Tư duy giáo dục vì thành tích thì mọi nỗ lực cũng xoay quanh các kì thi mà thôi

07/03/2022 06:46
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hãy để cho sự học của con em phát triển tự nhiên, để quá trình nhận thức được “thẩm thấu”; những tố chất, năng lực thực sự của mỗi người được phát huy...

Học tập là khái niệm mang hàm nghĩa rộng. Dù là ai cũng cần học để sống (tồn tại) và để sống tốt hơn (phát triển). Học tập trong nhà trường được gọi là chính quy, nên nhiều khi người ta nhầm tưởng sự học chỉ có ở nhà trường.

Để vượt qua những suy nghĩ nhầm lẫn ấy, UNESCO đã đề xướng “học tập suốt đời” và được nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ. Tinh thần “học tập suốt đời” đã được Việt Nam tiếp nhận và triển khai xây dựng “xã hội học tập”, nhiều “trung tâm học tập cộng đồng” ra đời…

Thế nhưng thực tế không phải nơi nào các trung tâm học tập cộng đồng cũng hoạt động đúng với cái nghĩa học tập. “Học tập suốt đời”, “xã hội học tập” nhiều nơi cũng chỉ là thông điệp truyền thông, triển khai theo phong trào.

Giáo dục nói chung, việc học hành của con em nói riêng, ngày nay cơ bản nhà nào cũng quan tâm, chăm lo. Dù khó khăn về kinh tế, vất vả vì công việc, nhưng các bậc phụ huynh đều dành cho con em những điều kiện tốt nhất để học tập, với mong muốn “nên người” và “thành đạt”.

Thế nhưng, cũng chính vì sự quan tâm thái quá mà nhiều khi trở thành áp lực cho con em, ví như: phải học giỏi toàn diện, phải điểm cao, phải hơn bạn, phải đạt giải, phải đỗ trường top đỉnh,… Để đáp ứng kì vọng của phụ huynh nhiều con em ngoan hiền chỉ tập trung suốt ngày vào việc học và luyện thi từ trường đến các trung tâm. Các em có cá tính thì thường bị liệt vào nhóm “cá biệt”.

Một số thầy cô cũng thích ứng với “thị trường” bằng đủ cách. Và tôn chỉ của giáo dục đã lệch đường; việc học không còn niềm vui và sáng tạo. Nhiều người bị ám ảnh bởi việc học.

Đổi mới căn bản… cần thay đổi cả tư duy

Nhận diện những bất cấp của giáo dục Việt Nam đã được nhiều nhà giáo dục và lãnh đạo chỉ ra từ sớm và đã có những quyết tâm lớn. Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29 về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Ở đó đã nêu rõ những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp….

Học sinh về với những vùng quê, đến những khu rừng hoang sơ... để học tập

Học sinh về với những vùng quê, đến những khu rừng hoang sơ... để học tập

Năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nội hàm được thể hiện theo hướng chuyển từ “dạy học tiếp cận nội dung” sang “dạy học tiếp cận phát triển năng lực”; định hướng “tích hợp” ở cấp thấp và “phân hóa” dần ở cấp cao;… nhấn mạnh đến các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo …

Nhìn chung, bước đầu đã có những dấu hiệu khá tích cực. Nhiều thầy cô giáo, trường học, các tổ chức đã tiếp cận được nguyên lí và thiết kế môi trường, chương trình, hoạt động dạy-học theo đúng nghĩa giáo dục, được học sinh, phụ huynh hưởng ứng tích cực.

Tuy nhiên, không phải giáo dục Việt Nam đã chạm được đích. Vẫn còn đó nhiều âu lo, nhiều áp lực ở các kì thi; vì thành tích đỗ đạt, vì cạnh tranh… nên dù cho dạy-học như thế nào cũng không quan trọng bằng kết quả của một kì thi. Chính vì vậy, căn bản vẫn là tư duy giáo dục vì thành tích thì mọi nỗ lực cũng xoay quanh các kì thi mà thôi.

Trong thách thức có cơ hội

Đại dịch COVID-19 diễn ra suốt 2 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng rất lớn. Áp lực chồng áp lực. Nhiều hoạt động giáo dục vốn hạn chế, nay càng khó khăn hơn. Song, giáo dục xét cho cùng cũng là vì sự tồn tại và phát triển, nên dù cho cuộc sống có khó khăn như thế nào thì cũng cần thích ứng để vươn lên. Do vậy, khi càng khó khăn thì càng cần phải đầu tư cho giáo dục.

Sống là một quá trình và trên hành trình cuộc sống cần phải học. Do vậy, đừng quá lo vì những thành tích trước mắt ở các kì thi “cự li ngắn”. Hãy để cho sự học của con em phát triển tự nhiên, để quá trình nhận thức được “thẩm thấu”; những tố chất, năng lực thực sự của mỗi người được phát huy... Từ đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội cũng như có cơ hội “thăng hoa”, “tỏa sáng” khi đủ chín.

Đừng vội ngợi ca những “thần đồng” khi còn quá sớm hay cố ép để “chín non” qua các kì thi vì thành tích. Bởi những thành tích ấy thật ra không đem lại nhiều hạnh phúc cho các con em của chúng ta mà chỉ là niềm vui sướng tức thời của người lớn mà thôi.

Hơn 2 năm trôi qua, nhìn lại cả chặng đường phòng, chống dịch, chắc hẳn mỗi người cũng cần nhìn lại. Có quá nhiều thứ chúng ta cần học, để sống và để sống tốt hơn. Vậy nên, chúng ta cũng cần nghĩ về con em của chúng ta. Thế hệ tương lai vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Những tấm huy chương, bằng khen, giải thưởng… không phải là thứ thực sự cần khi đối mặt với thách thức. Năng lực thực sự để ứng phó với các tình huống là thái độ sống, kĩ năng sống và kiến thức được kết nối, chuyển hóa trong mỗi con người và cả xã hội.

Điều đó được học tập trong suốt quá trình sống, ở bất kì nơi đâu và trong mọi hoàn cảnh. Nhà trường cần được thiết lập một môi trường văn hóa lành mạnh, để chắp cánh cho người học và để từ đó người học có khả năng học tập suốt đời.

Du lịch cộng đồng gắn với học tập: một hướng đi, nhiều ý nghĩa

Nói đến du lịch, lâu nay nhiều người nghĩ đó là hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ… của những người có tiền. Do vậy, khi nghĩ đến phát triển du lịch người ta nghĩ đến các nhà đầu tư lớn, để có các khách sạn sang, nhà hàng xịn, các công trình vui chơi xa xỉ… Khi phân tích về nhu cầu, người ta thường xem du lịch là nhu cầu thứ yếu.

Thế nhưng, qua đại dịch COVID-19, có nhiều thứ cần suy nghĩ lại. Con người thực sự có nhu cầu “đi học” bởi vì “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Du lịch không chỉ là đi chơi, mà còn là đi học. Nếu học có chủ đích và thông qua du lịch thì cũng chính là trải nghiệm “học mà chơi”, “chơi mà học”.

Du lịch đến những chốn phồn hoa; thăm quan những công trình vĩ đại, cổ kính; trải nghiệm những trò chơi mạo hiểm xét cho cùng cũng là học. Nhưng về với những vùng quê, đến những khu rừng hoang sơ, về với những vùng biển đẹp… cũng là học.

Trong bài viết này tôi muốn giới thiệu một mô hình du lịch cộng đồng học tập – một điểm kết nối giữa giáo dục và giao lưu, ở đó cả xã hội được học tập và cảm nhận được niềm vui sướng.

Những năm vừa qua, tại các địa phương như đảo Cù Lao Chàm, rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An), vùng núi Hòa Bắc (Đà Nẵng), xóm Gò Cỏ (Quảng Ngãi)… các hoạt động du lịch đã được diễn ra thông qua các hoạt động giáo dục, được kết nối từ trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Nơi đây, sinh viên và học sinh là khách du lịch, không chỉ việc thăm quan mà chủ đích chính là học tập.

Đi học cũng đóng góp một phần phí dịch vụ cho cộng đồng, và cũng đem đến cho cộng đồng cả tri thức. Người dân kinh doanh du lịch cũng không cần đầu tư nhiều tiền, không cần phải thay đổi cách sống… Họ vẫn làm nông, vẫn sống giản dị như những gì vốn có. Họ giới thiệu, giảng giải cho người học những gì họ làm, những kinh nghiệm sống với thiên nhiên, với xóm làng; ứng xử với đất, rừng, sông, núi; với di sản văn hóa…

Sự chia sẻ, thảo luận ngay trên đồng ruộng, trong các bữa ăn hay buổi sinh hoạt tập thể,… đã kết gắn mọi người từ các vùng miền xa gần. Những lời ca, tiếng hát dân gian tưởng chừng đã mất đi, được tái hiện. Tái hiện trong không gian, trong sinh hoạt hằng ngày mới thật sự giá trị. Những ý tưởng của trò, của thầy, của người dân được soi xét từ lí thuyết đến thực tế.

Sự chia sẻ, thảo luận ngay trên đồng ruộng, trong các bữa ăn hay buổi sinh hoạt tập thể,… đã kết gắn mọi người từ các vùng miền xa gần

Sự chia sẻ, thảo luận ngay trên đồng ruộng, trong các bữa ăn hay buổi sinh hoạt tập thể,… đã kết gắn mọi người từ các vùng miền xa gần

Để từ đó hình thành nên những dự án cho hiện tại và tương lai. Kết thúc những chuyến đi, ai cũng được học và điều sâu lắng nhất vẫn là thứ “sâu đậm nghĩa tình”. Những thứ đó, khó có thể có được ở giáo dục chính quy. “Xã hội học tập”, “học tập suốt đời”, “giáo dục toàn diện” là những khái niệm đúng đắn. Và để những khái niệm luôn đúng thì tư duy và hành động về giáo dục phải nhất quán từ nguyên lí.

Nói như vậy để thấy du lịch và giáo dục rất cần sự gắn kết trên nền tảng văn hóa. Thông qua giáo dục, văn hóa được bảo tồn và thông qua giao lưu (du lịch) văn hóa được phát triển. Mô hình du lịch cộng đồng gắn với học tập ở những nơi mà chúng tôi kết nối, dù nhỏ nhưng đã có những tín hiệu tốt đẹp. Hi vọng đây là cách thúc đẩy xã hội học tập với tinh thần học tập suốt đời.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)