Trường ĐH tuyển GV trình độ tiến sĩ khó vì ứng viên tốt nghiệp chuyên ngành hẹp

30/07/2023 06:43
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tuyển dụng GV là vấn đề khó mà nhiều trường ĐH phải đối mặt. Nhất là khi cả trường ĐH công lập, tư thục đều muốn có GV trình độ tiến sĩ. 
  1. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường đại học, những năm gần đây, công tác tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ được triển khai theo quý nhưng vẫn không tuyển đủ khiến nảy sinh những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo.

Bàn về công tác tuyển dụng viên chức giảng dạy ở Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc tuyển dụng giảng viên hàng năm được tiến hành công khai, dân chủ, đúng quy trình và tiêu chuẩn quy định để đảm bảo tuyển được những người thực sự có năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy – nghiên cứu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường).

Song, thầy Huy cho rằng, công tác tuyển dụng giảng viên là một trong những vấn đề khó mà nhiều trường đại học đang phải đối mặt. Nhất là khi các trường đại học công lập và tư thục đều mong muốn tuyển được giảng viên trình độ tiến sĩ.

Mặt khác, một số trường đại học tư thục có chính sách đãi ngộ tốt hơn so với trường đại học công lập nên đã tạo ra tính cạnh tranh trong công tác tuyển dụng giảng viên giữa trường công và trường tư.

"Hiện tại, nhà trường có khoảng 400 giảng viên. Vào mỗi đầu năm học, trường xây dựng kế hoạch tuyển dụng giảng viên tùy theo tình hình thực tiễn. Song, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do chính sách thu hút, tuyển dụng giảng viên của trường vẫn chưa thực sự hấp dẫn bằng một số trường đại học tư thục khác. Vậy nên, bên cạnh việc tuyển dụng, trường ưu tiên, tập trung, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu của trường bằng cách cử giảng viên đi học tiến sĩ”, thầy Huy chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, phó hiệu trưởng một trường đại học đào tạo khối ngành Nông – Lâm nghiệp cho hay, khoảng 5 năm trở lại đây, nhà trường chỉ có giảng viên nghỉ hưu và giảng viên chuyển công tác, không tuyển dụng giảng viên mới. Bởi vì quy mô sinh viên của trường giảm, đồng thời phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

"Trước đó, cũng có thời điểm, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyển dụng giảng viên nhưng không tuyển được vì áp lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học với cường độ cao, trong khi mức lương của cán bộ giảng viên lại thấp", phó hiệu trưởng chia sẻ khó khăn.

Vị này lấy ví dụ, theo Điều 10 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập quy định: "c) Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98".

Mức lương giảng viên đại học là viên chức sẽ được tính theo công thức: Lương = [Hệ số lương] x [Mức lương cơ sở].

Như vậy, với giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) sẽ nhận mức lương từ 4.212.000 - 8.964.000 đồng/tháng.

Vị phó hiệu trưởng cho rằng, nếu làm việc tại các doanh nghiệp, họ vừa ít bị gò bó, vừa có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn nên cũng khiến trường đại học khó tuyển dụng giảng viên.

Thêm nữa, thực tế ở các trường đại học top đầu, đào tạo ngành học "hot" tuyển được nhiều sinh viên, có nguồn thu từ học phí,… còn đang khó giữ chân giảng viên, thì các trường đại học ở top dưới, đặc biệt là đào tạo khối ngành Nông - Lâm nghiệp lại càng khó khăn trong công tác tuyển dụng, cũng như thực hiện chính sách thu hút giảng viên.

"Theo tôi, điều kiện tiên quyết trong tuyển dụng là lương cơ bản của giảng viên phải giúp họ đủ sống. Những năm gần đây, nhà trường triển khai chính sách nhằm thu hút và giữ chân giảng viên nhưng không mang lại nhiều hiệu quả. Bởi, ngành Nông – Lâm nghiệp hiện nay đang khó thu hút sinh viên. Điều này dẫn đến công tác tuyển dụng, thực hiện chính sách đãi ngộ đối với giảng viên gặp nhiều khó khăn dù thực tế có những ngành học của trường thiếu đội ngũ nhân lực”, phó hiệu trưởng cho hay.

Cùng bàn về công tác tuyển dụng giảng viên trong phạm vi của Khoa, vị trưởng khoa Khoa Địa chất một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tuyển dụng giảng viên của Khoa có những thuận lợi, khó khăn nhất định.

Cụ thể, theo vị này, có thời điểm, Khoa muốn tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ ở một số ngành học nhưng ứng viên đều là tiến sĩ chuyên ngành hẹp nên không phải ai cũng tham gia giảng dạy được ngay mà phải tích cực nghiên cứu, tốn nhiều thời gian đào tạo thêm về chuyên môn để đáp ứng công việc.

“Theo kế hoạch chung của nhà trường, Khoa tuyển dụng giảng viên theo quý, mỗi đợt tuyển gần 20 chỉ tiêu, nhưng chỉ nhận được 5-6 hồ sơ ứng tuyển.

Không chỉ khó tuyển dụng, việc giữ chân giảng viên đối với ngành "hot" cũng gặp nhiều khó khăn do có sự chênh lệch về mức thu nhập khi họ làm việc ở trong và ngoài trường đại học”, vị này chia sẻ.

Cho biết thêm về nguyên nhân của những khó khăn trong công tác tuyển dụng giảng viên, theo vị trưởng khoa, thứ nhất, do mức lương của giảng viên chưa hấp dẫn. Thứ hai,những ngành học cần tuyển dụng giảng viên trình độ cao, đúng chuyên ngành nhưng không có ứng viên đạt được yêu cầu đặt ra.

"Để có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, trường tiến hành nhiều cải tiến trong quá trình tuyển dụng cũng như tạo môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ đối với giảng viên. Đặc biệt, hàng năm, trường có các đề tài nghiên cứu khoa học (mỗi đề tài với kinh phí là 50 triệu đồng) để ưu tiên cho giảng viên mới của Khoa đảm nhận (không giới hạn số lượng đề tài/giảng viên). Nhờ đó, giảng viên ở Khoa không chỉ tham gia giảng dạy mà còn có nguồn thu nhập thêm từ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học", vị trưởng khoa cho biết.

Ngọc Mai