Trường ĐH Luật: Nhiều phương thức không kê chỉ tiêu, số nhập học theo mẫu TT08

25/06/2024 06:44
Vi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn dành 210 chỉ tiêu cho ngành Luật chất lượng cao. 

Trường Đại học Luật - thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1124/QĐ-TTg ngày 23/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Anh là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 11/05/2024, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2024 kèm theo Công văn số 528 /ĐHL-ĐT&CTHSSV ngày 03 tháng 5 năm 2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật.

GDVN (3).JPG
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở số 144, đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Sao Mai)

Vẫn dùng khái niệm chương trình chất lượng cao trong đề án tuyển sinh

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 1.150 chỉ tiêu với 4 ngành đào tạo bao gồm: Luật (459 chỉ tiêu), Luật chất lượng cao (210 chỉ tiêu), Luật kinh doanh (370 chỉ tiêu), Luật Thương mại quốc tế (111 chỉ tiêu).

Trong khi, ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/12/2023.

Đối chiếu theo Thông tư 11 thì các chương trình đào tạo mang tên “chất lượng cao” sẽ không còn tồn tại trong đề án tuyển sinh của các trường đại học kể từ năm 2024.

Tuy nhiên, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn sử dụng khái niệm chất lượng cao.

luat-clc.png
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội dành 210 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 cho ngành Luật chất lượng cao. (Ảnh chụp màn hình)

Một số nội dung kê khai không đầy đủ theo quy định

Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội có một số nội dung chưa thực hiện kê khai đầy đủ theo quy định.

Cụ thể, tại mục 8.2 tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất. Trong đó có các mục như: Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất.

hoc-vien-ngan-hang-1.jpg
Mẫu kê khai điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, đối chiếu với bảng kê khai điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh 2024 cho thấy, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ kê khai thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

diem-trung-tuyen.png
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ kê khai chỉ tiêu và số sinh viên nhập học của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh chụp màn hình)

Trong khi đó nhà trường có tới 8 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cơ chế đặc thù trong tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Luật; Xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển (SAT, A-Level, ACT); Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển (IELTS và TOEFL iBT); Xét tuyển thí sinh là học sinh các trường Dự bị đại học; Xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Đối với các phương thức khác nhà trường chỉ công bố điểm trúng tuyển hoặc điều kiện trúng tuyển mà không kê khai các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên trúng tuyển nhập học. Trong khi đó, đây là nội dung quan trọng để thí sinh năm nay có căn cứ đối sánh và cân nhắc đặt nguyện vọng xét tuyển.

cong-khai.png
Các phương thức khác nhà trường chỉ công bố điểm trúng tuyển hoặc điều kiện trúng tuyển mà không thống kê chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng nhập học. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT cũng yêu cầu ở cuối đề án cần có thông tin của cán bộ kê khai (ghi rõ họ tên, số điện thoại liên hệ, địa chỉ email). Tuy nhiên, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng không kê khai thông tin này. Ngoài ra đề án này cũng không thấy có chữ ký và dấu của thủ trưởng đơn vị.

cong-khai.png
Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu kê khai đầy đủ thông tin của cán bộ kê khai và cần có chữ ký của Thủ trưởng đơn vị. (Ảnh chụp màn hình)
cong-khai-18701.png
Trang cuối cùng trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật không có thông tin cán bộ kê khai và thủ trưởng đơn vị. (Ảnh chụp màn hình)

Theo biểu mẫu số 02: Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng của Đề án tuyển sinh năm 2024, quy mô đào tạo hình thức chính quy đến ngày 31/12/2023 của Trường Đại học Luật là 94 học viên tiến sĩ, 443 học viên thạc sĩ, 4.688 sinh viên đại học.

Hiện nhà trường đang có tất cả 86 giảng viên cơ hữu (7 giáo sư, 24 phó giáo sư, 45 tiến sĩ, 10 thạc sĩ); không có giảng viên thỉnh giảng.

Bên cạnh đó nhà trường còn dành 150 chỉ tiêu tuyển sinh chương trình đào tạo thứ 2 (văn bằng kép) đối với sinh viên đang học tại các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội theo hình thức đào tạo chính quy. Tại thời điểm đăng ký xét tuyển, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện sau:

Đã học ít nhất hai học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất; Điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai đạt từ 2,5 trở lên và đáp ứng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh hoặc điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai đạt từ 2,0 trở lên và đáp ứng các điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Ngoài ra, nhà trường tuyển thêm 350 chỉ tiêu ngành Luật đối với hệ đào tạo vừa làm vừa học với thí sinh tốt nghiệp từ trung cấp trở lên.

Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật cũng thống kê tổng nguồn thu hợp pháp của trường năm 2023 là 86 tỷ đồng/năm. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm trước liền trước năm tuyển sinh là 16.500.000 đồng/1 sinh viên/ năm.

Học phí 1 năm của trường dao động từ 23.970.000 - 39.380.000 đồng tùy từng ngành đào tạo.

luat.png
Học phí dự kiến năm 2024 của Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)
Vi Anh