Nếu như tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là nơi Hồ Chí Minh chắp bút những dòng đầu tiên của Bản Tuyên ngôn độc lập, thì Quảng trường Ba Đình lịch sử chính Người đã trịnh trọng tuyên cáo với thế giới về một nước Việt Nam độc lập.
Từ ngôi nhà của đại tư sản yêu nước
Nhắc đến vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ là chúng ta nhắc đến một gia đình đại tư sản có nhiều đóng góp cho cách mạng trong những buổi đầu thành lập nước.
Theo các tài liệu chính thức ghi nhận trong thời kỳ đầu cách mạng, gia đình đại tư sản Trịnh Văn Bô đã quyên góp cho Chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương 2.000.000 đồng Đông Dương.
Ngoài ra gia đình tư sản họ Trịnh đã rất nhiều lần xuất tiền phát chẩn, cứu đói cho người dân Hà Nội, Lạng Sơn, Hưng Yên… nhờ vậy mà họ thoát chết trong gang tấc.
Tấm lòng yêu nước, hết lòng vì cách mạng được ông bà thể hiện thông qua việc dành một phần cửa hàng Phúc Lợi – 48 Hàng Ngang trở thành cơ sở tin cậy của cách mạng.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang – Hà Nội nguyên là cửa hàng tơ lụa Phúc Lợi, một trong những hiệu buôn lớn ở Hà Nội.
Nhà có dạng hình ống, rộng hơn 400m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Ngôi nhà nằm ở hai mặt phố sầm uất bậc nhất phố cổ lúc bấy giờ; cổng trước là 48 Hàng Ngang, cổng sau là phố 35 Hàng Cân.
Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà được chọn là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/08 đến ngày 02/09/1945.
Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ Trung ương Đảng thông qua ba nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh và thành phần Chính phủ lâm thời nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tổ chức yêu nước, quyết định ngày tuyên bố độc lập.
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong những ngày đầu tiên về Hà Nội. Ảnh: http://dangcongsan.vn. |
Theo lời Chị Nguyễn Bích Hạnh, cán bộ phòng Quản lý di tích, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, cho biết:
"Trung ương Đảng chọn ngôi nhà này làm nơi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội vì đây là ngôi nhà có 2 lối đi. Bình thường ở đây khách ra vào rất tấp nập, có yếu tố bất ngờ mà kẻ thù không thể ngờ tới: nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, Trung ương Đảng bố trí cho Người đi lối 35 Hàng Cân, theo cầu thang đi lên tầng 2 của gia đình. Ngôi nhà có 4 tầng. Tầng 1 bán vải tơ lụa; tầng 2 một bên là phòng khách, một bên là phòng ăn gia đình, còn tầng 3 và tầng 4 là kho hàng.
Khi có động, chỉ cần đi thoát sang các nóc nhà bên cạnh rồi xuống đường an toàn, không cần phải đi theo lối cửa chính". [1]
Gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ, khi ấy được vinh dự đón tiếp vị khách đặc biệt.
|
Ngày 21/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, được gia đình cụ chăm lo chỗ ăn ngủ chu đáo.
Đến ngày 24/8, ông Trường Chinh gặp cụ Hoàng Thị Minh Hồ nói: “Chị thu xếp chỗ ở, có ông cụ ở quê lên chơi”. Cảm nhận đây là việc quan trọng, gia đình cụ thu xếp chỗ ở chuẩn bị đón khách.
Chính trong ngày đó có 3 vị khách đến nhà bà một cách bất ngờ, bà chỉ nhớ, trong ba người có một ông cụ với vầng trán rất cao, đôi mắt sáng, đi đôi dép cao su nhãn hiệu Con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu.
Sau này bà mới biết “Ông cụ ở quê” mà gia đình đón tiếp chính là Bác Hồ.
Trong thời gian này, nhiều cuộc họp quan trọng của Người và Trung ương Đảng đã diễn ra tại tầng 2 ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Đặc biệt, tại đây, Hồ Chí Minh đã chắp bút những dòng đầu tiên bản Tuyên ngôn độc lập để tuyên bố trước đồng bào sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tư liệu để lại cho hay, đêm nào bà cũng nghe tiếng máy chữ của ông cụ rất khuya. Mùi thơm thuốc lá phảng phất tận cửa phòng nghỉ của của bà. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn trên phòng của cụ mới tắt, nhưng đồng hồ điểm 5 tiếng, đã thấy cụ dậy tập thể dục ngoài ban công.
Những đêm gần đến ngày 2/9, bà còn thấy cụ và mấy anh Thận, anh Văn, Hoàng Quốc Việt đỏ đèn bàn bạc gì đó đến tận gần sáng mới đi ngủ.[2]
Ngoài ra, tại ngôi nhà này đã diễn ra một sự kiện đặc biệt, theo đó: “Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 26/08/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp một vị Thiếu tá Archimedes L.A Patti, chỉ huy đơn vị OSS (cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ).
Ông chính là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi chưa được công bố và ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/09/1945"
Như vậy, tại căn phòng chỉ rộng khoảng 20m2 trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang chỉ với chiếc tủ tài liệu, một chiếc giường vải để nghỉ ngơi và bộ bàn ghế nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết ra một văn bản rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam: Bản Tuyên ngôn Độc lập. [3]
Đến Quảng trường Ba Đình lịch sử
Ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra một cuộc mít tinh đông đảo. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong không khí náo nức ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phát thanh.
Thay mặt Chính phủ lâm thời - tức Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương - Người đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên cáo với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Mở đầu bản Tuyên ngôn khẳng định chân lý vĩnh cửu và phổ biến:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu TTXVN). |
Tuyên ngôn khẳng định:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xit mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!...
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới:
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Có thể nói bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng yêu nước, tự lực, tự cường đã nảy sinh và phát triển từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.
Đó là quá trình kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách bản lĩnh kiên cường ý chí bất khuất của dân tộc ta.
"Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam .... Nó chấm dứt thể chế quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hoà".
Sau khi Chính phủ Lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói:
“Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”. [4]
Tài liệu tham khảo:
[1;3].http://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/noi-chu-tich-ho-chi-minh-viet-tuyen-ngon-doc-lap-khai-sinh-ra-nuoc-viet-nam-572834.vov
[2]. http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-chua-ke-khi-bac-viet-tuyen-ngon-doc-lap-20090903075859687.htm
[4]. http://baotanglichsu.vn/dau-an-nhung-ngay-cach-mang-thang-tam-lich-su-va-tet-doc-lap-dau-tien-cua-dan-toc-2-9-1945dr.html