Trường ĐH mở rồi đóng ngành trong chóng vánh: Chuyên gia nêu giải pháp

19/04/2024 06:30
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hàng trăm ngành học mới được nhiều trường ĐH mở ra, nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên, dẫn đến phải "đóng cửa".

Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết luận thanh tra một số trường đại học về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học và các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo.

Trong đó, một số trường đại học phải đóng hàng loạt ngành do không tuyển được sinh viên hoặc chưa đảm bảo duy trì được điều kiện mở ngành, liên quan đến cả vấn đề về giảng viên. Thậm chí, nhiều ngành vừa mở đã phải tạm dừng tuyển sinh do không có người học.

Theo các chuyên gia, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu giáo dục đại học chạy theo thị hiếu nhất thời, mở ngành tràn lan mà bỏ quên vấn đề chất lượng thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Mở ngành theo kiểu “trăm hoa đua nở” gây lo ngại vấn đề chất lượng

Việc trường đại học mở nhiều ngành đào tạo sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên lựa chọn ngành nghề theo học. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc mở ngành tràn lan, thiếu kiểm soát, ồ ạt chạy theo thị hiếu có thể dẫn đến khó tuyển sinh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn trước, các trường đại học mở ngành đào tạo theo đặt hàng của Nhà nước.

Giai đoạn sau, các trường muốn mở ngành sẽ phải xây dựng chương trình, lập hồ sơ để hội đồng khoa học thông qua, kiểm tra điều kiện thực tế, hội đồng chuyên môn thẩm định, rồi chuyển lên chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt.

Đến nay, Luật Giáo dục đại học hiện hành cho phép các trường được tự chủ mở ngành, miễn sao đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự thay đổi này tạo điều kiện để nhiều ngành được mở mới.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2019 đến tháng 8/2023, các trường đại học mở mới gần 1200 ngành. [1]

gdvn-tslevietkhuyen-9628.jpg
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Phạm Minh.

Xu thế đào tạo đa ngành là tất yếu, và các cơ sở đào tạo cũng cần thu hút sinh viên trong bối cảnh học phí là nguồn thu chính yếu của đa số các trường đại học.

Nhiều trường đại học chưa có đủ năng lực tạo nguồn thu chính từ hoạt động nghiên cứu khoa học, nên công tác thu hút người học là rất quan trọng, quyết định cơ sở đào tạo đó có tồn tại được không, hay có thể đối mặt với nguy cơ giải thể.

Do đó, để thu hút người học, một số trường đại học mở ra nhiều ngành khác nhau với những tên gọi rất hấp dẫn, chạy theo sự phát triển “nóng” của thị trường.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc mở ngành ồ ạt cũng đặt ra những lo ngại bài toán về đảm bảo chất lượng.

Cơ sở đào tạo nào thực hiện cẩn thận các tiêu chuẩn mở ngành, thì sẽ hình thành được văn hoá chất lượng, có chất lượng giáo dục tốt. Ngược lại, nếu trường chỉ chạy theo những ngành nghe tên “kêu” nhưng không đủ tiềm lực đào tạo, thì sau đó khi thị trường lao động hạ độ “hot", ngành học đó sẽ bị “ế” dần theo, dẫn đến phải dừng tuyển sinh và đóng cửa ngành.

Mặt khác, về phía người học, có những ngành nghề rất thị hiếu, nhưng bản chất của những chuyên ngành này còn quá mới, nên chưa tạo nên được sự yên tâm cho thí sinh đăng ký theo học.

Vì vậy, việc mở ngành học mới cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, không nên thấy trường khác mở ra tuyển sinh được là trường mình cũng làm theo. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến người học sau khi tốt nghiệp ra trường, đơn vị tuyển dụng sẽ đánh giá trình độ, kết quả đầu ra không đảm bảo chất lượng.

Tạo điều kiện để sinh viên có thể chuyển ngành, nâng cao kiến thức

Cùng bàn luận về vấn đề này, chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhận định: Trước hết, tình trạng một số trường đại học mở ngành ồ ạt rồi đóng ngành chóng vánh có thể dẫn đến hệ luỵ lãng phí đối với xã hội, nhà trường và với người học.

Các cơ sở đào tạo không nên mở ngành theo tính chất thời thượng để “câu khách”, mà không đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn giảng dạy. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến nhiều trường chỉ tuyển sinh được số ít người học là do khi nhiều trường cùng đào tạo một ngành, tất yếu thí sinh sẽ lựa chọn những trường đã xây dựng được thương hiệu trong đào tạo ngành học đó.

Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo phải tự tìm cách nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng giáo dục đào tạo thì nhiều người học mới lựa chọn.

Sự uy tín của nhà trường không chỉ thể hiện qua báo cáo thống kê tỷ lệ người học ra trường có việc làm, mà còn ở các cựu sinh viên thành công trong quá trình làm nghề. Trên tinh thần đó, người học sẽ đối chiếu với vị trí việc làm, mức thu nhập, cơ hội thăng tiến,...

Ngoài ra, theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, nếu chúng ra thiết kế chuyên ngành đào tạo hẹp, riêng rẽ, cứng nhắc và không bao quát phổ rộng thì người học sẽ không có nền tảng vững chắc, trong tương lai khi mở rộng lĩnh vực làm việc thì có thể không thích nghi được kịp thời.

Ngược lại, nếu cơ sở giáo dục đại học xây dựng nội dung chương trình đào tạo theo hướng giảng dạy cơ sở nền tảng của cả ngành lớn, vững chắc, tên ngành đặt theo một lĩnh vực rộng, hệ thống tín chỉ về chuyên ngành sâu thì mai sau sinh viên ra trường được đa lựa chọn, có khả năng tự học, trau dồi nghiên cứu kiến thức hoặc quay trở về học thêm mà vẫn thích nghi được với môi trường.

Nhìn sang nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Úc,..., những đại học danh tiếng chỉ triển khai các ngành mà có tên bao quát rộng về lĩnh vực lớn. Giáo dục đại học theo định hướng này giúp cho công tác đào tạo không bị bỏ sót nền tảng kiến thức nào của ngành rộng, mà vẫn tiếp thu được nội dung chuyên ngành nhỏ, nắm vững được vùng giao giữa các ngành/lĩnh vực.

Điều này có thể giải quyết được rất nhiều thách thức đang đặt ra cho nhiều phía. Nhà trường có thể hạn chế được tình trạng liên tục thay đổi ngành học chạy theo nhu cầu thị hiếu xã hội. Đối với người học thì có thể tích luỹ cơ sở kiến thức vững chắc hơn, tự tin trước khi bước vào năm 3, năm 4 để đăng ký các học phần bổ sung, tín chỉ tự chọn về chuyên môn sâu.

Đối với cựu sinh viên sẽ có nhu cầu trau dồi học tập thêm, cập nhật những kiến thức mới, phục vụ cho công việc, họ sẽ có nền tảng để quay về trường tham gia đăng ký thêm môn tự chọn, mở rộng thêm hiểu biết về chuyên môn. Bản thân các sinh viên đang theo học cũng sẽ thấy môi trường học tập hữu ích, có thể trao đổi, tìm hiểu với cựu sinh viên để tích luỹ kinh nghiệm, vốn hiểu biết.

Còn đối với học sinh trung học phổ thông, các em chưa nắm rõ được hoàn toàn chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra, vị trí công việc của mỗi chuyên ngành. Vì vậy, việc thiết kế lại tên ngành theo hướng bao quát phổ rộng sẽ hạn chế được tình trạng mông lung, rối ren trong lựa chọn ngành nghề.

PGS_TS_Nguyen_Thien_Tong_mo_duong_cho_nganh_Ky_thuat_Hang_khong_tai_Truong_Dai_hoc_Van_Lang_3_e95759a99b.jpg
Chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC.

Như vậy, nếu thị trường xã hội có diễn biến thay đổi theo sự phát triển của thời đại, thì người học cũng không bị lỗi thời, chỉ biết chuyên ngành hẹp mà không đủ khả năng nghiên cứu tự học.

Đây là chiến lược định hướng đào tạo lâu dài, giải quyết được nhiều vấn đề phiền toái còn tồn đọng, song song với các khía cạnh khác cũng cần được đảm bảo như: chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, nội dung học liệu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm,...

Còn theo Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô, vận hành công tác giáo dục hiện nay giống như vận hành một sản phẩm dịch vụ. Một khi sản phẩm dịch vụ đưa ra không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì phải thu hồi đóng lại.

Song, điều mấu chốt cần quan tâm nhất là các đơn vị giáo dục khi đã mở ngành ra và tuyển sinh được, thì phải có trách nhiệm đào tạo người học đến cùng, đảm bảo chất lượng giảng dạy và đầu ra của sinh viên.

Bên cạnh đó, về mặt cơ chế, giáo dục đại học nên tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để sinh viên có thể linh động trong việc chuyển ngành gần, học thêm tín chỉ, mở rộng bằng cấp. Nếu quy định của Nhà nước cũng như của nhà trường còn gây cản cản trở cho sinh viên chuyển ngành hoặc học nâng cao kiến thức, thì nên được xem xét và điều chỉnh lại sao cho phù hợp.

Khảo sát nhu cầu nhân lực cần sự vào cuộc của Nhà nước

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho hay: Công tác khảo sát nhu cầu nhân lực khi mở ngành muốn được thực hiện đầy đủ thì cần sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước, các đơn vị chức năng nghiên cứu, khảo sát, thống kê. Kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực được đưa ra, từ đó các trường sẽ lấy làm căn cứ tuyển sinh.

Bởi lẽ, đây là công việc chung, cần sự trải dài, độ phủ rộng cao của cả nước. Không có nhà trường nào có đủ năng lực để khảo sát ở cả khu vực hay trên toàn quốc, vì số liệu thống kê sẽ không khách quan và chính xác.

Khi tiến hành mở ngành, các cơ sở đào tạo phải dựa vào số liệu khảo sát diện rộng về nhu cầu nhân lực của Nhà nước. Ngoài ra, nhà trường có thể tham khảo thêm những thống kê của tổ chức quốc tế hoặc tự thực hiện bổ sung cuộc khảo sát thêm.

Công tác khảo sát nhu cầu nhân lực cần được thực hiện chặt chẽ và thống nhất bởi một cơ quan, tổ chức Nhà nước. Điều này sẽ giúp hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình mở ngành mới được thực hiện tốt, tránh chồng chéo và tồn tại bất cập.

“Hiện nay, quy định mở ngành của nước ta đã được thực hiện tương đối rõ ràng và ngày càng hoàn thiện. Song, chúng ta cần cải thiện công tác dự báo về nguồn nhân lực trong xã hội; cần có báo cáo cụ thể định kỳ hàng năm về thị trường lao động trên diện rộng cho đào tạo đại học và bậc sau đại học.

Các báo cáo cần đảm bảo quy chuẩn, thể hiện được nhiều giá trị ý nghĩa có thể tham chiếu, giải trình như về nhu cầu của thị trường lao động, về mức độ hài lòng của người học và xã hội,...”, Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ.

55e12459b3811edf4790-7276.jpg
Tiến sĩ Phạm Hiệp. Ảnh: Ngọc Ánh.

Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các trường đại học đều đã triển khai tốt các quy định chỉ số về đạt chuẩn, và có báo cáo ba công khai. Tuy nhiên, để giúp người dân có thể nắm bắt và so sánh thông tin được dễ dàng hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một kênh thông tin chính thống tổng hợp tất cả báo cáo ba công khai, kiểm định chất lượng của các trường.

Điều này góp phần giúp các cơ sở đào tạo có diễn đàn chia sẻ với nhau, cùng cố gắng cải thiện chất lượng vận hành.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm: Việc khảo sát, phân tích nhu cầu nhân lực của xã hội nên là công việc của cơ quan chức năng Nhà nước thực hiện. Còn các trường đại học phải dựa vào số liệu có tính diện rộng đó để tham khảo, đánh giá, định hướng và quyết định mở ngành học mới hay không.

Những con số thống kê theo hệ thống tổng thể này sẽ giúp các trường xác định được đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và trong tương lai không; có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng không.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: Việc mở ngành học mới cần được phê duyệt kỹ lưỡng, cẩn thận theo khung tiêu chuẩn, tránh tình trạng buông thả, buông lỏng, thực hiện không chắc chắn, gây ảnh hưởng đến thanh danh của nhà trường và khó phát triển bền vững.

Công tác định hướng, xây dựng mở ngành học này nên được thực hiện không chỉ bởi các chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo có chuyên môn cao, mà còn cần kết hợp lấy ý kiến của các hội nghề nghiệp cũng như tham vấn kinh nghiệm giáo dục của nhiều nước trên thế giới.

Kết quả đào tạo đạt chất lượng tốt hay không thể hiện qua đầu ra của người học, được đánh giá qua giới tuyển dụng. Với một số cơ sở đào tạo mới thành lập hoặc chưa được biết đến nhiều, nhà trường không nên mở ngành ồ ạt. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, phải thận trọng thực hiện chuẩn xác các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Từ đó, nhà trường có thể tạo dựng được độ tin cậy, sự uy tín, hình thành thương hiệu và khẳng định được thế mạnh của mình.

Giáo dục đại học cần phát triển theo chiều sâu, vì cái tâm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ xã hội. Còn nếu chỉ chăm chăm vào thị hiếu, mở ngành tràn lan để thu hút thí sinh thì chỉ là nhất thời, không thể phát triển bền vững và lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/dai-hoc-o-at-mo-nganh-gay-lo-ngai-4723376.html

Lưu Diễm