Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, cho phép một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Điều này tạo điều kiện để nhà trường có cơ hội lựa chọn sử dụng bộ sách phù hợp với điều kiện giảng dạy và đặc điểm vùng miền, đồng thời khuyến khích sự đa dạng, sáng tạo trong dạy và học.

Trong đó, sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều sự ủng hộ từ giáo viên, học sinh khi mang lại những lợi thế vượt trội trong quá trình giảng dạy và học tập.

Sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều ưu điểm, phục vụ tốt công tác dạy và học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Văn Diện, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Trường Yên (Ninh Bình) nhận định: Sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành đã có nhiều cải tiến, thể hiện ưu điểm cả về nội dung, hình thức trình bày và sự phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về nội dung, so với sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác, sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được biên soạn đảm bảo tính khoa học, hiện đại và thiết thực, tập trung vào những kiến thức trọng tâm, dễ sử dụng trong thực tiễn giảng dạy.

Các bài học hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, đồng thời kết hợp chặt chẽ với hệ thống hoạt động thực hành, trải nghiệm, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo và hứng thú hơn trong quá trình học tập.

snapedit-1751357793558-2795.jpg
Thầy Trịnh Văn Diện, Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Trường Yên (Ninh Bình). Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, cấu trúc sách được thiết kế mạch lạc, nhất quán từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi lớp gồm 10 bài học với đầy đủ các thành phần: đọc, viết, nói và nghe. Sự phân hóa hợp lý về mức độ nhận thức tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc tổ chức hoạt động dạy học, đồng thời hỗ trợ phân loại và phát triển năng lực riêng của từng học sinh.

Sách cũng tạo cơ hội để các em thực hành nhiều hơn, khuyến khích tự học và phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Về hình thức, sách được trình bày thẩm mỹ, hấp dẫn và phù hợp với đặc thù môn Ngữ văn. Sách in màu với chất lượng giấy tốt, khổ lớn, cỡ chữ rõ ràng, dễ đọc, đóng gáy chắc chắn.

Hệ thống hình ảnh minh họa trong sách đa dạng, sinh động, kết hợp hài hòa với kênh chữ, tạo hiệu ứng trực quan, kích thích trí tưởng tượng và niềm đam mê khám phá của học sinh.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng trong sách như thảo luận nhóm, đóng vai, giải quyết tình huống có vấn đề, học theo dự án, trò chơi học tập, kích thích tư duy phản biện... Những phương pháp này tạo điều kiện cho học sinh chủ động, sáng tạo, phát triển năng lực toàn diện trong quá trình học tập môn Ngữ văn.

Không dừng lại ở đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ giáo viên, học sinh và phụ huynh để liên tục cải tiến cả nội dung lẫn hình thức của sách, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của dạy và học trong nhà trường.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Luyện - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 1 (Thanh Hóa) đánh giá cao chất lượng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam so với các nhà xuất bản khác.

Điểm nổi bật của sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành là tính ổn định và phổ quát cao - được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận, thuận tiện trong quá trình dạy và học.

Trong đó, bộ sách Ngữ văn trung học phổ thông "Kết nối tri thức với cuộc sống" gây ấn tượng mạnh nhờ nền tảng kiến thức vững chắc được xây dựng thông qua sự kết hợp hài hòa giữa nội dung bám sát chương trình, cấu trúc tổ chức logic và tính ứng dụng cao.

Cùng với đó, sách chú trọng kiến thức nền tảng, đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa lý thuyết và thực tiễn, bám sát định hướng phát triển toàn diện của chương trình giáo dục phổ thông mới.

z6738745900499-7af6237da56a4396f4ca64b7a52f0d7c.jpg
Thầy Nguyễn Văn Luyện - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 1 (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Cũng theo thầy Luyện, sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mang lại nhiều lợi thế vượt trội trong quá trình giảng dạy và học tập.

“Trước hết, sách có mức độ tương thích cao với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, bởi được biên soạn bởi chính các chuyên gia tham gia xây dựng chương trình. Điều này đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu giáo dục, nội dung kiến thức và phương pháp dạy học, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng triển khai và tiếp cận bài học một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, sách thể hiện rõ định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học thông qua hệ thống hoạt động học tập phong phú, mở và linh hoạt. Học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn được rèn luyện các kỹ năng như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm - những yêu cầu thiết yếu trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Đặc biệt, hệ thống học liệu đi kèm đầy đủ và đồng bộ, bao gồm sách giáo khoa, sách bài tập và học liệu điện tử, là một lợi thế lớn. Sự hỗ trợ toàn diện này giúp giáo viên triển khai các hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực một cách thuận lợi, đồng thời giảm bớt áp lực trong việc thiết kế bài giảng”.

Trong khi đó, cô Hồ Thị Châu - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết nhận được sự hỗ trợ tích cực và kịp thời từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong quá trình sử dụng sách giáo khoa.

Trước khi lựa chọn sử dụng sách, giáo viên được tập huấn đầy đủ về cách khai thác và sử dụng hiệu quả tài liệu, đồng thời được cung cấp đường link truy cập các tài liệu hướng dẫn chi tiết.

Mọi ý kiến phản hồi, góp ý trong quá trình giảng dạy đều được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp nhận và giải đáp nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên yên tâm triển khai chương trình.

hq720.jpg
Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 10 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: NXBGDVN

“Tại Hà Tĩnh, chúng tôi từng vinh dự đón thầy Phan Huy Dũng - Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn cấp trung học phổ thông về trực tiếp dự giờ tiết dạy minh họa, đồng thời có những chia sẻ, định hướng sâu sắc giúp giáo viên hiểu rõ hơn về cách triển khai sách một cách hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những hỗ trợ thiết thực từ nhà xuất bản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ giảm bớt những bỡ ngỡ ban đầu mà còn có được cái nhìn tổng thể về mục tiêu chương trình, từ đó linh hoạt vận dụng vào thực tiễn giảng dạy tại địa phương.

Cô Châu nói thêm, nhìn một cách tổng thể, sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành.

Một trong những điểm khác biệt nổi bật của sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành là cấu trúc bài học được thiết kế mang tính hệ thống, đồng bộ và có sự tích hợp cao giữa các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Riêng với môn Ngữ văn, tên bài học được lựa chọn có tính gợi mở, khơi dậy hứng thú học tập, đồng thời phản ánh đúng đặc trưng của bộ môn. Bên cạnh đó, độ dày của sách được cân đối hợp lý, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và khả năng tiếp nhận của học sinh ở từng lứa tuổi.

Nên đa dạng hóa hình thức thể hiện nội dung bằng cách tích hợp công nghệ hiện đại

Để sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn, gần gũi với học sinh và dễ dàng ứng dụng trong lớp học, thầy Nguyễn Văn Luyện đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Trước hết, cần tăng cường tính thực tiễn và yếu tố địa phương hóa trong nội dung bài học. Việc lồng ghép các dẫn chứng, tình huống và ngữ liệu gắn với đời sống hàng ngày của học sinh ở từng vùng miền sẽ giúp các em cảm nhận được sự gần gũi, quen thuộc, từ đó tạo hứng thú học tập và nâng cao hiệu quả tiếp thu.

Thứ hai, nên đa dạng hóa hình thức thể hiện nội dung bằng cách tích hợp công nghệ hiện đại, như sử dụng mã QR liên kết đến video, audio, hình ảnh động hoặc các hoạt động tương tác trực tuyến. Đây là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại, đặc biệt phù hợp với thế hệ học sinh ngày nay - những em đã quen thuộc và yêu thích môi trường học tập có ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, việc bổ sung các dạng bài tập phân hóa và gợi mở tư duy sáng tạo là cần thiết. Việc phân hóa này không chỉ giúp giáo viên dễ dàng tổ chức dạy học, phù hợp với từng đối tượng mà còn tạo điều kiện để phát huy tối đa tiềm năng cá nhân của mỗi em.

Cuối cùng, để sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện, cần có cơ chế đối thoại thường xuyên giữa nhóm biên soạn, giáo viên và học sinh. Giáo viên là người trực tiếp triển khai dạy học, học sinh là người trực tiếp trải nghiệm nội dung sách, vì vậy việc lắng nghe ý kiến từ thực tiễn sẽ giúp tác giả, nhà xuất bản điều chỉnh, bổ sung kịp thời những điểm chưa phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng và tính thiết thực của sách giáo khoa trong quá trình giảng dạy.

Trong khi đó, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh cho rằng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thể cải thiện thêm chất lượng trang bìa.

“Bên cạnh đó, một đề xuất quan trọng khác là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên tăng cường cung cấp các nguồn tài nguyên và học liệu bổ trợ một cách thường xuyên, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ đội ngũ giáo viên cốt cán trên khắp các vùng miền.

Việc xây dựng một kho học liệu sống động, gắn liền với kinh nghiệm sử dụng sách của giáo viên ở từng địa phương sẽ giúp các thầy cô có thêm tài liệu tham khảo, phương pháp giảng dạy sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả và tính ứng dụng của sách giáo khoa trong từng tiết học”, cô Châu chia sẻ.

473801354-937087618523303-6117799443974743719-n-1.jpg
Một tiết học của học sinh trường Trung học phổ thông Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh: website nhà trường.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Trịnh Văn Diện cho rằng sách giáo khoa cần chú trọng đa dạng hóa nội dung, tăng cường tính ứng dụng và đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn giảng dạy.

"Đồng thời, với các văn bản thông tin mang tính thời sự, sách cần được cập nhật kịp thời theo những thay đổi thực tế để đảm bảo tính chính xác và thời đại. Việc tích hợp công nghệ thông tin cũng là một xu hướng cần được đẩy mạnh.

Song song với đó, cần duy trì việc tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn định kỳ cho giáo viên, đặc biệt là về phương pháp sử dụng sách giáo khoa, đổi mới cách dạy và khai thác hiệu quả tài liệu học liệu đi kèm”, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Trường Yên bày tỏ.

Đình Nam