Trường ĐH đề xuất kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi tiền vay tín dụng của SV

15/11/2023 06:30
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số ý kiến cho rằng, cần nâng mức cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để sinh viên được đảm bảo tài chính chi trả tiền học phí và sinh hoạt phí.

Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội được ví như "người bạn đồng hành" không chỉ mở ra cơ hội học tập cao hơn cho học sinh, sinh viên (thuộc đối tượng vay vốn) mà còn giúp những gia đình thuộc diện khó khăn giảm bớt gánh nặng học phí.

Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội có thời hạn cho vay ngắn, định mức cho vay thấp,... gây khó khăn cho sinh viên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức – Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho biết, Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/3/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã quy định rất rõ về đối tượng được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) trong tiết thực hành. Ảnh nhà trường cung cấp.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) trong tiết thực hành. Ảnh nhà trường cung cấp.

Ở Trường Đại học Nông Lâm, đối tượng sinh viên theo học chủ yếu là con em nông dân. Với những sinh viên thuộc đối tượng được vay vốn tại Quyết định số 05, Phòng thường xuyên làm giấy xác nhận (như kết quả học tập,...) theo học kỳ, để các em về địa phương hoàn thành hồ sơ vay vốn.

"Hiện nay, định mức cho vay mới chỉ đáp ứng được một phần chi phí. Theo tôi, với những trường đại học có mức học phí từ 50-60 triệu đồng/năm, định mức cho vay như hiện nay là thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu để sinh viên trang trải chi phí phục vụ học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường.

Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng ảnh hưởng đến định mức cho vay. Do vậy nếu được, cần nâng mức cho vay để sinh viên được đảm bảo tài chính chi trả tiền học phí và sinh hoạt phí", thầy Đức kiến nghị.

Cùng chia sẻ với phóng viên, thầy Trần Quang Huy - Trưởng phòng Quản lý sinh viên, Trường Đại học Tân Trào cho biết, những sinh viên thuộc đối tượng vay vốn khi đến Phòng xin xác nhận làm hồ sơ vay vốn đều chia sẻ mục đích vay tiền là để mua thiết bị phục vụ học tập, nhất là laptop.

Với tiền hỗ trợ vay vốn hiện nay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/sinh viên, thầy Huy cho rằng, mức cho vay đã được tăng lên so với trước đây (trước là 1-2 triệu đồng/tháng/sinh viên) nên sẽ hỗ trợ sinh viên được nhiều hơn, mức lãi suất cũng khá phù hợp.

Tuy nhiên, nếu có thể kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi tiền vay lên gấp đôi thời gian hoàn thành khoá học của sinh viên thì sẽ thuận lợi hơn. Bởi, thu nhập của sinh viên mới ra trường đi làm chưa cao, khó có thể trả gốc và lãi sau 1 năm ra trường.

Thầy Huy cũng cho biết, quy mô sinh viên đại học chính quy của Trường Đại học Tân Trào đến năm học 2023-2024 là 2.400 người, trong đó có 13,3% là sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn (thuộc đối tượng cho vay vốn sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội). Tuy vậy, nhu cầu vay vốn của sinh viên năm học 2023-2024 chỉ có 15 em.

Tương tự, những năm học trước, số sinh viên Trường Đại học Tân Trào thuộc đối tượng hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội có nhu cầu vay không nhiều. Cụ thể, năm học 2017 – 2018 có 78 sinh viên; năm học 2018 -2019 có 25 sinh viên; năm học 2019 – 2020 có 11 sinh viên; năm học 2020 – 2021 có 18 sinh viên; năm học 2021 – 2022 có 10 sinh viên; và năm học 2022 – 2023 có 36 sinh viên. Trong số này, chưa có sinh viên nào phản hồi về việc không được vay vốn khi làm thủ tục theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

"Vào mỗi đầu năm học, nhà trường phổ biến rất kỹ về chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đến với sinh viên nhưng số lượng sinh viên vay vốn ít bởi vay xong sinh viên lại phải hoàn trả trong thời gian ngắn.

Hơn nữa, mặc dù mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với sinh viên là 0,65%/tháng, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay, nhưng sinh viên vẫn muốn tìm các cách vay khác để có tài chính ổn định, thời gian trả nợ gốc và lãi tiền vay dài hơn thay vì phải trả sau khi kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định", thầy Huy cho biết.

Thầy Huy cho rằng, với những sinh viên đã phải vay vốn đều được xác định là có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Do đó, mong muốn của nhà trường, sinh viên hiện nay là kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi tiền vay cho sinh viên. Tuy nhiên, điều này cũng cần phải tính toán để đảm bảo duy trì hoạt động của quỹ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

"Đề xuất Quốc hội có chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội là cần thiết để đánh giá thực trạng việc triển khai, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, một trong những vấn đề cần ưu tiên điều chỉnh là giảm các hồ sơ, thủ tục để tạo thuận lợi hơn cho sinh viên, nhà trường, phụ huynh", thầy Huy nêu quan điểm.

Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/3/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, có quy định về trả nợ gốc và lãi tiền vay như sau:

Trong thời hạn phát tiền vay đối tượng được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.

Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.


Ngọc Mai