Học Truyền thông đa phương tiện, SV cần chuẩn bị những kỹ năng, năng lực gì?

11/09/2023 06:27
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo học ngành truyền thông đa phương tiện, SV tự trau dồi, hoàn thiện phẩm chất của nhà truyền thông trung thực, sáng tạo, học hỏi xu hướng truyền thông mới.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, lĩnh vực truyền thông đang trở thành xu hướng nghề nghiệp được yêu thích hiện nay.

Song, khác với truyền thông truyền thống trước đây, truyền thông trong thời đại số là truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện, để đáp ứng nhu cầu nhân lực với yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực này.

Cần thành thục các yêu cầu nghiệp vụ, chuẩn bị năng lực của công dân toàn cầu

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Truyền thông đa phương tiện đang là ngành rất “hot” trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

Điểm đặc thù cơ bản nhất của truyền thông đa phương tiện là truyền thông trên nền tảng số, với cốt lõi là công nghệ và cách thức truyền thông cho công chúng quen sử dụng công nghệ.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Truyền thông đa phương tiện thuộc khối ngành nghiệp vụ, chương trình học chú trọng về sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện như báo chí đa nền tảng, quản trị website, truyền thông xã hội, sản xuất video, audio, MV, phim ngắn, hoạt hình, quảng cáo…; tổ chức thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, các dự án phát triển truyền thông đa phương tiện.

Đây là ngành đào tạo dựa trên hai nền tảng chính là truyền thông và công nghệ thông tin, nên đề cao sự sáng tạo và mang tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực truyền thông khác nhau.

Với mục tiêu đào tạo những nhà truyền thông tương lai năng động, đa kỹ năng, thích ứng nhanh với xu thế phát triển công nghệ hiện đại, sinh viên của ngành được thực hành các kiến thức, kỹ năng thực tiễn thông qua bài tập thực tế, bài tập nhóm, dự án, thực tế chính trị - xã hội năm hai, thực tập nghiệp vụ năm ba, thực tập tốt nghiệp năm tư... với nhiều cơ hội tham quan, trải nghiệm tại các cơ quan báo chí đa nền tảng, công ty truyền thông, đơn vị truyền thông trên cả nước.

Chia sẻ về ngành học này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hà Nội cho hay, xã hội càng phát triển thì vai trò của truyền thông ngày càng quan trọng.

Việc truyền thông hiệu quả sẽ đóng vai trò quyết định tới hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC

Ngành Truyền thông đa phương tiện có sự giao thoa kiến thức của nhiều lĩnh vực như Công nghệ thông tin, Mỹ thuật, Truyền thông, Marketing … nhưng yêu cầu quan trọng nhất đối với người học ngành này là cần có sự đam mê và liên tục sáng tạo. Với những người đam mê thử thách và không thích rập khuôn, nhàm chán, ngành học truyền thông đa phương tiện sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Để học tập và làm việc có hiệu quả trong ngành Truyền thông đa phương tiện, bên cạnh năng lực chuyên môn, người học cần được trang bị những chuẩn năng lực của công dân toàn cầu. Đó là khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng học tập và làm việc trong môi trường quốc tế như thái độ làm việc chuyên nghiệp, giao tiếp, đàm phán, tư duy sáng tạo và phản biện, tranh biện, quản lý bản thân …

Nói về yêu cầu với người học với ngành nghề này, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh về kiến thức và kỹ năng, sinh viên phải thành thục các yêu cầu nghiệp vụ như viết, chụp ảnh, quay, dựng, thiết kế..., và đặc biệt là cách thức tổ chức truyền thông hiệu quả trên các nền tảng số. Sinh viên cũng cần giỏi công nghệ và ngoại ngữ cũng như các kỹ năng mềm khác.

Về sự tự chủ và trách nhiệm, sinh viên cần tự trau dồi, hoàn thiện phẩm chất của nhà truyền thông trung thực, sáng tạo, luôn cầu thị và học hỏi những xu hướng truyền thông mới, tích cực rèn luyện kinh nghiệm thực tế qua các hoạt động tự học, tham gia câu lạc bộ nghiệp vụ, ngoại khóa, sớm chủ động cộng tác với các đơn vị báo chí – truyền thông.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Trường Đại học Hà Nội đã xây dựng được một chương trình đào tạo tiên tiến cho ngành Truyền thông đa phương tiện.

Chương trình đào tạo được tham khảo có chọn lọc từ các chương trình đào tạo quốc tế của Mỹ và Úc, đáp ứng xu thế hiện đại và nhu cầu nhân lực mới trong ngành truyền thông trong nước và nước ngoài.

Chương trình đào tạo cung cấp kiến thức nền tảng của ba ngành: Công nghệ thông tin, Truyền thông, Marketing; kiến thức chuyên sâu về truyền thông, quảng cáo, marketing, kinh doanh điện tử, thiết kế nội dung số, lập trình phát triển sản phẩm đa phương tiện …

Ngoài ra, người học còn được rèn luyện kỹ năng chuyên môn và năng lực thực hành nghề nghiệp trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, marketing và phát triển nội dung số như: xây dựng chiến lược truyền thông, quảng cáo; thiết kế và phát triển các sản phẩm truyền thông, quảng cáo đa phương tiện (website, games, ứng dụng di động …); tổ chức sự kiện; xây dựng và phát triển thương hiệu.

Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện cần có khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng học tập và làm việc trong môi trường quốc tế. Ảnh: Trường Đại học Hà Nội

Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện cần có khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng học tập và làm việc trong môi trường quốc tế. Ảnh: Trường Đại học Hà Nội

Nội dung thực hành đa dạng, số giờ thực hành chiếm trên 60% nội dung toàn khóa. Các môn tự chọn phong phú hướng tới rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Có sự cam kết tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng nội dung học phần, tổ chức giảng dạy, tổ chức thực tập, và đảm bảo đầu ra sau khi tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nhằm rèn luyện cho sinh viên kỹ năng sử dụng tiếng Anh tốt (đạt năng lực tiếng Anh bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam), có khả năng học tập và làm việc trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh.

“Năm 2022, Nhà trường đã đầu tư xây dựng phòng Sản xuất học liệu và Thực hành truyền thông được thiết kế, trang bị theo mô hình hiện đại, đảm bảo đầy đủ các chức năng như: phòng quay hiện đại với 3 máy quay và 2 camera di động; phòng biên tập; 6 hệ thống máy cấu hình cao cho sinh viên thực tập dựng phim; hệ thống truyền hình livestream di động.

Đây sẽ là địa điểm tổ chức giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo giúp sinh viên thực tập, thao tác để phát triển các kỹ năng, nghiệp vụ của ngành.

Nhà trường đã phát triển đội ngũ giảng dạy gồm các giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, cùng các chuyên gia về Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Marketing là giảng viên tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín của Việt Nam, Anh, Úc, Hoa kỳ hoặc chuyên gia thỉnh giảng là người có kinh nghiệm làm việc lĩnh vực truyền thông. Nhờ vậy, người học sẽ được học qua trải nghiệm gắn với dự án thực tế tại các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và thế giới dưới sự hướng dẫn của đội ngũ chuyên gia trong ngành”, thầy Thắng thông tin.

Còn tại Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang cho hay, trong những năm tới, nhà trường tiếp tục rà soát, đổi mới chương trình, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo để đáp ứng tốt nhất nhu cầu xã hội và nhà tuyển dụng. Nhà trường cũng mở rộng thêm mạng lưới hợp tác, liên kết đào tạo với các đơn vị báo chí – truyền thông đa phương tiện để tạo ra môi trường nghề nghiệp năng động cho sinh viên.

“Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo tại Việt Nam cũng đang đào tạo ngành này. Nhu cầu xã hội cao đồng nghĩa với yêu cầu về chất lượng đào tạo càng lớn. Bởi vậy, nhà trường vừa phải đảm bảo những yếu tố cốt lõi của ngành, đồng thời chú trọng đặc thù, phát huy thế mạnh, tạo ra bản sắc riêng của trường”, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ.

Nói về cơ hội nghề nghiệp với ngành học này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn cầu hóa sâu rộng đã mở ra những cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho ngành Truyền thông đa phương tiện. Ngành này đang có tốc độ tăng trưởng cao và tạo ra nhiều việc làm với thu nhập tốt. Các cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế.

Người học tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường lao động đối với nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ và kiến thức liên ngành.

Do đó người học sẽ có nhiều cơ hội việc làm, học tập nâng cao trình độ và phát triển bản thân. Sau khi tốt nghiệp người học có thể làm việc tại các vị trí như: Các vị trí việc làm thuộc nhóm truyền thông và quảng cáo (truyền thông, marketing, tổ chức sự kiện, quảng bá sản phẩm, quản trị thương hiệu); Các vị trí việc làm thuộc nhóm sáng tạo sản phẩm và dịch vụ đa phương tiện (sáng tạo nội dung số và ấn phẩm truyền thông, biên tập video, thiết kế đồ họa, thiết kế web, phát triển games); Tư vấn kỹ thuật, quản trị dự án, chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp truyền thông và sáng tạo nội dung số; Giảng viên, nghiên cứu viên trong lĩnh vực Truyền thông đa phương tiện tại các viện, trung tâm và cơ sở đào tạo.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ thêm, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện có nhiều lựa chọn ở các lĩnh vực báo chí – truyền thông với vị trí việc làm khác nhau như viết kịch bản truyền thông, quay dựng phim, thiết kế, sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển sản phẩm, dự án truyền thông, quảng cáo, kinh doanh, phát hành, quản lý hình ảnh và thương hiệu, đào tạo và tư vấn truyền thông đa phương tiện…

Quan trọng nhất vẫn là bản thân sinh viên phải biết nắm bắt thời cơ và thích ứng tốt với công việc, với môi trường làm việc sau khi ra trường.

Ngành truyền thông đa phương tiện được Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở từ năm 2018. Như vậy, Học viện đã tuyển sinh được 6 năm. Từ 2019 đến nay, ngành đều có điểm chuẩn tuyển sinh cao nhất tại trường.

Trường Đại học Hà Nội tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện từ năm 2019, nhà trường sử dụng tổ hợp D01: Toán + Văn + Tiếng Anh để xét tuyển (điểm tiếng Anh tính hệ số một).

Năm đầu tiên tuyển sinh, trường lấy 50 chỉ tiêu, điểm chuẩn là 22,8 điểm. Từ năm 2020 đến năm 2022, trường đều tuyển sinh 75 chỉ tiêu và điểm chuẩn lần lượt qua các năm là 25,4; 26,75 và 26 điểm.

Những năm qua ngành Truyền thông đa phương tiện của trường luôn được người học quan tâm đăng ký dự tuyển. Nhờ vậy, nhà trường đã lựa chọn được những sinh viên đầu vào chất lượng để theo học ngành này.

Linh Trang