Truyền thông Doanh nghiệp được đánh giá là ngành học sáng tạo trong thế kỷ XXI

31/07/2024 06:20
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không chỉ có kiến thức chuyên môn, người học ngành Truyền thông Doanh nghiệp được trang bị nhiều kỹ năng thực tế để sẵn sàng cho công việc tương lai.

Truyền thông là một trong những ngành "nóng" nhất của thế kỷ XXI, có ảnh hưởng, tác động đến xã hội ở nhiều phương diện khác nhau. Từ chính trị, kinh tế, môi trường đến y tế, giáo dục, và đặc biệt là môi trường hoạt động kinh doanh.

Khi các kênh truyền thông hiện đại ngày càng phổ biến, việc quảng bá, truyền đạt thông điệp của thương hiệu đến với công chúng ngày càng dễ dàng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả truyền thông đòi hỏi cần phải có đội ngũ chuyên môn, được đào tạo nghiệp vụ bài bản. Do đó, ngành Truyền thông Doanh nghiệp nhận được sự quan tâm và yêu thích của rất nhiều bạn trẻ.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Yến Nhi, Trưởng Bộ môn Truyền thông Doanh nghiệp, Trường Đại học Hà Nội cho biết, ngành Truyền thông Doanh nghiệp của Trường Đại học Hà Nội là chương trình cử nhân chính quy đầu tiên tại Việt Nam giảng dạy chuyên ngành Truyền thông doanh nghiệp bằng tiếng Pháp, được xây dựng với sự giúp đỡ chuyên môn của Trường Đại học Tự do Bruxelles (Université libre de Bruxelles), nhờ sự tài trợ của phái đoàn Wallonie - Bruxelles trong việc cử giảng viên Việt Nam đi học thạc sỹ, tiến sĩ tại Bỉ, cử giảng viên Bỉ sang Việt Nam hỗ trợ xây dựng chương trình.

410190558_10160018628113108_1763443397912217484_n.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Yến Nhi, Trưởng Bộ môn Truyền thông Doanh nghiệp, Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Chương trình cung cấp kiến thức đa dạng về truyền thông tiếp thị, quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông điện tử, tổ chức sự kiện… thêm nhiều giờ thực hành, làm dự án, thực tập để sinh viên phát huy tối đa khả năng sử dụng kiến thức chuyên ngành và ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp) cũng như các kỹ năng mềm.

Chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp không chỉ đem lại khả năng cạnh tranh tốt hơn trên con đường sự nghiệp mà còn mở ra thêm nhiều cơ hội học tập và nghề nghiệp tại một trong những quốc gia hàng đầu châu Âu.

Cử nhân ngành Truyền thông doanh nghiệp vận dụng chính xác và sáng tạo những kiến thức và kỹ năng quản trị truyền thông trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị, quan hệ công chúng và các lĩnh vực chuyên môn khác có liên quan; sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn; có tư duy phản biện và năng lực phát triển chuyên môn; có phẩm chất, năng lực tự chủ và thích ứng với môi trường làm việc đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và những thay đổi nhanh chóng của thời đại khoa học công nghệ và toàn cầu hóa.

Ở Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Truyền thông Doanh nghiệp là một chuyên ngành của ngành Quan hệ công chúng tại khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước sự cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng mạnh mẽ, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cần có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giúp truyền tải được thông điệp của công ty, tổ chức tới khách hàng.

Cơ hội việc làm trong lĩnh vực này vô cùng rộng mở với các bạn trẻ năng động, sáng tạo, tự tin.

pgs.ts-HTTH-datgiai-tpcuatoi-5.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường)

Tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông Doanh nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí chuyên viên quan hệ công chúng tại các đơn vị, doanh nghiệp; phát ngôn viên chuyên nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp; cán bộ chức năng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc đơn vị tổ chức chính trị - xã hội.

Người học cũng có thể làm nghiên cứu viên và giảng viên quan hệ công chúng tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về truyền thông và quan hệ công chúng; nhân sự quản lý phụ trách bộ phận tổ chức sự kiện, tổ chức kênh tài trợ, bảo trợ thông tin, gây quỹ, phát triển hoạt động quảng bá truyền thông doanh nghiệp; tổ chức sản xuất chương trình truyền thông, dẫn chương trình, biên tập nội dung, tổ chức phát hành chương trình, xây dựng và quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội… của doanh nghiệp.

Được đào tạo đầy đủ kỹ năng “thực chiến”

Theo cô Yến Nhi, để trang bị kiến thức trước khi bước chân vào thị trường lao động, sinh viên ngành Truyền thông doanh nghiệp, Trường Đại học Hà Nội cần hoàn thành 154 tín chỉ.

Bước sang quá trình học chuyên ngành, kỹ năng viết là ưu tiên hàng đầu, được rèn luyện mạnh mẽ trong suốt chương trình học, từ viết bài báo ngắn, email quảng cáo ở năm thứ 2 đến viết bài báo dài hoàn chỉnh khi bước sang năm thứ 3. Sinh viên được đào tạo để trở thành những người viết chuyên nghiệp và sáng tạo.

Để thích nghi và thành công với xu hướng mới, chương trình học hiện nay đã điều chỉnh để cung cấp cho sinh viên các môn học như quay và dựng phim, nhiếp ảnh và thiết kế sản phẩm truyền thông cơ bản. Điều này giúp các bạn trở nên linh hoạt hơn trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau để truyền đạt thông điệp của mình.

Nổi bật trong chương trình học ngành Truyền thông Doanh nghiệp, Trường Đại học Hà Nội là các hoạt động định hướng thực hành cao như tổ chức sự kiện, xây dựng chiến lược truyền thông và sáng tạo quảng cáo.

Với chương trình học có tính thực hành cao, sinh viên sẽ được sáng tạo ý tưởng cho dự án học tập của mình hoặc nhận đề bài từ khách hàng và lên kế hoạch thực hiện từ A đến Z: từ tài chính, nhân sự cho đến hậu cần, truyền thông.

“Sinh viên có nhiều hoạt động hướng nghiệp, thực hành như thăm quan, học tập và trải nghiệm tại các doanh nghiệp, đơn vị, tọa đàm, trao đổi với các diễn giả là chuyên viên truyền thông, nhà tư vấn truyền thông; thực hiện dự án truyền thông thực tiễn, kết hợp với các doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch truyền thông thực chiến; tăng cường kết nối với các nhà tuyển dụng.

Cùng với đó là Câu lạc bộ Truyền thông Doanh nghiệp dành cho sinh viên chuyên ngành, tổ chức các workshop đào tạo nội bộ, cùng nhau thực hiện các dự án và kế hoạch truyền thông trong và ngoài trường, tham gia thi các cuộc thi về truyền thông và khởi nghiệp” - cô Nhi chia sẻ.

z5642229939104_e7965583daaa1b99be942cd33ff0595b.jpg
Một buổi workshop tại Câu lạc bộ Truyền thông Doanh nghiệp tại Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Theo Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, với chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng quốc tế hóa, luôn cập nhật và đổi mới, người học Truyền thông doanh nghiệp sẽ được đào tạo các kiến thức tổng quan về hoạt động chia sẻ những thông tin liên lạc trong nội bộ và các bên liên quan như khách hàng, báo chí, nhà cung cấp hay Chính phủ, luật sư... Hoạt động này sẽ hướng tới mục đích tạo ra một hình ảnh chỉn chu và thống nhất của doanh nghiệp trên tất cả các kênh.

Để làm được điều đó, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng xây dựng chiến lược truyền thông doanh nghiệp theo nhiều cách thức khác nhau, thường bao gồm bằng văn bản (trang web, thông cáo báo chí,…), bằng lời nói (phỏng vấn, video, họp báo) và trực quan (ảnh, đồ họa thông tin, minh họa).

Theo đó, các bạn sẽ được tiếp cận với các môn học chuyên sâu về Nghiên cứu thị trường, Quan hệ công chúng nội bộ và cộng đồng, Tổ chức quản lý sân khấu, Marketing truyền thông... Ngoài ra, sinh viên cũng được trang bị đầy đủ những kiến thức về cơ sở ngành từ căn bản đến nâng cao như dẫn chương trình, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, tổ chức sự kiện, phương pháp biên tập, xử lý khủng hoảng truyền thông...

truyenthong-DN-1.jpg
Sinh viên chuyên ngành Truyền thông Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh được trang bị những kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực truyền thông qua các học phần thực tế (Ảnh: Website trường)

Nguyễn Thanh Thủy - sinh viên ngành Truyền thông doanh nghiệp, Trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Có rất nhiều môn học hữu ích và thú vị với em trong chương trình đào tạo như Truyền thông liên văn hóa, Nguyên lý Marketing... nhưng ấn tượng nhất với em đó là môn Kỹ năng truyền thông bằng lời nói.

Cuối môn học, mỗi sinh viên sẽ cần chọn một đề tài và thuyết trình về đề tài đó một cách chuyên nghiệp, áp dụng những kỹ thuật đã được học từ những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực mà bọn em đã được xem trong suốt quá trình.

Em đã rất thích thú với môn học khi được hiểu về các cách dẫn dắt, trình bày vấn đề, mở rộng hay phản biện một cách có chiều sâu dưới góc nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau. Đây cũng là môn em cảm thấy mình được tỏa sáng với đúng thế mạnh của mình”.

“Học đi đôi với làm” là chìa khóa để có công việc tốt

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hường - cựu sinh viên ngành Truyền thông doanh nghiệp, Trường Đại học Hà Nội cho biết em hiện đang làm chuyên viên truyền thông của Công ty cổ phần Deborah.

Sau hai năm ra trường, Hường cho biết kiến thức ở trường tạo cho em được một nền tảng tốt về truyền thông và giúp em nhiều trong việc hiểu về căn bản, gốc rễ của một vấn đề hay công việc.

“Em và các bạn có cơ hội được thực hành rất nhiều ở các môn học như lập một kế hoạch truyền thông cho một doanh nghiệp thực tế, tự lên ý tưởng và tổ chức một sự kiện công chúng hay cùng nhau sản xuất những video mang tính quảng cáo, lan tỏa thương hiệu...

Khi đã đi làm rồi, nhìn lại em đánh giá rất cao về những kiến thức và kĩ năng được học ở trường vì đặc thù của ngành truyền thông là học phải đi đôi với làm thì mới vỡ ra được. Vì vậy em rất biết ơn vì đã được trải nghiệm phần nào trước khi chính thức bước vào thị trường lao động” - Hường chia sẻ.

IMG_0799.jpg
Nguyễn Thị Thu Hường hiện đang làm chuyên viên truyền thông cho doanh nghiệp (Ảnh: NVCC)

Dù vậy, cũng như các ngành nghề khối xã hội khác đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm, việc đi làm ngành truyền thông rất khác đi học. Ngoài các kiến thức học trên trường, các bạn sinh viên nên tích cực tham gia thực tập, dự án thực tế bên ngoài để có thêm kinh nghiệm thực chiến. Ngoài chuyên môn, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sáng tạo ý tưởng, phân tích dữ liệu cũng rất quan trọng trong ngành marketing, truyền thông.

Hường bày tỏ: “Các bạn nên tích cực rèn luyện và thể hiện các kỹ năng này, sai thì sửa vì ngành này cần nhiều kinh nghiệm để trở nên chuyên nghiệp. Đặc biệt, các bạn nên chủ động theo dõi và ứng tuyển các vị trí công việc marketing, truyền thông phù hợp, không chỉ chờ đợi thông báo tuyển dụng đến với mình. Mạng lưới quan hệ cũng là một cách hiệu quả để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt”.

Nguyễn Thanh Thủy tâm sự về kỳ thực tập tốt nghiệp vừa qua: “Em may mắn đã có cơ hội được thực tập trực tiếp cùng chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành trong 6 tháng tại ELITE PR School - cơ sở chuyên đào tạo sâu về lĩnh vực truyền thông, PR cho các doanh nghiệp, tập đoàn.

Công việc hàng ngày giúp em mở mang tầm hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, luật pháp hay thị trường quốc tế. Nhờ lý thuyết về Thiết lập chương trình nghị sự em được học, em đã có thể giải thích và nhìn nhận một tin tức dưới nhiều góc nhìn thú vị hơn. Em cũng được yêu cầu tạo ra một số sản phẩm truyền thông bằng các công cụ AI tự động, đòi hỏi em phải tự học cách viết prompt (chuỗi từ hoặc câu hỏi gửi đến hệ thống AI) sao cho đạt kết quả đẹp mắt nhất”.

Sau kỳ thực tập tại ELITE PR School, Thủy tiếp tục làm thực tập sinh Tiếp thị truyền thông tại khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake, đến nay đã được hai tháng. Thủy đã học được rất nhiều về cách khách sạn vận hành, về môi trường làm việc giữa các mô hình kinh doanh, về quản lý đội ngũ và cả tổ chức sự kiện trong khách sạn sẽ khác biệt ra sao... Nhờ thực tập tại đây, Thủy cảm thấy mình có định hướng hơn về tương lai.

Thu Hường đánh giá, ngành Truyền thông nói chung và Truyền thông Doanh nghiệp nói riêng đang có nhu cầu lớn về nhân lực trên thị trường lao động. Các doanh nghiệp quy mô từ nhỏ đến lớn đều cần những người có kỹ năng truyền thông, quản lý thông tin và xây dựng chiến lược truyền thông cho doanh nghiệp, thậm chí là cả xử lý khủng hoảng truyền thông. Nhu cầu này đang tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh số hóa ngày càng phổ biến.

Là những người được đào tạo bài bản trong môi trường học chuyên nghiệp, kết hợp với nhu cầu của thị trường, Hường cho rằng cơ hội cho các bạn sinh viên ngành Truyền thông doanh nghiệp trong việc làm đúng nghề là khá cao, miễn là bạn nghiêm túc theo đuổi cũng như nhạy bén với các cơ hội đến với mình.

Trần Trang