Liên quan đến vụ việc hơn 67 Hiệu trưởng, Hiệu phó của các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị “quên” tái bổ nhiệm lại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan.
Đồng thời, trong thông báo kết luận tỉnh cũng nêu rõ yêu cầu truy thu tiền phụ cấp chức vụ đối với các Hiệu trưởng, Hiệu phó kể từ thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm theo quyết định bổ nhiệm. Trong đó, có những trường hợp đã hết thời hạn bổ nhiệm trên 10 năm thì số tiền truy thu này ước tính là khá lớn.
8 cán bộ quản lý phải làm giáo viên
Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có kết luận, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa đã tiến hành làm việc, rà soát lại công tác cán bộ để thực hiện các thủ tục miễn nhiệm hoặc bổ nhiệm mới đối với 67 Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa vẫn tiếp tục kiến nghị không nên truy thu phụ cấp chức vụ đối với các Hiệu trưởng, Hiệu phó bị quên tái bổ nhiệm lại. Ảnh: AN |
Ông Lê Quang Thạch – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa cho biết, đơn vị này đã hoàn thành quy trình, tiến hành bổ nhiệm mới cho khoảng 35 cán bộ quản lý đủ điều kiện.
“Có gần 20 trường hợp Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng không đủ điều kiện để bổ nhiệm mới do thời gian công tác còn lại không đủ.
Phòng đã làm tờ trình gửi Ủy ban nhân dân thị xã đề xuất hướng giải quyết. Theo đó, sẽ bổ nhiệm mới cho những cán bộ quản lý này nhưng có thời hạn, đủ kéo dài đến tuổi về hưu”.
Cũng theo ông Thạch, kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã nêu rõ, các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa có hướng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Do đó, vấn đề này sẽ được thị xã giải quyết.
“Còn đối với 8 cán bộ quản lý không có bằng trung cấp chính trị thì buộc phải miễn nhiệm và quay về đứng lớp giảng dạy trở lại.
Hầu hết những người không đủ điều kiện để bổ nhiệm mới đều thuộc bậc mầm non. Họ là những cán bộ quản lý thuộc các trường mầm non dân lập chuyển sang công lập từ năm 2011. Quá trình chuyển thì không rà soát kỹ hồ sơ, điều kiện bổ nhiệm nên mới dẫn đến sai sót”, ông Thạch thông tin.
Có nên truy thu tiền phụ cấp chức vụ hay không?
Một vấn đề khó giải quyết trong vụ việc 67 Hiệu trưởng, Hiệu phó bị “quên” tái bổ nhiệm là có nên truy thu tiền phụ cấp chức vụ đối với những cán bộ quản lý này hay không?
Bởi có những người đã bị lãng quên việc tái bổ nhiệm đến 10-14 năm. Nhưng trong suốt những năm đó, họ vẫn phải duy trì và làm tốt công tác quản lý trường học.
Sau nhiều cuộc họp với các ban ngành liên quan, thầy Lâm Thành Nghiệp – Hiệu trưởng Trường tiểu học và Trung học cơ sở Ninh Tây trở về trường với tâm trạng buồn. Bởi đây là sự việc mà bản thân thầy cũng như nhà trường không hề mong muốn xảy ra.
Thầy Nghiệp cho rằng, vấn đề bây giờ là cần giải quyết vấn đề một cách hợp lý, đúng quy định nhằm sớm ổn định công tác tổ chức trường học. Còn về khoản tiền truy thu bao nhiêu thì phải tính toán lại.
Một Hiệu trưởng khác cũng chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng chấp hành theo đúng quy định và sự hướng dẫn của cấp trên.
Tuy nhiên, khi tiến hành truy thu tiền phụ cấp chức vụ đối với những người đã quá thời hạn bổ nhiệm từ 8-10 năm trở lên thì cũng mong cơ quan chức năng xem xét, đánh giá thận trọng.
Bởi ước tính số tiền cũng khá lớn. Hơn nữa, trong quãng thời gian này, các cán bộ quản lý này vẫn đảm đương công việc tốt”.
Ông Thạch cũng chia sẻ với tâm tư của những Hiệu trưởng, Hiệu phó bị “quên” tái bổ nhiệm. Đồng thời, cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ quản lý thì Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục đề xuất hướng giải quyết là sẽ không truy thu số tiền đã chi trả phụ cấp chức vụ của họ (kể từ thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm theo quyết định bổ nhiệm).