Trẻ bị ở nhà quá lâu dẫn đến rối nhiễu loạn tâm lí

24/11/2021 06:31
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khi trẻ không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong thời gian dài, dẫn đến trí tuệ không thông minh, có vẻ mặt hơi ngơ ngác, không linh hoạt, gì cũng lạ.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc giãn cách xã hội kéo dài cũng đã tác động ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe tâm thần của nhiều trẻ em, điều này đã khiến các bậc làm cha mẹ vô cùng lo lắng. Việc nghỉ học ở nhà sẽ không dễ dàng với trẻ nhỏ, nhất là các bé hiếu động đang ở độ tuổi phát triển.

Đang vui đùa thoải mái, đến trường nhiều bạn bè, nay học sinh phải học trực tuyến, sống gói gọn trong không gian nhỏ hẹp ở gia đình. Không được đến lớp, thay đổi thói quen thường ngày, trong tình trạng bất định không biết trước và nguy cơ tiếp cận với các thông tin không chính xác do nghỉ dài ngày, điều này gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm lý của học sinh. Không loại trừ các em phát sinh lo âu và chán nản, trẻ chán nản vì không biết làm gì, không có ai chơi cùng...

Bác sĩ Đinh Hữu Uân - Nguyên phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, văn phòng Trung tâm Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ - APA. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Đinh Hữu Uân - Nguyên phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, văn phòng Trung tâm Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ - APA. Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Uân - nguyên phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, văn phòng trung tâm Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Bác sĩ Uân cho biết: “Trầm cảm ở trẻ em là một tình trạng bị rối loạn tâm lý khiến cho trẻ thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản, không còn niềm vui và hứng thú đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều trạng thái rối loạn sức khỏe tâm thần đã được hình thành phát triển ở trẻ nhỏ và tuổi vị thành niên. Những trạng thái này liên quan mật thiết với sự hình thành bộ não và thể chất của những đứa trẻ, cũng như các hoàn cảnh sống. Rất nhiều rối loạn, đặc biệt là các phản ứng về mặt cảm xúc, hành vi của trẻ có liên quan tới các sự kiện xảy ra như: Nghỉ học dài ngày, thay đổi môi trường, bị trêu ghẹo, bị hù dọa bởi thông tin dịch bệnh, bị ở nhà quá lâu, căng thẳng, ít tiếp xúc với bạn,…

Trong thời gian phải tạm ngừng đến trường, không được đến nơi vui chơi đã khiến cho trẻ rất khó chịu về mặt tâm lí, kể cả người lớn cũng có nhu cầu về mặt giao tiếp xã hội để giúp cân bằng cảm xúc của bản thân, nữa là con trẻ.

Vậy nên những đứa trẻ đang hình thành nhân cách, nhưng lại bị “nhốt” quá lâu trong nhà, không được chạy nhảy, vui chơi, bó hẹp giao tiếp sẽ gây bức xúc về mặt tâm lí. Thường trẻ sẽ có một số biểu hiện như bất ngờ trở nên cục cằn, đánh em, gây xung đột giữa các anh chị em trong gia đình, thậm chí cãi lại bố mẹ, nói năng với những lời lẽ khó chịu,…tất cả những điều đó là do sự khó chịu trong người trẻ gây rối loạn về mặt cảm xúc.

Khi trẻ không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong thời gian dài, dẫn đến trí tuệ không thông minh, đứa trẻ sẽ có vẻ bề ngoài hơi ngơ ngác, không linh hoạt, nhìn gì cũng thấy lạ.

Một vấn đề nữa khá rõ nét, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhận thức về giáo dục của trẻ, học lực cũng giảm đi, cảm xúc rối loạn, trí tuệ không minh mẫn. Thời gian trẻ phải tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều cũng dẫn đến mỏi mắt, ảnh hưởng đến thị lực, nhiều trẻ còn bị “nghiện” trò chơi điện tử bởi thiếu sự quan tâm của người lớn, cứ để mặc trẻ với máy tính, thiết bị thông minh mà không có sự kiểm soát.

Khi nhận thấy trẻ em đang bình thường lại có những biểu hiện như mất ngủ, buồn chán, bối rối, lo âu, ít nói, bỏ ăn, có biến đổi về mặt tâm lí,… thì các bậc cha mẹ nên xin tư vấn từ các chuyên gia tâm lí bởi mỗi đứa trẻ có những biểu hiện về sức khỏe tâm thần khác nhau, và từ đó cách thức điều trị tâm lí cũng sẽ khác nhau.

Có trường hợp trẻ em đã mắc bệnh nền về tâm lí nhưng chưa phát ra ngoài, và trong thời gian phải ở nhà quá lâu như hiện nay là dịp để bệnh xuất hiện rõ, phát tác mạnh hơn. Với những trẻ như vậy sẽ phải đưa đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để có hướng xử lí kịp thời, tránh bệnh chuyển hướng xấu”.

Hiện nay trẻ bị hạn chế trong nhà, không gian chật hẹp khiến trẻ xuất hiện những yếu tố tâm lí như chỉ đi quanh quẩn trong nhà khiến tâm lí bị trì trệ, cảm xúc bồn chồn, dễ cáu,…Ảnh minh họa: G.H.

Hiện nay trẻ bị hạn chế trong nhà, không gian chật hẹp khiến trẻ xuất hiện những yếu tố tâm lí như chỉ đi quanh quẩn trong nhà khiến tâm lí bị trì trệ, cảm xúc bồn chồn, dễ cáu,…Ảnh minh họa: G.H.

Nhiều trẻ phải điều trị bằng thuốc hướng thần

Theo bác sĩ Uân: “Thời gian qua tôi có tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ được cha mẹ đưa đến khám với những triệu chứng như khó chịu vô cớ trong người, không được giải tỏa tâm lý, dùng vật sắc nhọn tự làm đau cơ thể mình. Có trẻ lại tự đấm vào tường, đập vỡ đồ đồ dùng học tập, chán không muốn học, nhiều trẻ có diễn biến tâm lý nặng đã phải điều trị bằng thuốc hướng thần.

Những trường hợp trẻ như vậy đều là rối loạn cảm xúc, lứa tuổi trẻ bị nhiều nhất từ 12 đến 16 tuổi, tỷ lệ trẻ em nam bị rối loạn nhiều hơn trẻ em nữ, độ tuổi dưới 12 cũng nhiều những diễn biến tâm lí nhẹ hơn. Chiều hướng trẻ em nam có hành vi bạo lực như đánh em, cãi bố mẹ, nhiều hơn trẻ em nữ, còn hành vi tự gây đau cho cơ thể thì ở trẻ em nữ lại nhiều hơn.

Trẻ em từ 6 đến 15 là lứa tuổi rất hiếu động, luôn tò mò muốn khám phá mọi thứ xung quanh, cần hoạt động đời sống tinh thần và thể chất. Nhưng hiện nay trẻ bị hạn chế trong gia đình, không gian chật hẹp khiến trẻ xuất hiện những yếu tố tâm lí như chỉ đi quanh quẩn trong nhà khiến tâm lí bị trì trệ, cảm xúc bồn chồn, dễ cáu,…tất cả những hiện tượng đó tạo nên những “nút thắt” trong tâm trí trẻ, khi mọi việc không được giải quyết trẻ dễ nổi cáu, khó kiềm chế được cảm xúc, hành vi.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới thì một hành vi nếu cứ lặp đi lặp lại trên 21 ngày sẽ dẫn đến hình thành một hành vi mới. Bùng phát dịch bệnh thì đồng thời cũng bùng phát rối nhiễu loạn tâm lí ở trẻ.

Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi nhờ trợ giúp tư vấn tâm lí cho trẻ, gỡ rối cho cha mẹ bởi trẻ cáu gắt nhiều hơn,…Nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tâm thần lo âu, trầm cảm ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe.

Dấu hiệu đầu tiên ở trẻ là ngủ rất nhiều, nhưng khi tỉnh dậy lại không thấy thoải mái, hay cáu, đặc biệt nếu đã ngủ nhiều ban ngày thì đêm lại mất ngủ, dẫn đến ăn đêm khiến cơ thể tăng cân. Những triệu chứng lo âu, bồn chồn nếu kéo dài trên hai tuần thì cha mẹ cần gọi điện cho các bác sĩ để có những tư vấn kịp thời.

Nếu tình trạng dịch bệnh còn kéo dài diễn biến phức tạp, chúng ta cần phải xác định tư tưởng “sống chung”, phải nói rõ và giúp cho trẻ có tư tưởng thích nghi, tư tưởng tích cực để tránh trẻ bị “sốc” khi phải ở nhà quá lâu, tránh những tác động tiêu cực. Nếu trẻ có biểu hiện không bình thường thì cần xin tư vấn của các chuyên gia về tâm lí để có hướng điều trị kịp thời.

Sự gia tăng các rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên song song với sự gia tăng các triệu chứng ở người lớn. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn là mức độ hiểu biết và quan điểm sống. Người lớn dễ dàng hiểu rằng dịch bệnh rồi sẽ trôi qua, và có những biện pháp để điều chỉnh lại lịch sinh hoạt, giảm bớt căng thẳng. Ngược lại, đối với trẻ em, khoảng thời gian gần 2 năm là một khoảng rất dài so với tuổi, và chúng thường có rất ít khả năng kiểm soát môi trường, kiểm soát những thay đổi mà xã hội đã áp đặt lên bản thân các em”.

Tùng Dương