói.
"Năm vừa qua, chúng ta đã kế thừa những năm trước và có những bước đổi mới đáng mừng về hoạt động khoa học công nghệ
Một trong những điều đó là sự hiện diện trong hội trường này những gương mặt trẻ, những người trong giới khoa học không chuyên, những bạn trong cộng đồng startup và đặc biệt là các doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trăn trở của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về khoa học công nghệ (Ảnh: Thùy Linh) |
Điều này thể hiện rằng, cả xã hội đã và đang tham gia vào hoạt động khoa học, từng bước khai thác tiềm lực, sức trẻ của Việt Nam và từng bước đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của nghiên cứu khoa học.
Đây là điều rất phấn khởi vì những người làm khoa học đã rất cố gắng trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ chế chính sách và cả quan niệm xã hội, song so sánh với các nước xung quanh thì vẫn còn khoảng cách lớn.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ, số công trình khoa học công bố trên các tạp chí ISI của Việt Nam trong 5-6 năm vừa qua tăng gần 20%.
"Nói đi như vậy là rất phấn khởi. Nhưng nói lại, nhìn xung quanh, chúng ta chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia, 1/5 của Singapore", ông Đam thông tin.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chúc mừng các nhà khoa học đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu |
Còn bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam, theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, trong giai đoạn 5 năm trước đây, Việt Nam tăng tới 60% nhưng so với thế giới thì chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc và 1/3170 của Trung Quốc.
"Chúng ta có trăn trở không? Có day dứt không?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Đặc biệt, khi hiện nay xã hội nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên khoa học công nghệ trong thời gian tới cần phải được quan tâm thực sự không chỉ ở các nhà khoa học, các Bộ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội mà cần có sự đồng bộ từ thể chế kinh tế, thuế, đầu tư....
Phó Thủ tướng thông tin, hiện nay, chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ mỗi năm là 2% tổng chi ngân sách (khoảng trên 15-16 ngàn tỉ đồng). Con số này là rất ít tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng tốt thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Tại đây, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải công khai minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài quá trình làm, các ý kiến phản biện, kết quả.
Bởi lẽ, khi được công khai, nếu những đề tài thực sự tốt sẽ được chia sẻ trong cộng đồng xã hội, doanh nghiệp để họ ứng dụng mà không cần phải nghiên cứu lại.
Còn đối với những đề tài không tốt, không thiết thực, không chất lượng thì cộng đồng cũng sẽ đánh giá được.
Phó Thủ tướng cho rằng, phải tạo môi trường, hỗ trợ điều kiện cần thiết và truyền cảm hứng để các trường đại học, sinh viên trẻ đặc biệt những sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường sẵn sàng hiến thân cho khoa học và khởi nghiệp sáng tạo.
Và Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần phải làm cho nhận thức chung của xã hội, hiểu biết của xã hội về khoa học được nâng lên, làm sao bằng các công cụ cần thiết đặc biệt công nghệ thông tin để toàn dân kể cả nông dân được phổ biến, trang bị kiến thức khoa học cần thiết để cuộc sống của nhân dân an toàn hơn, công việc được hiệu quả hơn.
Lời gan ruột của hai nhà khoa học
Phó giáo sư Nguyễn Sum đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 nhờ công trình toán học Nguyễn Sum, 2015. On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274, 432–489.
Công trình là bài báo khoa học 57 trang được công bố năm 2015 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu trên thế giới.
Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm.
Phó giáo sư Nguyễn Sum và giáo sư Phan Thanh Sơn Nam trong lễ nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 (Ảnh: Thùy Linh) |
Tại lễ nhận giải thưởng, Phó giáo sư Nguyễn Sum cho biết, không giống như lĩnh vực vực nghiên cứu khoa học ứng dụng là có thể nhìn thấy kết quả công trình nghiên cứu trên các sản phẩm, mẫu vật nhưng nghiên cứu khoa học cơ bản lại rất quan trọng, tạo tiền đề phát triển nghiên cứu ứng dụng.
Thu nhập dành cho người nghiên cứu về lĩnh vực khoa học cơ bản không được cao. Để các bạn trẻ say mê với lĩnh vực này thì các cơ quan, ban ngành cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng.
3 định hướng phát triển ngành dược liệu Việt Nam |
Còn Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam – người được vinh danh nhờ công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực hóa học kỹ thuật.
Công trình đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine.
Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố.
Theo quan điểm của giáo sư này: "Nghiên cứu khoa học là một con đường chông gai, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Nếu không có niềm đam mê, bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng".
Là một trong những nhà khoa học được phong học hàm giáo sư trước 40 tuổi, Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam đã bày tỏ, đạt được tiêu chuẩn chức danh giáo sư là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới trong nghiên cứu khoa học với trách nhiệm nặng nề.
“Xin được làm một nét gạch nối giữa thế hệ các bạn trẻ hơn tôi với thế hệ cha anh để cùng nhau học hỏi kiến thức và kinh nghiệm và kiến thức từ những thế hệ đi trước”- vị giáo sư này chia sẻ.