Trưởng phòng Giáo dục cầm bằng cấp 3 giả đi nộp cho tổ chức, sao mà “mừng” được?

23/05/2019 07:05
NHẬT DUY
(GDVN) - Xã hội đang lên án người dùng bằng giả để thăng quan, tiến chức thì lẽ nào chúng ta lại đồng cảm với một người có bằng thạc sỹ mà lại chưa có bằng cấp 3 thật?

Ngày 22/5, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Không có bằng phổ thông mà làm Trưởng Phòng giáo dục, nên mừng, đừng lo! của thầy giáo Sơn Quang Huyến rất đáng để người đọc suy ngẫm về chuyện bằng cấp hiện nay.

Song, chúng tôi cho rằng dù bằng cấp không quan trọng nhưng mỗi người khi đã làm lãnh đạo một ngành ở cấp huyện, nhất là ngành giáo dục thì cũng cần thiết có một nền tảng vững chắc về tri thức mới có thể làm tốt vai trò của mình.

Thực tế, không phải người nào có bằng cấp cao cũng làm việc tốt nhưng nếu không được đào tạo cơ bản mà làm lãnh đạo ngành giáo trong bối cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay thì sẽ gặp rất khó khăn.

Những người tài giỏi không ai đi dùng bằng giả bao giờ (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)
Những người tài giỏi không ai đi dùng bằng giả bao giờ (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)

Không phải là tất cả nhưng chúng ta cũng thấy rõ một điều là những thầy cô giáo được đào tạo chính quy đa phần là những thầy cô giáo có chuyên môn vững vàng hơn rất nhiều những thầy cô được đào tạo hệ cấp tốc, những thầy cô học nâng cao hệ từ xa, tại chức.

Bởi vì đầu vào hệ chính quy thường cao hơn rất nhiều so các loại hình đào tạo không chính quy. Việc học nâng cao hệ không chính quy cũng có người giỏi nhưng thực tế rất hiếm bởi đa phần là hợp thức hóa tấm bằng để tăng lương, lên chức là nhiều.

Quay lại với trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân (Cà Mau) ta thấy rằng ông được đào tạo lúc đầu là hệ sư phạm 9+3.

Và, cũng nên nhớ rằng ông Dũng đã tự nhận là ông đang học lớp 12 thì bỏ dở (năm 1993) .

Điều này có 2 giả thiết được đặt ra: một là ông đang học dở học kỳ II của lớp 12 thì bỏ học, sau đó học luôn hệ đào tạo sư phạm 9+3 là chuyện bình thường.

Hai là, nếu ông đang học dở học kỳ I trong năm 1993 mà năm 1996 đã tốt nghiệp hệ đào tạo sư phạm 9+ 3 là một...bất thường và có nhiều câu hỏi được đặt ra.

Hệ 9+3 có được học đại học và cao học?

Khi thông tin ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Tân dùng bằng cấp 3 giả được phanh phui.

Trưởng phòng Giáo dục cầm bằng cấp 3 giả đi nộp cho tổ chức, sao mà “mừng” được? ảnh 2Không có bằng phổ thông mà làm Trưởng Phòng giáo dục, nên mừng, đừng lo!

Trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết phân tích về sự việc này.

Một số độc giả phân vân về chuyện tốt nghiệp hệ Trung cấp chuyên nghiệp mà học cao lên là đúng vì được Bộ Giáo dục cho phép.

Tuy nhiên, Bộ cho phép ở những trường hợp nào, chúng tôi xin dẫn ra đây để độc giả tiện theo dõi.

Ngày 26 tháng 07 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3645/BGDĐT-GDCN do ông Hoàng Ngọc Vinh-Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký.

Công văn này gửi tới các sở giáo dục và đào tạo; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

Nội dung của Công văn này nêu rõ: “Căn cứ Luật Giáo dục và các quy định hiện hành về đào tạo, trường hợp người học đã có bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp, nhưng chưa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Nếu đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục Trung học phổ thông hoặc trong chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp (dành cho đối tượng đã có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở).

Theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo thì bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp của người học nói trên được sử dụng thay cho bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông để học lên cao hoặc cho nhu cầu tuyển dụng”.

Như vậy, Bộ đã quy định rất rõ điều kiện để công nhận bằng Trung cấp chuyên nghiệp ngang với bằng Trung học phổ thông khi: “nếu đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục Trung học phổ thông hoặc trong chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp”.

Điều này có nghĩa là hệ Trung cấp chuyên nghiệp đó có đào tạo các môn văn hóa và người học đã “được công nhận đã hoàn thành chương trình Trung học phổ thông”.

Nếu như trường Trung cấp chuyên nghiệp mà không dạy các môn văn hóa Trung học phổ thông thì đương nhiên bằng Trung cấp chuyên nghiệp của người có đầu vào là học sinh Trung học cơ sở không được “sử dụng thay” cho bằng Trung học phổ thông.

Trưởng phòng Giáo dục cầm bằng cấp 3 giả đi nộp cho tổ chức, sao mà “mừng” được? ảnh 3Chưa tốt nghiệp phổ thông mà làm Trưởng phòng thì ai cũng lãnh đạo giáo dục được

Là một giáo viên, là một cán bộ quản lý giáo dục, có lúc là phó Chánh văn phòng, rồi Chánh văn phòng huyện ủy và bây giờ là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, ông Dũng thừa hiểu hệ đào tạo của mình như thế nào.

Vì thế, ông mới quay lại đi học bổ túc văn hóa lớp 12 ở Cà Mau khi đã có bằng cử nhân tiểu học và sau đó nộp hồ sơ thi lấy bằng cấp 3 ở Bạc Liêu.

Và, nếu như bằng Trung cấp chuyện nghiệp của ông Nguyễn Văn Dũng được xếp như bằng Trung học phổ thông thì dại gì ông Dũng lại đi nộp tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 giả làm gì cho phức tạp vấn đề.

Vì thế, đây mới chính là nút thắt để dư luận suy ngẫm và tự tìm lời giải còn thắc mắc của mình về trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng.

Trọng người tài hay trọng bằng cấp?

Nếu được cả 2 điều này thì đó mới là điều đáng quý vô cùng. Nhưng, nếu chỉ được chọn 1 thì đương nhiên ai cũng chọn người tài. Nhưng, người đó là thực tài chứ không phải là nhờ một tác động nào đó để lên làm lãnh đạo.

Đối với ngành giáo dục của một huyện như huyện Phú Tân (Cà Mau) vẫn đang là một vùng còn rất nhiều khó khăn, vì thế những thầy cô có điểm xuất phát như thầy Dũng không phải là hiếm.

Và, chúng tôi luôn trân trọng những thầy cô như thầy Dũng đã và đang có những đóng góp cho ngành giáo dục của địa phương trong những tháng năm mà ngành giáo dục còn khó khăn nhất, cũng như bây giờ.

Nhưng, đó là vai trò của người thầy còn vai trò một lãnh đạo ngành giáo dục của một huyện thì e là không ổn.

Dù biết rằng, sau Trưởng phòng thì còn các Phó Trưởng phòng nữa nhưng một người được đào tạo sư phạm hệ 9+3 mà ngồi ghế Trưởng phòng e rằng chưa phù hợp.

Bởi, một điều chắc chắn rằng phần đông giáo viên trong huyện được đào tạo bài bản, có bằng thạc sỹ, cử nhân chính quy họ sẽ không phục về tài năng và sự gian lận của một Trưởng phòng như vậy.

Hơn nữa, một người ngồi ghế Trưởng phòng Giáo dục mà cầm tấm bằng tốt nghiệp Trung học bổ túc giả đi nộp cho tổ chức thì người đó liệu có phải là người tài, người giỏi, người thực sự sáng trong hay không?

Trong khi xã hội đang lên án người dùng bằng giả để thăng quan, tiến chức thì lẽ nào chúng ta lại đi đồng cảm với một người có bằng thạc sỹ mà lại chưa có bằng cấp 3 thật?

NHẬT DUY