Tại hội thảo về 20 năm xã hội hóa giáo dục do Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) phối hợp với Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam tổ chức ở TP Đà Nẵng ngày 18-8, hầu hết chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ngoài công lập cùng cho rằng cần tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Trường công vét hết sinh viên
Hiện tại, cả nước có khoảng 83 trường ĐH, CĐ ngoài công lập và các trường này phải đối mặt với nhiều thách thức khi hệ thống trường công lập ngày càng dày đặc và mở rộng chỉ tiêu.
“Có tiền chưa chắc có chất lượng nhưng không có tiền thì chắc chắn không có chất lượng” - GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT), Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, khẳng định khi bàn về phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Quân dẫn chứng không có nước nào trên thế giới đào tạo trình độ ĐH với học phí chỉ vài trăm USD/năm. Ông cũng khẳng định ngành giáo dục của Việt Nam đã lạc hậu và ngày càng trì trệ so với các nước.
GS-TS Trần Hồng Quân phát biểu tại hội thảo. |
Theo GS-TS Trần Hồng Quân, hiện tại, nhà nước dành quá nhiều ưu đãi cho các trường công lập như học phí, cơ sở vật chất, chỉ tiêu tuyển sinh…, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các trường ngoài công lập. Điều này làm cho những trường không được ưu đãi gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng quy chế điểm sàn ngày càng không phù hợp và làm cho các trường ngoài công lập “chới với” trong tuyển sinh. GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng các trường ĐH công lập ngày càng lấn sân trường tư thục thông qua quy chế điểm sàn. Các trường công lập đã vét hết sinh viên có điểm thi từ điểm sàn trở lên khiến các trường ngoài công lập không tìm đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cũng cho rằng nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến các trường công, các trường trọng điểm có quyền tuyển sinh tới điểm sàn, đồng nghĩa với việc chiếm hết “thị phần” của các trường tư, đặc biệt là các trường mới được thành lập.
TS Khuyến cũng đặt ra giả thiết là nên đặt các trường công và trường trọng điểm vào một thách thức tương tự các trường tư, tức là các trường quốc gia, trường vùng, trường trọng điểm không được lấy quá 15% số thí sinh có điểm cao nhất; các trường công không được lấy quá 30% số thí sinh có điểm cao nhất và dành 15% từ điểm sàn trở lên cho các trường mới được thành lập. Nếu thực hiện đúng, quy định này sẽ tạo động lực cho các trường công, trường trọng điểm phải tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng và uy tín của họ.
Tăng học phí là cần thiết
Các đại biểu dự hội thảo cũng nhất trí cần thiết phải tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục. Mức học phí hiện tại của các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam còn quá thấp so với nhiều nước trên thế giới. Đây là nguyên nhân được các chuyên gia nhận định đã làm trì trệ ngành giáo dục.
GS-TS Trần Hồng Quân cho rằng cần phải xem giáo dục nói chung và hướng nghiệp là một dịch vụ và có sự quản lý của nhà nước. Đối với người nghèo, nhà nước phải có chính sách riêng. GS Quân đưa ra giải pháp là cần lôi kéo các ngân hàng thương mại tham gia vào tín dụng giáo dục để mở rộng quy mô cho học sinh, sinh viên vay. Giải pháp này sẽ giúp chấm dứt tình trạng học sinh, sinh viên nghỉ học do không có tiền.
GS-TSKH Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng nếu mức học phí tăng gấp đôi sẽ không còn tình trạng trường công vơ vét hết sinh viên như hiện nay. Ông Thiệp phân tích hiện nay, học phí trung bình của sinh viên Việt Nam vào khoảng 300 USD/năm. Chính vì học phí quá thấp nên trường công lập mới tranh thủ vét sinh viên để bảo đảm tài chính.
Ông cũng cho rằng phương án tăng học phí đã nhiều lần trình ra Quốc hội nhưng đều bị bác bỏ vì lý do học phí quá cao, người nghèo khó đi học. GS-TSKH Lâm Quang Thiệp cũng đưa ra giải pháp là nâng cao quỹ tín dụng cho sinh viên vay lên gấp đôi mức hiện nay. “Nâng học phí lên gấp đôi giúp cải thiện được chất lượng giáo dục nhưng không xảy ra tình trạng người nghèo bỏ học” - ông Thiệp khẳng định.
Ngoài ra, việc thu học phí thấp còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục do người thầy không được đãi ngộ tốt. GS-TS Trần Hồng Quân cho rằng nếu không giải quyết được vấn đề tài chính thì cũng không thể nâng cao mức đãi ngộ cho người thầy.
Theo NLĐ