Từ thực hiện 3 công khai của trường đại học lộ ra nhiều vấn đề tồn tại nổi cộm

25/12/2023 06:36
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông qua việc tìm hiểu 3 công khai của các cơ sở giáo dục cho thấy, xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm.

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã được triển khai nhiều năm.

Trong Thông tư này, quy định cụ thể các nội dung cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện công khai như công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính...

Việc thực hiện công khai nhằm mục đích để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

3 công khai nhưng công khai "mập mờ", mỗi nơi một kiểu

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, kết quả cho thấy bên cạnh một số cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc báo cáo 3 công khai, hiện vẫn còn rất nhiều đơn vị thực hiện quy định công khai chưa đầy đủ và minh bạch, với những tình trạng chung như: thông tin tại báo cáo 3 công khai không đầy đủ, không chính xác, hay thậm chí không thực hiện 3 công khai, hoặc dữ liệu không truy cập được,...

Một số trường chưa cập nhật báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, hoặc dữ liệu báo cáo 3 công khai không đầy đủ, dữ liệu 3 công khai không truy cập được như Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Trường Đại học Y Hà Nội,...

Thông tin về báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh không truy cập được. Ảnh chụp màn hình được Tạp chí sử dụng trong bài viết đăng tải ngày 4/12/2023

Thông tin về báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh không truy cập được. Ảnh chụp màn hình được Tạp chí sử dụng trong bài viết đăng tải ngày 4/12/2023

Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Y Hà Nội chỉ có 2 đầu mục được đăng tải. Ảnh chụp màn hình được Tạp chí sử dụng trong bài viết đăng tải ngày 3/11/2023.

Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Y Hà Nội chỉ có 2 đầu mục được đăng tải. Ảnh chụp màn hình được Tạp chí sử dụng trong bài viết đăng tải ngày 3/11/2023.

Thông qua việc tìm hiểu 3 công khai của các cơ sở giáo dục, Tạp chí nhận thấy còn nhiều vấn đề tồn tại nổi cộm trong thực hiện các quy định pháp luật liên quan.

Đơn cử như có trường liên tiếp 2-3 năm tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với đề án đã công khai, không đảm bảo về yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định mở các ngành đào tạo (các trình độ gồm đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), cơ sở vật chất không đảm bảo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn còn chưa phát huy hết nguồn lực của cơ sở,...

Điển hình như Trường Đại học Nguyễn Trãi, trong những năm gần đây có nhiều ngành lượng sinh viên nhập học vượt chỉ tiêu.

Cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu của trường là 450 thí sinh nhưng có tới 543 thí sinh trúng tuyển nhập học.

Trong đó, ngành có sự chênh lệch lớn nhất là ngành Nhân văn, chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật với chỉ tiêu tuyển sinh là 50 người nhưng có số sinh viên trúng tuyển nhập học là 164 người (vượt 114 sinh viên).

Năm 2022, Trường Đại học Nguyễn Trãi tiếp tục tuyển vượt chỉ tiêu ở chuyên ngành này. Trong khi chỉ tiêu của trường là 70 sinh viên nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 261 sinh viên, vượt 191 sinh viên. [1]

Sau khi bài viết đăng tải, nhà trường phản hồi lại về vấn đề tuyển vượt chỉ tiêu nêu, ngành có sự chênh lệch lớn nhất là ngành Quốc tế học (chứ không phải ngành ngôn ngữ Nhật) với chỉ tiêu tuyển sinh là 50 người nhưng có số sinh viên trúng tuyển nhập học là 95 người (vượt 45 sinh viên). [2]

Trong phần phản hồi về bài viết được Tạp chí đăng tải liên quan đến nội dung báo cáo 3 công khai, lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Trãi lý giải một số thông tin trong đề án tuyển sinh trên website trường chưa được cập nhật so với bản cứng gửi tới cơ quan quản lý. [2]

Năm 2021, nhiều ngành của Trường Đại học Nguyễn Trãi tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2023 sử dụng trong bài viết đã được Tạp chí đăng tải ngày 19/09/2023.Năm 2021, nhiều ngành của Trường Đại học Nguyễn Trãi tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2023 sử dụng trong bài viết đã được Tạp chí đăng tải ngày 19/09/2023.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên và Tạp chí đã có bài viết về Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội liên tiếp nhiều năm có số sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu. Nhiều ngành học qua các đề án tuyển sinh cho thấy số sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu công bố (xem thêm chi tiết ở bài viết: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: Nhiều năm, số thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu".

Cùng với đó, nhiều cơ sở giáo dục ghi nhận tình trạng “trắng” giáo sư, phó giáo sư ở một số ngành học như Trường Đại học Giao thông vận tải, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội,...

Không công khai đầy đủ dễ tạo kẽ hở cho vi phạm nảy sinh

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc thực hiện 3 công khai mỗi nơi một kiểu hoặc công khai chưa đầy đủ của nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay xuất phát từ việc đối tượng sử dụng thông tin 3 công khai chưa thật sự quan tâm, chú trọng tới các thông tin này. Đây là nhận định của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: giaoduc.net.vn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh phân tích, các đối tượng đích hướng đến của 3 công khai bao gồm: cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình, xã hội. Thông tin 3 công khai được kỳ vọng là nguồn dữ liệu đáng tin cậy để các đối tượng này tham khảo, từ đó có cơ sở để tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, thực tế, không có nhiều sinh viên quan tâm và có thể hiểu rõ đầy đủ, tường minh các nội dung tại báo cáo 3 công khai của trường đại học. Tương tự, cũng không có nhiều cán bộ, giảng viên, người lao động,... quan tâm tới nội dung này của cơ sở giáo dục.

Mặt khác, về phía cơ quan quản lý nhà nước lại không đủ nguồn lực để kiểm tra, thanh tra đầy đủ, chi tiết và cụ thể việc thực hiện của các đơn vị.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh khẳng định, việc cơ sở giáo dục thực hiện công khai không đầy đủ, không cập nhật, hoặc thông tin dữ liệu sai,... là hành vi không liêm chính trong thực hiện 3 công khai.

“Không công khai nghĩa là có sự mập mờ về đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện kẽ hở cho vi phạm có thể len lỏi trong các cơ sở giáo dục”, chuyên gia bày tỏ.

Đề xuất giải pháp để việc thực hiện 3 công khai trở thành văn hóa của trường đại học, là công việc thường xuyên, tự giác của mỗi cơ sở giáo dục, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần tăng cường hơn nữa các quy định ràng buộc liên quan tới 3 công khai.

Theo đó, chuyên gia đề xuất đưa thông tin về thực hiện 3 công khai vào tiêu chí để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Các yếu tố cần được xem xét như cơ sở có thực hiện báo cáo 3 công khai hay không, hay tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của các thông tin công khai,...

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện báo cáo 3 công khai của các cơ sở cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát và có đánh giá hàng năm.

“Kết quả đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện báo cáo 3 công khai sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét giới hạn phạm vi quyền tự chủ của mỗi cơ sở giáo dục đại học”, chuyên gia nhấn mạnh.

Hiện nay, các vi hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công khai được quy định trong Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, xử phạt hành chính chỉ là một phần để kiểm soát việc thực hiện của các cơ sở giáo dục, điều quan trọng hơn là phải nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm thanh tra cơ sở của các đơn vị.

Đề xuất xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh dùng 2 từ “bát nháo” để mô tả thực tế thực hiện 3 công khai của nhiều trường đại học hiện nay. Theo thầy Dũng, nhiều trường thực hiện 3 công khai chỉ mang tính chất hình thức, công bố cho có lệ để thực hiện theo các quy định.

“Nhiều nội dung tại báo cáo 3 công khai cần được xem xét, đánh giá kỹ càng, đặc biệt thông tin về đội ngũ giảng viên - vì đây là căn cứ quan trọng quyết định đến chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục. Thực tế cho thấy, đã có nơi kê khống số lượng giảng viên, hoặc kí hợp đồng “ma” để tạo dữ liệu giảng viên giả,...”, thầy Dũng nêu dẫn chứng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NEU

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NEU

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng chia sẻ thêm, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phần mềm giám sát các dữ liệu giảng viên của trường đại học, tình trạng kê khống hay đi mượn giảng viên đã được quản lý chặt chẽ hơn, song, vẫn khó tránh được những kẽ hở.

Hay về thông tin tỷ lệ sinh viên có việc làm, theo thầy Dũng, đa phần các phiếu khảo sát việc làm gửi tới sinh viên tỷ lệ phản hồi không cao; trong khi đó, có một thực tế là ngay cả chạy grab, hay phục vụ bàn cũng được không ít trường ghi vào có việc làm.

“Chưa kể, bức tranh kinh tế Việt Nam từ sau đại dịch vẫn còn gặp không ít khó khăn, do đó tỷ lệ 90-100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm là con số cần được xác minh chặt chẽ hơn”, chuyên gia nêu quan điểm.

Thầy Dũng cho rằng, số liệu báo cáo 3 công khai do các phòng ban chuyên môn tổng hợp, song lãnh đạo là người kí duyệt, do đó cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học. Có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm với lãnh đạo đơn vị để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong thực hiện báo cáo 3 công khai.

Tại sao không dùng chính thông tin đã được đoàn kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá để công khai với xã hội?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia về kiểm định chất lượng giáo dục đại học chia sẻ, thông tin tại báo cáo 3 công khai không đảm bảo mức độ chi tiết theo yêu cầu của hoạt động kiểm định chất lượng. Do đó, báo cáo 3 công khai ít được dùng trong hoạt động đánh giá kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục (nhà trường phải thực hiện báo cáo tự đánh giá với các dữ liệu chi tiết, đầy đủ hơn so với thông tin mang tính chất tổng hợp tại báo cáo 3 công khai - PV).

“Mục đích của hoạt động kiểm định về cơ bản là xác nhận, đánh giá và đóng dấu các thông tin về đảm bảo chất lượng của nhà trường. Vậy tại sao không dùng chính thông tin sau khi đã được đoàn kiểm định chất lượng đánh giá để công khai với xã hội?”, chuyên gia đề xuất giải pháp. Theo vị chuyên gia, cách làm này vừa giúp trường đại học giảm bớt các công việc tổng hợp, báo cáo, vừa đảm bảo dữ liệu công khai với người học, xã hội là khách quan, đáng tin cậy.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/quy-mo-tuyen-sinh-tang-manh-truong-dh-nguyen-trai-ly-giai-nguyen-nhan-post238036.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/dh-nguyen-trai-tuyen-vuot-chi-tieu-do-ban-cong-khai-o-web-khac-voi-ban-gui-bo-post238086.gd

Minh Chi