Trung tâm tiếng Anh ANA bị tố thu tiền nhưng không dạy, lại còn dọa học sinh

29/03/2023 06:37
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều học viên của Trung tâm tiếng Anh ANA, phường 12, Quận Tân Bình tố đóng học phí, nhưng trung tâm lại không dạy như cam kết ban đầu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số học viên của Trung tâm tiếng Anh ANA cho biết, họ đang chuẩn bị hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị tố cáo trung tâm tiếng Anh nói trên thu tiền học phí của học viên, nhưng dạy không đúng cam kết.

Học viên của trung tâm này phần lớn là các em sinh viên, những người đã đi làm mong muốn được học tiếng Anh giao tiếp, hoặc luyện thi IELTS để chuẩn bị xét tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, do trung tâm tiếng Anh này đã không dạy học như cam kết, nên các học viên muốn đòi lại tiền để đi học tại các trung tâm khác.

Đóng tiền đi học, nhưng nói học viên tự tra google

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Nguyễn Yến cho hay, Yến đăng ký học tại Trung tâm tiếng Anh ANA từ tháng 10/2020 với học phí 24 triệu đồng cho 240 giờ học.

Lúc đầu đăng ký, Yến được chủ trung tâm nói dạy toàn bộ kiến thức, cung cấp đủ tài liệu để đạt được mức điểm IELTS 6.5. Nếu học viên chưa đạt thì có thể được học lại miễn phí.

Tuy nhiên, khi đến học thì Yến thấy rằng, cơ sở vật chất thì không đảm bảo, giáo viên cũng không dạy học như đã hứa hẹn ban đầu.

Phiếu thu đóng học phí của một học viên tại Trung tâm ANA (ảnh: HVCC)

Phiếu thu đóng học phí của một học viên tại Trung tâm ANA (ảnh: HVCC)

Đầu tiên, thay vì được kiểm tra đầu vào để được xếp lớp, thì Yến lại được nhét chung vào cùng một lớp với những bạn học viên có trình độ khác nhau. Học viên học IELTS và TOEIC đều học chung một lớp.

Khi học viên đặt câu hỏi về các vấn đề chưa hiểu trong bài học, thì giáo viên dạy (bà An Thị Thùy Dung) nói về tự tra google.

Học được một tháng thì Yến và các bạn phải nghỉ, do dịch Covid-19 xảy ra. Thế nhưng, khi dịch đã hết thì trung tâm vẫn không thông báo cho các học viên đi học lại.

Đến tháng 9/2022, Yến đến gặp bà An Thị Thùy Dung – chủ trung tâm để xin đi học lại, thì bà Dung nói phải đóng 2 triệu đồng tiền phạt mới được đi học lại, do đã nghỉ quá hạn.

Biên bản cam kết đầu ra của học viên từ phía ANA (ảnh: HVCC)

Biên bản cam kết đầu ra của học viên từ phía ANA (ảnh: HVCC)

Đến tháng 12/2022, Yến và các bạn trong lớp góp ý với giáo viên về cách dạy học, muốn được thay đổi phương pháp giảng dạy, nhưng giáo viên không nghe, và thậm chí có những lời nói xúc phạm đến học viên.

Bị đe dọa, ép đăng bài quảng cáo cho trung tâm lên các hội nhóm

Vào tháng 9/2022, học viên Nguyễn Dũy Tài (Quận Phú Nhuận) đăng ký học tiếng Anh IELTS ở Trung tâm ANA, và được cam kết đầu ra IELTS 6.5 trong vòng một năm.

Ngoài 24 triệu đồng tiền học cho 240 giờ học, Tài còn phải đóng thêm 2 triệu đồng gọi là tiền cọc giữ suất học.

Nội quy công việc của nhóm Marketing ANA (Ảnh: HVCC)

Nội quy công việc của nhóm Marketing ANA (Ảnh: HVCC)

Dù đã đóng hàng chục triệu đồng tiền học phí, nhưng Tài cũng không được ANA dạy học tử tế. Tài liệu học Tài cũng phải tự in, chứ không được trung tâm cung cấp như thông báo ban đầu.

Nói về việc bị ép đăng bài quảng cáo, Tài nói rằng em bị bà Dung – chủ trung tâm thêm vào nhóm chat Facebook có tên là “Nhóm Marketing ANA”, phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng học viên. Nếu học viên không làm đủ nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền.

Hoàng Siêu, một học viên khác của trung tâm đã đóng trước 50% học phí (12 trên 24 triệu đồng) tiền học IELTS. Sau vài buổi học, cảm thấy việc học không còn hiệu quả, nên Siêu đã yêu cầu bà Dung – chủ trung tâm công khai chứng chỉ IELTS và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nhưng cuối cùng đã bị bà Dung chặn tin nhắn.

Tin nhắn đe dọa học viên (ảnh: HVCC)

Tin nhắn đe dọa học viên (ảnh: HVCC)

Không nói chuyện được với bà Dung, nên Siêu đã đến nói chuyện với người nhà của bà Dung, mong muốn được nói chuyện rõ ràng, nhưng lại bị dọa đánh.

Vụ việc này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của Siêu, và em đã xin nghỉ học tiếng Anh tại ANA.

Hiện các học viên của trung tâm không thể nào liên hệ được với bà An Thị Thùy Dung, người được cho là chủ trung tâm và cũng là người đứng lớp dạy cho các học viên.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ với bà Dung qua số máy cá nhân, nhưng điện thoại trong tình trạng khóa máy.

Trung tâm dạy tiếng Anh không phép

Ngày 28/3, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Diệu – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 12, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, trung tâm ANA có hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, đây là trung tâm tiếng Anh hoạt động không phép, nên phường có phối hợp với phía công an xuống yêu cầu gỡ bảng hiệu, lập biên bản xử phạt.

Thế nhưng, sau thời điểm dịch xảy ra cho đến nay, trung tâm này hoạt động giảng dạy cho học viên chủ yếu trực tuyến, nhưng học viên lại muốn trung tâm dạy offline như bình thường.

Lần hòa giải đầu tiên giữa các học viên và chủ trung tâm (bà Dung) diễn ra cách đây vài tháng nhưng không thành.

Cụ thể, học viên muốn đòi lại tiền theo hợp đồng đã ký giữa hai bên từ năm 2020, còn phía bà Dung nhất quyết chỉ muốn dạy online, thậm chí là dạy cho từng học viên, để các em đạt đủ điều kiện đi thi IELTS và đạt được số điểm như cam kết.

Ngày 29/3, phường 12 Quận Tân Bình sẽ tiếp tục tổ chức hòa giải lần 2 giữa 2 bên (học viên và trung tâm) để làm căn cứ đưa ra tòa giải quyết.

Bà Diệu nói rằng đây không phải là hình thức Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên hòa giải không thành thì sẽ chuyển tòa án xem xét.

Việt Dũng