Một trường học, ít cũng có vài chục giáo viên, nhân viên, nhiều lên đến hàng trăm con người. Chính vì tập thể đông người nên những chuyện xích mích, va chạm, xung đột về quyền lợi với nhau trong công việc là điều khó tránh khỏi.
Các thành viên trong Ban giám hiệu khi quản lý các trường lớn cũng khó khăn và có nhiều vất vả hơn. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta thường thấy là các trường học ở nông thôn thì thường giáo viên vẫn dễ thở hơn, ít xung đột hơn các trường lớn, trường ở khu vực đô thị.
Giáo viên luôn muốn đơn vị mình đoàn kết phát triển để họ cống hiến (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai) |
Các trường nhỏ, trường quê ít áp lực hơn
Có lẽ vì trường quê thường có quy môn nhỏ hơn và lối sống của những người dân quê cũng chất phác, văn hóa làng xã, anh em họ hàng nhiều nên cũng có mối quan hệ ràng buộc giữa các thành viên với nhau. Nhất là mối xung đột về quyền lợi trong các trường quê thường không nhiều.
Quyền lợi trong trường học dù không lớn nhưng nó cũng luôn âm thầm tồn tại. Ở quê, tình trạng dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng có nhưng rất ít. Thậm chí có nhiều trường không hề tổ chức dạy thêm và giáo viên cũng không dạy ở nhà.
Chính vì thế, khi giáo viên chỉ hưởng đồng lương hàng tháng của mình sẽ tạo ra sự thân ái và ít có những soi mói, đố kỵ với nhau. Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua đối với những thầy cô giáo chốn thôn quê.
Các thành viên trong Ban giám hiệu cũng thường sống chan hòa với giáo viên, nhân viên của mình vì phần đông là anh em trong đơn vị quen biết nhau khá rõ. Vì thế, xung đột quyền lợi dù có xảy ra thì nó cũng nhẹ nhàng và dễ dàng giải quyết.
Hơn nữa, các trường học ở quê thì những lợi ích vật chất, những tiêu cực trong quản lý tài chính cũng ít xảy ra hơn bởi chủ yếu chỉ có nguồn kinh phí từ nhà nước cấp. Chi tiêu tiền được cấp từ ngân sách thì hiệu trưởng, kế toán nhà trường cũng luôn phải kỹ lưỡng bởi chi cái gì cũng cần hóa đơn, chứng từ.
Các trường ở phố thường có sự cạnh tranh rất lớn
Phải nói thẳng ra rằng xung đột trong trường học hay ở đâu cũng vậy đều chỉ xoay quanh giữa “quyền lực” và “quyền lợi” mà thôi. Quyền lực trong nhà trường không nhiều bởi ngoài Ban giám hiệu chỉ còn chức Chủ tịch Công đoàn và các Tổ trưởng chuyên môn là đáng kể.
Hiệu trưởng, giáo viên cứ làm tròn bổn phận của mình thì chẳng ai phải ngại ai |
Nếu như ở quê thì những chức vụ này nhiều giáo viên khi được cơ cấu, bổ nhiệm thì họ tìm cách thoái thác bởi thực tế mỗi tháng thêm vài trăm nghìn đồng phụ cấp chức vụ mà nhiệm vụ, họp hành thì nhiều.
Nhưng, đối với khu vực đô thị thường là những trường lớn nên những chức vụ này đôi khi là sự cạnh tranh của một số người.
Chính vì thế, nhiều giáo viên không chỉ ngại các thành viên Ban giám hiệu mà còn ngại cả Tổ trưởng chuyên môn của mình. Vì người đó sẽ là người thường xuyên dự giờ, kiểm tra hồ sơ sổ sách và tiếng nói của họ có trọng lượng khi đánh giá, xét thi đua cuối năm đối với mỗi giáo viên trong tổ.
Phụ huynh nghe con mình học với thầy (cô) Tổ trưởng chuyên môn tổ Toán, tổ Văn, tổ Anh…cũng sẽ yên tâm hơn bởi quan niệm họ phải là những người nổi trội hơn những giáo viên khác. Vì thế, nếu thầy cô Tổ trưởng chuyên môn mà tổ chức dạy thêm ở nhà thì thường có sức thu hút học trò đến học thêm nhiều hơn.
Đối với những trường ở đô thị thì ngoài kinh phí được ngân sách cấp còn có nhiều khoản kinh phí khác cũng rất lớn như tiền xã hội hóa, tiền tài trợ, tiền từ các dịch vụ căn tin, nhà xe…cũng thường rất lớn.
Một khi có liên quan đến "chữ tiền" thì dù hiệu trưởng, kế toán nhà trường có thanh liêm cũng khó tránh khỏi những bàn tán của giáo viên về các khoản thu- chi, các loại “hoa hồng” từ các dịch vụ.
Nhất là các trường lớn ở khu vực đô thị thường tổ chức dạy thêm cho học trò. Khi dạy thêm thì phải chia phần trăm cho Ban giám hiệu, cho những hư hao của phòng ốc và các khoản tiền điện, nước…
Vậy nên, khi giáo viên bị đề nghị chia phần trăm lại cho nhà trường nhiều đương nhiên cũng sẽ có những bàn tán, bình phẩm. Rồi người dạy thêm, người không dạy thêm, người dạy đầu cấp, cuối cấp cũng tạo ra nhiều chuyện thị phi.
Hơn nữa, các trường ở thành phố thì thường giáo viên cũng ít khi có mối quan hệ ruột rà, thân thiết như các trường quê nên trong quan hệ, giao tiếp có lúc họ cũng luôn phải đề phòng nhau trong từng lời ăn, tiếng nói.
Ở đâu có niềm vui, có sự tôn trọng nhau trong công việc là ở đó có hạnh phúc
Quan niệm hạnh phúc của mỗi người khác nhau và trong môi trường giáo dục cũng vậy. Có người thì muốn được chuyển đến các trường lớn, trường ở khu vực đô thị để phát triển tài năng của mình và có thu nhập được tốt hơn.
Có người lại thích công tác ở các trường nhỏ, các trường ven thành phố, thậm chí là các trường quê để bớt đi những áp lực trong công việc dù họ biết thu nhập có thể thấp hơn rất nhiều vì chỉ có đồng lương hàng tháng theo hệ số.
Tuy nhiên, dù công tác ở trường nông thôn hay thị thành thì mỗi nơi đều có những cái hay, cái dở. Áp lực nhiều, vất vả nhiều thì cuộc sống tốt hơn cũng là điều rất bình thường.
Chính vì vậy, điều hạnh phúc nhất của giáo viên dù công tác ở đâu cũng cần có những lãnh đạo nhà trường gương mẫu, sống chan hòa, biết lắng nghe và phải là một người tiên phong trong các hoạt động của nhà trường.
Đặc biệt những lãnh đạo nhà trường biết hóa giải mọi xung đột của giáo viên để hướng tới một tập thể đoàn kết và cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Ban giám hiệu biết phân công công việc hợp lý và đưa nền nếp, kỷ cương của nhà trường vào quy củ.
Một khi đồng nghiệp tôn trọng nhau, sống hòa thuận với nhau, thầy thương trò, trò kính trọng thầy thì giáo viên dù công tác ở trường quê hay thị thành cũng đều cảm thấy hạnh phúc và thấy được niểm vui trong công việc hàng ngày.