TS.Vũ Ngọc Hoàng nêu 10 việc cần làm ngay nếu xây dựng Nghị quyết riêng về GDĐH

13/09/2024 06:18
Linh An (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, trước tiên cần lập quy hoạch tổng thể chung về nhân lực và xây dựng quy hoạch giáo dục đại học cho nửa đầu thế kỉ 21.

Tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học, là chuyện đương nhiên phải có của giáo dục đại học quốc tế nhưng lại đang là vấn đề thách thức ở Việt Nam với nhiều vướng mắc, do đó các chuyên gia, trường đại học đều cho rằng cần phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ để có thể thực hiện tự chủ có chiều sâu, không vướng mắc.

Trước thực tế đó, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lắng nghe quan điểm của ông về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ông nhìn nhận như thế nào về giáo dục đại học từ khi có Nghị quyết 29-NQ/TW?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo ban hành được hơn 10 năm. Đó là một Nghị quyết rất quan trọng, có nhiều nội dung tốt về đổi mới, rất cần thiết, tiến bộ và đúng hướng.

Trong Kết luận số 91-KL/TW mới đây của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã nêu những kết quả mà giáo dục đại học đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 nên tôi không liệt kê lại những thành tựu nữa.

IMG_0632.JPG
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Mộc Trà)

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, tôi thấy:

Nâng cao chất lượng giáo dục là yêu cầu lớn nhất và xuyên suốt nằm trong tinh thần Nghị quyết 29, nhưng đến nay nhìn lại thì vẫn chưa thấy rõ ta đã nâng lên như thế nào? Thậm chí còn rất nhiều việc, nhiều vấn đề trái với tinh thần ấy (như hạ chuẩn để tăng số lượng nhằm tăng nguồn thu, bệnh thành tích, gian lận tiêu cực trong quản lý, đạo đức học đường và của một số cán bộ trong ngành, một số giáo viên xuống cấp …).

Chất lượng là một trong các đặc tính đầu tiên của giáo dục. Giáo dục là nhằm nâng chất lượng người. Giáo dục là vì chất lượng của một cộng đồng, của dân tộc. Ngay cả giáo dục đại trà cũng là vì muốn nâng chất lượng của cộng đồng. Nhiều vấn đề về số lượng cũng là để nói về chất lượng (ví dụ tỷ lệ người đi học, đã qua đào tạo…chẳng hạn).

Vấn đề số lượng trong giáo dục cũng là vì chất lượng của cộng đồng, phải gắn với chất lượng. Không có chất lượng thì giáo dục không còn là giáo dục và thậm chí không còn có ích. Đổi mới giáo dục có mục đích trước tiên và xuyên suốt là nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục. Từ khi có Nghị quyết ta đã làm những gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng? Cần nhìn lại cho rõ và tìm giải pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu nâng chất lượng của cả nền giáo dục nước nhà.

Đầu tư nhà nước cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học, rất hạn hẹp. Giữa xã hội hóa, tư nhân hóa và thương mại hóa giáo dục có mặt chưa được phân biệt rõ ràng. Trong đó, xã hội hóa và tư nhân hóa khác hẳn nhau, mặc dù chúng đều có tác dụng hạn chế việc nhà nước hóa. Xã hội hóa dẫn đến hình thành sở hữu xã hội, còn tư nhân hóa thì hình thành sở hữu tư nhân. Sở hữu tư nhân cũng là tốt, cũng khuyến khích, nhất là trong điều kiện nguồn vốn của nhà nước và nguồn vốn chung của cộng đồng còn hạn chế.

Nhưng mặt khác cần phải thấy rằng, hoạt động giáo dục mang tính xã hội rất cao nên nó rất phù hợp với sở hữu xã hội. Chúng ta đã từng có một loạt trường dân lập trong khu vực giáo dục đại học, nơi ấy đã hình thành sở hữu xã hội (của tập thể cộng đồng trường), bỗng nhiên lại đem chia ra cho tư nhân để thành trường tư thục có phân chia lợi nhuận, từ đó đã chuyển hoạt động giáo dục từ chỗ phần lớn là không vì lợi nhuận (quỹ tích lũy không chia nhiều nơi đã chiếm trên 70% - đến 90% rồi) thành hoạt động kiếm lãi và phân chia lợi nhuận cho cá nhân, thậm chí phần quỹ không chia rất lớn cũng không còn đại diện quản lý mà đều giao cho tư nhân quản lý sử dụng. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị phải giải quyết tình trạng này nhưng hiện vẫn chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết. Không rõ có vướng mắc vấn đề gì mà khó giải quyết vậy?

Phần lớn nhân lực chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (75%) hoặc được đào tạo dưới chuẩn (về chuyên môn).

Cơ cấu nhân lực bất hợp lý (loại hình, trình độ) làm cho năng suất lao động trung bình của lao động Việt Nam thua kém nhiều lần so với thế giới và khu vực.

Quy hoạch hoạt động đào tạo chưa bám sát chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương;

Hầu như không có sự phân luồng người học và sự phân tầng cơ sở giáo dục. Hệ thống giáo dục quốc dân bị cắt khúc, phân mảnh, không còn tính hệ thống. Cơ chế liên thông không rõ ràng, kém khả thi.

Cơ chế quản lý chồng chéo, nhiều đầu mối, kém hiệu quả.

Loại trường không vì mục đích lợi nhuận đang phát triển ở nhiều nước phát triển, qua quá trình tích lũy và hiến tặng không hình thành sở hữu tư nhân, cũng không phải sở hữu nhà nước, nó là của cộng đồng trường, sẽ là trường dân lập (chứ không phải tư thục như cách đang hiểu ở Việt Nam), đã có chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hơn 10 năm rồi và cũng đã có trong luật, nhưng mãi tới nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Loại hình trường không vì lợi nhuận là giải pháp rất chiến lược để ngăn chặn và hạn chế tình trạng thương mại hóa rất nguy hiểm trong giáo dục, nó cũng góp phần rất quan trọng để bảo đảm an toàn chung cho giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường (giống như bảo hiểm y tế trong bảo vệ sức khỏe của nhân dân vậy)…nhưng rất tiếc vẫn chưa thực hiện.

Phóng viên: Từ thực tiễn triển khai, lãnh đạo một số trường đại học kiến nghị cần có một nghị quyết riêng về giáo dục đại học sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi ủng hộ điều này. Tốt quá. Cần có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện để giáo dục đại học thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Giáo dục đại học từ khi ra đời cho đến nay đã góp phần quan trọng bậc nhất trong việc định hình nền văn minh thế giới và nó có ý nghĩa quyết định trong việc đạt được hay không một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao.

Để có một nghị quyết tốt về giáo dục đại học, cần nghiên cứu để tham mưu đề xuất đến cấp có thẩm quyền một số vấn đề về:

Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà nước tập trung chỉ đạo ở tầm vĩ mô và phân cấp hợp lý cho các địa phương, bộ, ngành.

Quy hoạch đào tạo nhân lực gắn với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế của cả nước và từng vùng miền. Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đủ tầm và khả thi để 20 -25 năm tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu tối thiểu của một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước và toàn hệ thống giáo dục, kiên quyết xóa bỏ tư tưởng cục bộ, tình trạng cát cứ theo từng lĩnh vực, đặc biệt ở khu vực giáo dục công.

Các chương trình giáo dục cần tập trung vào việc xây dựng nhân cách, phát triển năng lực người học. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, bảo đảm cơ chế liên thông (giữa các ngành học, bậc học).

Thực hiện bằng được việc phân luồng học sinh sau trung học. Nhà nước có chính sách khuyến khích phân luồng.

Chuẩn hóa các trình độ đào tạo: trung học nghề, cao đẳng, đại học (cử nhân và kỹ sư), thạc sỹ, tiến sỹ.

Xây dựng thói quen học suốt đời, thực học và thực nghiệp, gắn kết giữa đào tạo lấy văn bằng (đào tạo ban đầu) với thường xuyên bồi dưỡng nâng cao.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị-quản lý giáo dục đại học. Có lộ trình xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản (trừ các trường khối Quân đội, Công an). Trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục đại học gắn với trách nhiệm giải trình. Tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường.

Đẩy mạnh xã hội hóa và ngăn chặn thương mại hóa giáo dục. Ngân sách nhà nước tập trung cho các bậc học thấp và các mục tiêu trọng điểm. Đặc biệt khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận. Thực hiện trích lập quỹ tích lũy không chia tại các trường tư thục để xây dựng cái cốt vật chất bảo đảm điều kiện tồn tại lâu dài và hạn chế xu hướng thương mại hóa.

Phóng viên: Phải chăng khi xây dựng Nghị quyết này cần lấy tâm điểm là tự chủ đại học để rà soát xem cái gì là chồng chéo, cản trở thì sửa một lượt để tạo điều kiện cho sự phát triển đại học, đúng không thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Cũng không phải thế mặc dù tự chủ đại học là một trọng tâm lớn. Không có tự chủ thì không thể trưởng thành vì còn " trẻ con phải thường xuyên dìu dắt, kèm cặp". Vấn đề ở đây là đại học phải được quan tâm nhiều, phát triển có chất lượng tốt, số lượng nhiều hơn đáng kể so với hiện nay, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm nâng tầm công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đáp ứng cho được sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa ở giai đoạn mới nhằm mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao.

Phóng viên: Từ góc nhìn cá nhân, theo ông, nếu xây dựng Nghị quyết này thì một trong những việc cần thực hiện ngay là gì?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, có mấy việc cần cấp thiết triển khai gồm:

Thứ nhất, lập quy hoạch tổng thể chung về nhân lực và xây dựng quy hoạch giáo dục đại học cho nửa đầu thế kỉ 21.

Thứ hai, điều chỉnh lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước cấp bộ, bám vào các tiêu chí: Công bằng, Chất lượng, Hiệu quả, Thống nhất và Quốc tế hóa. Chuyển cao đẳng chuyên nghiệp về lại giáo dục đại học (cấp độ 5 ISCED-2011) để đào tạo kỹ thuật viên cao cấp cùng với các trường đại học ứng dụng. Sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp thành Giáo dục nghề theo 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao cấp nghề, có hệ thống bậc thợ.

Thứ ba, thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo hai hướng: Trung học phổ thông và Trung học định hướng nghề nghiệp/Trung học nghề (bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn xong trung học phổ thông vừa có nghề thành thạo để gia nhập thị trường lao động và đều được liên thông lên đại học).

Thứ tư, các trường trung cấp chuyên nghiệp phát triển theo 2 hướng: Trung học thực hành (kỹ thuật hoặc sản xuất) hoặc trung học nghề.

Thứ năm, quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường đại học theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường đại học trọng điểm; hướng nghề nghiệp ứng dụng chủ yếu dành cho các trường địa phương và trường của các Bộ ngành.

Thứ sáu, phát triển một số trường đại học không vì lợi nhuận. Củng cố phát triển, nâng cao năng lực cho một số đại học mở, chủ yếu triển khai phương thức đào tạo từ xa.

Thứ bảy, từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu. Xây dựng một số học viện công nghệ dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn.

Thứ tám, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng (hoặc đại học) cộng đồng. Hướng tới hình thành “hội đồng giáo dục-đào tạo” và “cụm trường liên kết” theo địa phương.

Thứ chín, thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW, cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Thứ mười, ban hành hệ thống chuẩn quốc gia về giáo dục. Khẩn trương xây dựng, củng cố mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Linh An (thực hiện)