Trường ĐH kiến nghị sớm có hướng dẫn về thu, quản lý học phí theo Nghị định 97

07/01/2024 06:29
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ GDĐT cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 97 để đảm bảo sự thống nhất giữa các trường và để quy định đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập lùi 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Từ đầu năm học 2023-2024, nhiều trường đại học vẫn tạm thu theo mức học phí của năm học trước, đồng thời nghiên cứu, đánh giá ý kiến của xã hội, lắng nghe hướng dẫn thêm của cơ quan cấp trên, nhằm cân nhắc, đưa ra các phương án học phí hợp lý nhất cho người học.

Trường đang cân nhắc thời điểm phù hợp để áp dụng mức học phí theo Nghị định 97

Nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều năm qua, các trường đại học đều không tăng học phí. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, tuy không theo đúng lộ trình học phí của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, nhưng điều này cũng đã thể hiện được sự hài hòa nhất định giữa các bên, tạo nguồn động lực phát triển cho nhà trường và chia sẻ khó khăn chung với người dân.

Bên cạnh việc đưa ra lộ trình học phí phù hợp với điều kiện của nhà trường, các cơ sở đào tạo cần tính đến việc đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Triển khai Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, các trường cũng phải điều tiết chi phí để làm sao hỗ trợ được người học tốt nhất”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm về thực tiễn hoạt động của Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trong học kỳ I năm học 2023-2024, toàn thể sinh viên vẫn tạm nộp học phí như năm học trước, nhà trường cũng tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định mức học phí kỳ II.

Mức tạm thu học phí hệ đại trà của Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên học kỳ I, năm học 2023-2024. Ảnh: website nhà trường

Mức tạm thu học phí hệ đại trà của Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên học kỳ I, năm học 2023-2024. Ảnh: website nhà trường

Nhà trường cũng tính toán để xây dựng mức học phí, chế độ học bổng đối với những sinh viên có kết quả học tập tốt, nỗ lực vươn lên trong học tập, cũng như quan tâm đối tượng sinh viên đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và dân tộc thiểu số; góp phần tạo nên công bằng xã hội và cơ hội phát triển, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

“Trong những năm vừa qua, có thể nói, học phí của Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên giữ ở mức thấp so với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe.

Cơ sở đào tạo có phạm vi tuyển sinh trên cả nước, tuy nhiên, tỷ lệ người học đến từ vùng miền núi phía Bắc vẫn chiếm một tỉ trọng lớn, trong đó có rất nhiều con em dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn. Vì vậy, nhà trường cần xác định điều tiết các chi phí sao cho định hướng tăng học phí sắp tới vẫn phải giữ ở mức hợp lý và ổn định lâu dài”, thầy Dũng chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho hay: “Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP là phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, bên cạnh đó cũng giúp các trường giảm áp lực về tài chính trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay.”

Được biết, ngay khi xây dựng mức học phí năm học 2023-2024, Hội đồng trường - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã trao đổi và quyết định mức học phí năm học này sẽ tăng so với năm học 2022-2023, tuy nhiên mức tăng chưa đến trần học phí năm học 2023-2024 quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP để chia sẻ với người học và xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô. Ảnh: NVCC

Trước đó, nhà trường vẫn tạm thu học phí của học kỳ I năm học 2023-2024 theo mức của năm học 2022-2023 để chờ chính sách từ Chính phủ.

Hiện nay, cơ sở đào tạo vẫn đang cân nhắc thời điểm phù hợp để áp dụng mức học phí mới khi Nghị định 97 có hiệu lực từ tháng 12/2023. Mức trần thu học phí của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm học 2023-2024 tùy thuộc vào khối ngành đào tạo, dự kiến dao động từ 1.200.000-1.450.000 đồng/tháng. Mức học phí này dự kiến tăng từ 15-25% so với năm học trước.

Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 97

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định 97, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền nhìn nhận, khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ thiết lập được sự thống nhất hơn giữa các trường.

Lãnh đạo Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng đề xuất sớm có văn bản hướng dẫn về thời điểm áp dụng Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, hiện tại có thể có hai hướng triển khai.

Một là trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học, khi Chính phủ ban hành Nghị định 97, trên cơ sở đó, các trường sẽ quyết định theo điều kiện cụ thể của từng nơi.

Hai là trong trường hợp còn những ý kiến trái chiều, các trường chưa thống nhất trong triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn để quy định đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng tình với đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 97.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Thầy Trung cho rằng, tự chủ tài chính cần định nghĩa một cách khoa học chuẩn xác hơn. Về nguyên tắc, tự chủ tài chính không đồng nghĩa với tự túc, tự lo, mà Nhà nước vẫn đầu tư vào các trường đại học để đảm bảo phát triển bền vững.

“Theo học đại học cũng là một khoản đầu tư, mà các khoản đầu tư nên định hướng tuân theo điều kiện của thị trường.

Trong trường hợp những đối tượng yếu thế cần hỗ trợ, Nhà nước đã có những chính sách với sinh viên nghèo vượt khó, cũng như nhóm đối tượng sinh viên học giỏi.

Nếu có lạm phát xảy ra thì học phí vẫn cần những điều chỉnh, thay đổi phù hợp với quy luật thị trường, vì tất cả mọi lĩnh vực nếu trái với quy luật thị trường thì rất dễ trật “đường ray”, khó phát triển bền vững”, thầy Đức Trung nêu quan điểm.

Để nguồn thu chính không chỉ “trông chờ” vào học phí

Hiện nay, ba nguồn thu chính của các trường đại học là ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (bao gồm thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư,...).

Thế nhưng, thực tế tại Việt Nam, nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, hiến tặng rất khó để khai thác, nhất là đối với trường đại học công lập.

Một khi các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa thể khai thác tốt các nguồn thu khác thì học phí vẫn là nguồn thu chủ yếu.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, chi phí để duy trì, duy tu, học phí còn được dùng để chi trả chế độ cho cán bộ giảng viên. Làm thế nào để giữ chân giảng viên giỏi cũng là bài toán đặt ra hiện nay với các trường.

Chia sẻ về thực trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thành phố Hà Nội. Hiện nay, Nhà trường được xác định tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên.

Năm 2023, mức độ tự chủ chi thường xuyên của Nhà trường là 64% và đang phấn đấu tự chủ 100% chi thường xuyên vào năm 2025 theo kế hoạch của Thành phố Hà Nội.

Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở đào tạo phải từng bước tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo và nâng cao mức độ tự chủ tài chính.

Hiện nay, học phí vẫn là nguồn thu chủ yếu của các trường, nên việc giảm lệ thuộc vào học phí là một bài toán khó cho các trường chưa tự chủ nói chung và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung chia sẻ, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực gia tăng nguồn thu “phi học phí” trong những năm qua. Thuộc đơn vị tự chủ nhóm 2 (tự đảm bảo chi thường xuyên), nhà trường được sự ủng hộ rất lớn từ các kênh thương mại là những đơn vị chia sẻ học bổng cho cơ sở đào tạo.

Cụ thể, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tạo dựng mối quan hệ mật thiết, đồng hành với các ngân hàng, cơ sở thương mại trong và ngoài nước để hợp tác; mở nhiều chương trình gói vay tiêu dùng nhằm hỗ trợ sinh viên hoàn cảnh khó khăn được hưởng lãi suất ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội.

Song hành với mục tiêu đặt trọng tâm người học là chính, quan điểm của nhà trường là không tăng học phí theo lộ trình mà dựa theo cơ sở vào mức đầu tư cho người học.

Khi gia tăng đầu tư về nguồn nhân lực giảng dạy; hệ thống cơ sở vật chất; hệ thống học liệu, thư viện, dữ liệu; hiện đại hoá ký túc xá, căng tin và hợp tác quốc tế cho cơ hội chuyển tiếp; nhà trường sẽ cân đối tỷ lệ nhất định giữa khoản đầu tư và nguồn thu.

Từ đó, trường điều chỉnh tăng học phí thấp hơn so với việc đầu tư và đồng thời thấp hơn nhiều so với mức trần học phí theo Nghị định 97.

Lưu Diễm