Trường Đại học Nhân văn giải thích lý do có ngành điểm chuẩn lên tới 30/30 điểm

16/09/2021 12:24
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp, với 50 chỉ tiêu thì đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia...

Năm nay, ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lấy mức điểm chuẩn 30 điểm đối với khối C00, như vậy để đỗ được vào ngành này, thí sinh phải đạt 3 điểm 10 (thang điểm 30) hoặc phải được cộng điểm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngành này lấy điểm chuẩn kịch trần 30/30.

Ảnh minh họa: nguồn website nhà trường

Ảnh minh họa: nguồn website nhà trường

Trao đổi thêm về ngành học này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin:

Điểm chuẩn vào các trường đại học năm 2021 tăng ở hầu hết các ngành đào tạo. Điều này đã được dự báo ngay từ khi có kết quả kỳ thi trung học phổ thông, nên khi các trường công bố điểm chuẩn vào tối ngày 15/9, thí sinh và phụ huynh không quá bất ngờ.

Phổ điểm năm nay có xu hướng tăng nhiều hơn ở các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C và khối D truyền thống. Đối với các ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mức tăng trung bình khoảng 0,5 đến 1,5 điểm – căn bản đã như dự báo từ trước.

Điểm chuẩn năm 2021 tăng có thể xét đến một số các lý do chính sau đây:

Thứ nhất, phổ điểm thi trung học phổ thông năm 2021 tăng nhẹ ở các môn thuộc khối C và khối D nên đương nhiên điểm chuẩn đại học tăng là điều dễ hiểu.

Thứ hai, các trường đại học ngày càng gia tăng các hình thức xét tuyển ngoài kết quả thi trung học phổ thông, ví dụ như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng thông qua các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng quốc tế và quốc gia, thi đánh giá năng lực…

Việc gia tăng tỉ trọng xét tuyển như trên khiến chỉ tiêu các trường đại học dành cho xét tuyển từ kết quả trung học phổ thông giảm xuống. Phổ điểm thi trung học phổ thông tăng lên trong khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả thi trung học phổ thông giảm xuống thì điểm chuẩn tăng lên là điều có thể hiểu được.

Thứ ba, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ; thí sinh chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D cao.

Cuối cùng, thầy Tuấn lý giải điểm chuẩn cao đột biến chỉ xảy ở một số ngành, chứ không phủ khắp tất cả các ngành và chương trình đào tạo. Ví dụ: điểm chuẩn đối với tổ hợp C00 vào ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục đứng ở ngưỡng tối đa 30/30 điểm năm thứ hai liên tiếp. Một số lý do chính như:

Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp: trong tổng số 50 chỉ tiêu thì đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia…, như vậy chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi trung học phổ thông.

Số lượng nguyện vọng cao (gần 1.800 chỉ tiêu đăng ký vào ngành Hàn Quốc học chia cho 35 chỉ tiêu còn lại, nên tỉ lệ cạnh tranh trung bình của các tổ hợp lên đến ngưỡng hơn 51 nguyện vọng lấy đỗ 1, đối với tổ hợp C00 thì tỉ lệ cạnh tranh còn cao hơn);

Điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,5 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở khu vực 1) của các em vượt qua ngưỡng 30/30. Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa 30/30 mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng 30/30.

Thùy Linh