Không có bằng phổ thông mà làm Trưởng Phòng giáo dục, nên mừng, đừng lo!

22/05/2019 07:17
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Học sinh “từ chối không quỳ” theo lệnh phạt của cô giáo được cho là “tín hiệu mừng”; việc không có bằng Phổ thông, làm Trưởng Phòng giáo dục, nên mừng, đừng lo

LTS: Liên quan đến câu chuyện có cán bộ là trưởng phòng giáo dục mà lại chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ một góc nhìn khác về công tác chọn cán bộ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhân đọc bài Chưa tốt nghiệp phổ thông mà làm Trưởng phòng thì ai cũng lãnh đạo giáo dục được” đăng trên báo Giaoduc.net.vn ngày 19/5/2019, nhiều bạn của người viết đặt câu hỏi: Có phải cần có “bằng cấp” mới làm được cán bộ?

Trong xã hội ta, không ít người “có bằng lái xe” “tự nhiên” được bổ nhiệm “Phó viện trưởng, chủ tịch hội đồng khoa học”, “trưởng phòng nhân sự”; một người tạp vụ ở Thanh Hóa còn được bổ nhiệm “trưởng phòng kinh doanh!” cấp Sở.

Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “lái xe lên làm trưởng phòng” có ngay 71.220.000 kết quả trong vòng 0.42 giây. Như vậy, chúng ta không thiếu người “tài” để bổ nhiệm; đã bổ nhiệm không ít “người tài” không cần bằng cấp.

Với giáo dục, người ta còn bổ nhiệm trưởng phòng cho một người chưa hề đi dạy hay học qua sư phạm; dù xã hội lên tiếng phản đối, nhưng cơ quan hữu quan vẫn khẳng định “đúng quy trình”.

Ảnh minh họa: nld.com.vn
Ảnh minh họa: nld.com.vn

Người ta còn kể với nhau câu chuyện thời “nhai giò lụa, nhả bã”, “Thầy giáo kia dạy học trò không hiểu, giáo viên trong trường đề xuất đưa thầy ta lên làm hiệu trưởng, kẻo làm khổ học trò”. Có thể người ta dạy dở, nhưng có “năng lực” lãnh đạo!

Đó là trong nước, nhìn ra nước ngoài thử xem, tổng thống là diễn viên hài; bộ trưởng quốc phòng chưa một ngày đi lính.

Không cần đòi hỏi bằng cấp, miễn anh làm được việc; không làm được thì có “văn hóa từ chức”; làm thất thoát ngân sách, bồi thường, truy tố thật sự chứ không phải kiểu “cắt đuôi nguyên là”. Vì thế, ai không có năng lực thực sự, đố dám nhận cương vị lãnh đạo!

Như vậy, tùy theo “cơ cấu”, “ý đồ” của cấp trên, người ta có thể “phá lệ trong nước”, cải tiến quy trình, để tiếp cận với …quốc tế. Cán bộ làm việc, sai phạm, thất thoát ngân sách đã có sợi dây “rút kinh nghiệm” trói chặt cả đời không gỡ ra được.

Làm cán bộ nói chung, cán bộ giáo dục nói riêng có khó không?

Không có bằng phổ thông mà làm Trưởng Phòng giáo dục, nên mừng, đừng lo! ảnh 2Khiển trách về Đảng với Trưởng phòng Giáo dục chưa tốt nghiệp phổ thông

Nếu vì dân, vì nước, vì học sinh thân yêu là rất khó, đòi hỏi tài đức vẹn toàn, lao tâm khổ tứ tìm cách làm hay; lợi cho dân mới làm; hại cho dân dù nhỏ như cái kim, sợi chỉ cũng không làm; không phải là khó, mà rất khó.

Nếu làm cán bộ mà “lối cũ ta về” không có gì khó, đặc biệt là cán bộ quản lý giáo dục.

Mỗi năm, công việc như nhau, đến hẹn lại lên, chỉ cần biết coi “lịch”, là lên được kế hoạch công tác; làm cán bộ “cấp phòng” càng đơn giản hơn cấp trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) - người chưa có bằng Trung học phổ thông hợp lệ, làm được việc là điều bình thường, đáng khen!

Đây cũng là minh chứng hùng hồn cho việc đề nghị ngành giáo dục bỏ các quy định về bằng cấp, chứng chỉ khi xét chuẩn giáo viên.

Ông Dũng là người có năng lực, có học vị cử nhân tiểu học, có bằng Cao cấp chính trị, việc ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng giáo dục là hoàn toàn “trong sáng”.

Học sinh “từ chối không quỳ” theo lệnh phạt của cô giáo được cho là “tín hiệu mừng”; việc không có bằng Phổ thông, làm Trưởng Phòng giáo dục, nên mừng, đừng lo!

Đã đến lúc, chúng ta bỏ “chủ nghĩa bằng cấp”, đánh giá cán bộ qua hiệu quả công việc, cống hiến của cán bộ cho cộng đồng, chứ không đánh giá họ có bằng cấp gì.

Việc coi trọng bằng cấp, đẩy cả xã hội chạy đua “học có bằng” chứ không phải học “làm người tốt”, “học để làm việc”, học để cống hiến cho cộng đồng.

Còn coi trọng bằng cấp, nạn “bằng thật, học giả” càng phát triển; giáo dục càng xa rời cuộc sống thực tiễn, thừa Cử nhân, thiếu người làm được việc; dư bằng cấp, thiếu liêm sỉ.

“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ,

Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại

Muốn đạt mục đích, thì phải:

Cần, kiệm, liêm, chính,

Chí công, vô tư”.

Lời dạy của Bác Hồ cách nay đã 70 năm, vẫn đầy triết lý cho nền giáo dục nước nhà hiện nay; làm người trước, làm cán bộ sau; học làm người trước, học tri thức sau.                 

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chua-tot-nghiep-pho-thong-ma-lam-Truong-phong-thi-ai-cung-lanh-dao-giao-duc-duoc-post198489.gd

https://www.nguoiduatin.vn/tap-vu-len-truong-phong-lai-xe-thanh-chu-tich-hoi-dong-khoa-hoc-a320391.html

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-nhiem-bi-thu-phuong-lam-truong-phong-gd-dt-cac-nha-quan-ly-giao-duc-noi-gi-20151205132826238.htm

Sơn Quang Huyến