Hiệu trưởng nói “không nhất thiết phải công khai”, Sở GD&ĐT Bình Dương lên tiếng

10/05/2025 07:13
Quỳnh Giao
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cô Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương khẳng định có thể các trường tư cũng chưa hiểu hết các quy định nên sở sẽ lưu ý nhắc nhở thêm.

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (được thay thế bởi Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 19/7/2024).

Trong Thông tư nêu rõ mục tiêu thực hiện công khai là để minh bạch các thông tin có liên quan của cơ sở giáo dục để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động, người học, gia đình người học và xã hội biết, tham gia giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.

Về nguyên tắc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục và đào tạo phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, hình thức và thời điểm công khai theo quy định. Thông tin được công khai trên trang thông tin điện tử phải chính xác, đầy đủ, kịp thời và dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, thời gian qua, từ tháng 3 đến gần nhất là ngày 9/5/2025, khi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam truy cập vào website của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh (Bình Dương) đều không tìm thấy các biểu mẫu công khai của nhà trường.

Ngày 9/5/2025, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Hiệu trưởng TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh nói "không nhất thiết phải công khai"". Theo đó, cô Đặng Thị Ngọc Bích, hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Tôi thấy có những cái cũng vô lý, kinh phí của người ta lại bảo công khai là sao. Thông thường ở sở yêu cầu trường làm cái gì là trường làm cái đó. Có những thông tin riêng của trường tại sao lại yêu cầu người ta phải nói lên. Có những thông tin phụ huynh liên hệ với trường thì họ đã đến trường tìm hiểu rồi còn nhà trường không nhất thiết phải công bố lên cho người khác xem”.

vtnaa_binhduongschool01.jpg
Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh (Bình Dương). Ảnh: website nhà trường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương khẳng định sẽ nhắc nhở các trường tư thục thực hiện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông tin: Sở đã có trao đổi với Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh. Lãnh đạo nhà trường cho biết vì trường thuộc loại hình trường ngoài công lập nên những thông tin công khai chỉ công khai trong nội bộ hội đồng quản trị và các thành viên nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cũng đã nghiêm túc yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT.

“Với các thủ tục thực hiện 3 công khai Sở đã thường xuyên nhắc nhở các trường trên địa bàn, đặc biệt là các trường công lập đang thực hiện rất nghiêm túc. Còn đối với các trường tư, Sở cũng thường xuyên nhắc nhở. Tuy nhiên, về cơ bản với trường tư thục, Sở chỉ quản lý nhà nước chứ không siết chặt những nội dung này. Sở sẽ lưu ý và nhắc nhở thêm các trường tư thục thực hiện chứ không ép buộc họ phải thực hiện công khai như trường công lập.

Bình Dương có khá nhiều cơ sở giáo dục tuy nhiên đội ngũ của Sở cũng khá ít nên khi kiểm tra Sở tập trung kiểm tra các trường công lập là chính. Với các trường tư thục, Sở không quá đặt nặng vấn đề đó mà chỉ đặt nặng vấn đề chuyên môn, chất lượng.

Khi Tạp chí phản ánh như vậy thì Sở sẽ lưu ý và nhắc nhở thêm các trường tư thục thực hiện. Có thể các trường cũng chưa hiểu hết các quy định nên Sở sẽ lưu ý quán triệt để trường đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo quy định”, cô Hằng chia sẻ.

Điểm đ, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: "Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật hiện hành".

Điểm c, Khoản 2, Điều 7, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi "Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành".

Thực hiện công khai là trách nhiệm của tất cả các cơ sở giáo dục, không phân biệt công hay tư

Bàn về việc thực hiện công khai thông tin của các trường phổ thông hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, tất cả các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cần thực hiện quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT. Do đó, nếu trường nào không thực hiện đúng theo quy định thì người đứng đầu cơ sở đào tạo cần chịu trách nhiệm.

“Bộ đã quy định như vậy rồi thì cần thực hiện đúng vì có công khai thì mới giám sát được, công khai thì xã hội mới biết được đơn vị đó hoạt động như thế nào, có đảm bảo hay không. Tại sao các trường khác làm mà trường này không làm. Đồng thời xã hội giám sát xem quá trình hoạt động trường thực hiện như thế nào, có đúng quy định của pháp luật không.

Theo quy định phải công khai vào tháng 6 hàng năm, cơ quan quản lý kiểm tra, nếu cơ sở giáo dục vẫn không thực hiện thì đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý. Dù là trường công lập hay tư thục thì cũng không có ngoại lệ, vì trong giáo dục chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào chất lượng đào tạo. Mà chất lượng đào tạo thì phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định như: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… mà nhà trường cần công khai.

Đây không đơn giản chỉ là vấn đề của riêng nhà trường mà liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực của xã hội nên phải đảm bảo thực hiện công khai theo quy định”.

Với trường hợp của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh (Bình Dương), bà An cho rằng nếu trường chia sẻ lý do không công khai vì có những thông tin riêng của trường hay học phí mỗi năm một khác nên "không nhất thiết phải công khai lên cho người khác xem" là không hợp lý.

“Chỉ có bí mật về quốc phòng an ninh của đất nước thì mới được gọi là thông tin riêng cần bảo mật chứ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, học phí... không phải thông tin riêng, những thông tin này đều công khai được.

Học phí là phải công khai, lý do mỗi năm học phí một khác không phải vấn đề không công khai được vì báo cáo công khai này mỗi năm thực hiện 1 lần do đó mỗi năm học phí khác nhau cũng không ảnh hưởng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ ràng thì các nhà trường cần chấp hành đúng quy định. Còn trường nào không thực hiện được vì lý do riêng thì cần báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lý do đó có hợp lý không”, bà An nói.

bui-thi-an-7630.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng nhấn mạnh thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quán triệt các Sở làm nghiêm.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) bày tỏ: Việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là điều cần thiết mà các cơ sở giáo dục cần thực hiện. Việc này trước hết để cho phụ huynh, học sinh, xã hội biết và giám sát chất lượng giáo dục của nhà trường.

Và việc công khai thông tin này thì trường nào cũng cần làm không phân biệt là tư thục hay công lập. Học sinh, phụ huynh, hay kể cả giáo viên cũng cần được biết để đánh giá xem chất lượng của trường như thế nào. Từ đó, có sự phối hợp với nhau trong quản lý học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học.

Việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh nói “không nhất thiết phải công khai cho người khác xem” là rất thiếu hiểu biết. Thông tư 36 ban hành từ năm 2017 mà lãnh đạo trường đến giờ này còn nói như vậy thì việc tuyên truyền thực hiện các quy định liên quan lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần phải xem lại.

Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), việc hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh “khi nào có tội mới phải giải trình” là cách hiểu không chính xác. Đồng thời, việc một số trường không thực hiện công khai các thông tin theo quy định liệu có phải đang mập mờ về các điều kiện đảm bảo chất lượng? Nhất là các trường tư thục vì hiện nay có không ít trường quảng cáo rất "hoành tráng" nhưng sau đó lại vỡ nợ, phá sản khiến phụ huynh mất rất nhiều tiền và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh. Do đó, cần nghiêm túc rà soát việc thực hiện công khai thông tin của các trường tư thục hiện nay.

Đặc biệt là vấn đề công khai tài chính cũng rất quan trọng trong giáo dục. Phụ huynh, học sinh và xã hội có quyền biết nhà trường thu bao nhiêu, chi vào những việc gì. Mức thu như thế có đúng quy định không.

"Với các trường tư thục mức thu của nhà trường là do trường quyết định với sự thỏa thuận cùng phụ huynh nhưng cơ quan quản lý cũng cần xem xét mức thu đó có phù hợp không chứ không phải muốn thu bao nhiêu cũng được. Đồng thời công khai để phụ huynh giám sát xem thu vào việc gì, chi vào việc gì, chi có đúng không, có hợp lý và minh bạch hay không, tránh tình trạng lợi dụng việc không công khai để chi sai mục đích, muốn thu bao nhiêu, chi bao nhiêu cũng được.

Công khai là để minh bạch trong công tác giáo dục của trường, ưu điểm đến đâu, khuyết điểm đến đâu, để xã hội biết và cùng tham gia giám sát cũng như góp ý để trường nâng cao chất lượng. Học sinh sẽ nhìn vào để phấn đấu, ngay cả giáo viên của trường cũng cần biết để xem chất lượng của trường ra sao để tự rèn luyện và nâng cao chất lượng dạy học của mình. Điều đó chỉ có lợi cho trường chứ không thể nói rằng khi nào có tội mới phải giải trình”, ông Sửu nhấn mạnh.

gdvn-nvs-3423-4049-9406.jpg
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà.

Theo ông Ngô Văn Sửu, để giải quyết tình trạng này, khiến các trường cởi mở hơn trong việc thực hiện công khai trước hết phải giải quyết vấn đề nhận thức của đội ngũ lãnh đạo nhà trường. Việc thực hiện công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, điều kiện đảm bảo chất lượng, thu chi tài chính… là việc làm cần thiết, giúp cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Trách nhiệm không thực hiện công khai trước hết thuộc về trường, thứ hai là cơ quan cấp trên quản lý trường cũng cần đôn đốc, nhắc nhở. Nếu nhà trường không công khai, minh bạch, cơ quan quản lý cần xem xét kiểm tra, nếu có sai phạm thì xử lý kịp thời, có như vậy hoạt động giáo dục mới phát triển.

Bên cạnh đó, ban đại diện cha mẹ học sinh cũng cần tham gia góp ý để nhà trường thực hiện nghiêm túc, không nên giấu giếm hoạt động này, để tránh xảy ra những việc làm tiêu cực.

Quỳnh Giao