Trường bán trú vùng cao: Nấu ăn lương hơn 3 triệu đồng, ít người gắn bó lâu dài

19/11/2023 06:43
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo các trường phổ thông bán trú vùng đặc biệt khó khăn mong có chế độ chính sách hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế.

Trong Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, có nội dung hỗ trợ chính sách với các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Dự thảo đề xuất hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú.(Ảnh: cắt màn hình)
Dự thảo đề xuất hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú.(Ảnh: cắt màn hình)

Trong đó, có việc hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú là 4,5 triệu đồng/50 học sinh...

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến một số Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn.

Thầy Nguyễn Xuân Trường (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Hồ Bốn, Mù Cang Chải, Yên Bái) cho hay, nhà trường ở khu vực đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện khoảng 20km, người dân địa phương phần đông là dân tộc Mông. Nhà trường có hơn 800 học sinh ở cả hai cấp học, trong đó có 636 học sinh ăn bán trú.

Nếu đề xuất tăng tiền ăn bán trú được thông qua, thầy Trường cho rằng sẽ rất ý nghĩa với gia đình các em, bởi giá cả thực phẩm theo thị trường giờ cũng tăng, kéo theo khẩu phần thức ăn cũng bị giảm.

Theo định mức, nhà trường chỉ được tuyển tối đa 10 nhân viên phục vụ khu vực bếp ăn cho hơn 600 suất ăn là khá vất vả.

Hằng ngày, nhân viên nấu bữa sáng các em như mỳ tôm, xôi, cơm... đến bữa trưa, tối ăn là thịt, trứng, rau đậu...

Thầy Trường thẳng thắn chia sẻ, nhân viên khu bếp ăn chủ yếu là người dân địa phương ở độ tuổi khoảng hơn 30, họ chọn công việc này trong khi chưa kiếm được việc làm phù hợp. Còn đối với người cao tuổi, họ ngại nấu nướng cho quy mô lớn bởi vất vả.

"Công việc của họ bắt đầu từ 4 rưỡi, 5h sáng đến 6h-7h tối, trong khi mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng (mức lương hệ số 2,25) nên họ không gắn bó lâu dài. Nhà trường cũng phải động viên họ kiếm giúp người thay thế nếu nghỉ việc, để công việc không bị xáo trộn", thầy Trường cho hay.

Bên cạnh đó, thầy Trường cũng đề xuất nên có thêm chế độ chính sách hỗ trợ đối với nhân viên của nhà trường như nhân viên kế toán, nhân viên y tế. Bởi lẽ, họ đang không được hưởng thêm chế độ phụ cấp 0,3 (nhân với mức lương cơ bản là khoảng hơn 500 nghìn đồng/tháng).

Dù nhân viên y tế không phải trực tại trường đêm hôm, nhưng khi có học sinh bị ốm đau bất thường, họ cũng vẫn phải đến sơ cấp cứu.

Đối với đề xuất cấp phát tiền mặt thay vì cấp phát gạo, thầy Trường đồng tình với đề xuất này để tránh việc bảo quản gạo tại trường để lâu ngày bị hư hỏng, hoặc chất lượng gạo bị ảnh hưởng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tân Lập, Bắc Quang, Hà Giang) cho hay, theo định mức, nhà trường có 4 nhân viên phục vụ nhà ăn, họ được hưởng 130% mức lương cơ bản (trên 2 triệu đồng). Để thuận lợi cho việc nấu ăn, nhà trường kết hợp cho chồng làm bảo vệ, vợ làm nấu ăn, còn không thuê riêng nhân viên về sẽ rất khó.

"Khi tuyển nhân viên, nhà trường sẽ nhờ đài phát thanh xã tìm người ở địa phương để thuận tiện cho việc nấu ăn. Chúng tôi tìm được người nấu ăn đã là hạnh phúc rồi, chứ không đòi hỏi họ phải có bằng cấp", cô Chung chia sẻ.

Đối với nhân viên kế toán và nhân viên y tế, cô Chung cho hay, nhân viên y tế tại trường bán trú có khối lượng công việc khá vất vả, khi họ phải kiểm tra thực đơn, an toàn vệ sinh thực phẩm... hay đêm hôm có trường hợp học sinh bị ốm đau bất thường, họ vẫn phải có mặt để sơ cứu hoặc đưa đi trạm xá, viện.

"Nhân viên y tế có khối lượng công việc vất vả nhưng không có phụ cấp cũng là sự thiệt thòi với họ. Bên cạnh đó, khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, họ cũng sẽ bị cắt chế độ hưởng chính sách vùng cao, lương của họ sẽ thấp lắm.

Vì vậy, theo tôi cần có chính sách đối với giáo viên, nhân viên để họ không bị thiệt thòi khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, tránh việc họ chuyển trường, chuyển chỗ làm", cô Chung chia sẻ.

Thầy Bùi Anh Quý (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Hoa, Tuyên Quang) cho hay, đối với việc trực quản lí học sinh tại trường, đơn vị phân chia mỗi thầy cô trực một ngày/tuần, với mỗi ca là khoảng 5 người (3 giáo viên, 1 lãnh đạo nhà trường và 1 nhân viên bảo vệ).

Trong ca trực, đơn vị không có nhân viên y tế bởi chưa tuyển. Nếu học sinh bị đau ốm sơ sài, giáo viên trong ngày trực sẽ sơ cứu cơ bản và đưa học sinh đến trạm y tế.

"Học sinh ở lứa tuổi học trung học cơ sở thường hay nghịch ngợm, vì vậy tôi cũng muốn được có thêm nhân viên y tế để xử lý tình huống như học sinh bị tiêu chảy, ốm vặt ... nếu không giáo viên sẽ phải đưa học sinh ra trạm xá hoặc bệnh viện", thầy Quý chia sẻ.

Mạnh Đoàn