Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 7 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Vừa qua, thêm nhiều trường đại học có thông báo lộ trình chuyển đổi và xây dựng đề án dự kiến lên đại học như: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Y Hà Nội...
Xu hướng trường đại học trở thành đại học từ đâu?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho biết: Trở lại với Luật Giáo dục đại học năm 2012, việc đưa trường đại học trở thành đại học đã được lấy ý kiến dự thảo thông qua trong giai đoạn những năm 2010.
Nhìn vào lịch sử phát triển của nền giáo dục ở Việt Nam trước đây, phần lớn các trường đại học được xây dựng theo mô hình tổ chức và hoạt động của Liên Xô cũ. Tên trường đại học thường gắn với chuyên ngành chính mà trường đào tạo, ví dụ như Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội,...
Sau đó, khi đại học quốc gia và đại học vùng được thành lập vào những năm 1990 theo cách thức tiếp cận và sáp nhập các trường đại học hoặc cao đẳng trong cùng khu vực với nhau trở thành một đại học lớn, thì mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực ra đời.
Có thể nói, đây là một trong những cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh, văn hoá và giáo dục của Việt Nam. Từ đó, nước ta nhân rộng mô hình đại học bằng cách sáp nhập hoặc nâng cấp các trường đại học thành viên, nhằm xây dựng đại học đa ngành, đa lĩnh vực và có mức độ tự chủ cao hơn so với trường đại học thông thường.
Về hiệu quả thực tiễn, quá trình còn cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Song, chúng ta đặt mong muốn và kỳ vọng mô hình đại học có thể phát huy tối ưu quyền tự chủ và tự quyết một cách linh động hơn, phát triển ngày một tốt hơn.
Từ đó, cơ sở giáo dục có thể nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được nhiều giảng viên trình độ cao, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, gia tăng thương hiệu và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
"Khi tham gia với vai trò là chuyên gia đóng góp cho dự thảo luật giáo dục đại học những năm 2010, tôi đưa ra ý kiến lo ngại một nguy cơ xảy ra là tên gọi của hai thuật ngữ này sẽ khó phân biệt. Điều này có thể gây rối thông tin cho xã hội và người học trong giai đoạn đầu, ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp.
Đa số nhiều người chưa phân biệt được chính xác hai mô hình này, nhưng nhìn chung, để trường đại học thành đại học được đi vào hiệu quả thực chất, điều mấu chốt vẫn là ở những người có trách nhiệm đưa ra tiêu chí rõ ràng và định hướng giải pháp chuẩn xác.
Bởi không chỉ xét riêng hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam mà cả hệ thống giáo dục đại học trên thế giới nói chung, vốn đã bao hàm nhiều loại hình, thực thể phức tạp, nhiều chính sách thay đổi liên tục”, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho hay.
Không chỉ thay đổi về danh xưng mà còn phải về thực chất
Cùng trao đổi về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - người đã và đang giữ vai trò là Trưởng đoàn của nhiều đoàn đánh giá về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học (đồng thời là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ) cho rằng, khi chuyển đổi và xây dựng đề án nâng lên đại học, các trường đại học cần đặt ra câu hỏi điều này nhằm giải quyết vấn đề gì.
Nếu không làm rõ mục tiêu mà chỉ có sự thay đổi về mặt hình thức và danh xưng, thì đó chỉ như một kiểu “bình mới rượu cũ”.
Nước ta vốn có truyền thống lâu đời nay là “danh chính ngôn thuận”. Việc chuyển tên cơ sở giáo dục đại học giúp tạo điều kiện để chủ động phát triển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực. Điều này phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo.
Qua đó, các học giả nghiên cứu giáo dục đại học cho rằng, cơ sở đào tạo sẽ xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.
Theo quan điểm của Giáo sư Đặng Ứng Vận, những người quản lý giáo dục nên rút kinh nghiệm thực tiễn từ tổng kết mô hình của đại học quốc gia và đại học vùng. Tham khảo các mô hình tổng kết trước đó sẽ giúp chúng ta đưa ra được góc nhìn tổng quát chung về những điểm thuận lợi, vấn đề thách thức.
Từ đó, mỗi cơ sở giáo dục quyết định mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, không chỉ là sự thay đổi về mặt hình thức.
Có thể nói, các đại học thành lập sau này sẽ gần giống với mô hình đại học vùng, còn đại học quốc gia có thể vốn sẵn có nhiều yếu tố ưu tiên đặc biệt hơn.
Khi phát triển thành đại học, cơ sở giáo dục cần chú trọng quan tâm về cơ chế quản lý, cơ cấu tổ chức. Việc nâng trường đại học lên đại học nảy sinh vấn đề là cơ sở đó có thể thực hiện tự chủ đạt đến mức độ nào. Nếu như không giải bài toán quản lý và thống nhất tốt, đơn vị đó có thể vẫn chưa phát huy được sức mạnh tự chủ của mình cũng như thế mạnh của các trường thành viên.
Còn về điều kiện cơ sở vật chất, Nhà nước đưa ra quy định tiêu chuẩn cụ thể rồi nên đây không phải là vấn đề chủ yếu. Mấu chốt là trong bối cảnh thực tế, mỗi cơ sở đơn vị phải xem xét và trao quyền tự chủ cho các trường thành viên trong đại học ở mức độ như thế nào. Các trường đại học muốn nâng cấp vị thế của mình cần có kế hoạch và giải pháp quản trị tương xứng.
Bên cạnh đó, để đạt được sự thống nhất tương đối trong văn hóa tổ chức của một trường đại học lớn, cần xét đến sự đa dạng về truyền thống, chuyên môn và giá trị học thuật giữa các trường thành viên. Đây là vấn đề đòi hỏi sự lãnh đạo và quản lý chiến lược phù hợp.
Lãnh đạo đại học phải thực hiện cách tiếp cận nhiều mặt, tôn trọng tính độc đáo của từng trường thành viên; đồng thời nuôi dưỡng văn hóa đại học gắn kết nhằm thúc đẩy sự hợp tác, hòa nhập và chia sẻ các giá trị chung.
Văn hóa coi trọng sự cởi mở, đổi mới và hợp tác giữa các trường thành viên, giữa các ngành, khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia giảng dạy và nghiên cứu liên ngành.
Các giá trị được chia sẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá bỏ rào cản giữa các phòng ban và trường thành viên, thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp hơn để giải quyết các vấn đề phức tạp.
Vì thế, cần đảm bảo rằng các giá trị và truyền thống cốt lõi được bảo tồn đồng thời thực hiện sứ mệnh mở rộng.
Còn Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh rằng: “Việc nâng trường đại học lên trở thành đại học không phải là con đường duy nhất để các trường đại học có thể phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và nâng cao chất lượng đào tạo.
Trước hết, cần phải xác định việc đầu tư nâng cao chất lượng thực tế mới là con đường phát triển chung cho tất cả các trường, không nhất thiết phải phát triển thành đại học.
Thực tế, không phải trường đại học nào cũng có mong muốn trở thành đại học. Xét về đơn vị giáo dục tư nhân, hầu hết các đơn vị này không có mong muốn trở thành đại học, mà đa số nhu cầu này nằm ở hệ thống trường công bởi vì phụ thuộc vào cơ chế hiện tại.
Nếu có nhu cầu, điều kiện phát triển thành đại học thì phải có chiến lược, kế hoạch chi tiết để đầu tư hiệu quả; và việc phát triển thành đại học phải để thực hiện mục đích hoạt động hiệu quả và chất lượng tốt hơn, không phải là vấn đề vị thế hay tên gọi.
Bởi không chỉ để giải quyết câu chuyện đa ngành, đa lĩnh vực; mà việc trường đại học lên đại học còn là vấn đề về tự chủ: mức độ tự chủ có thể giúp cho các đơn vị có nhiều quyền linh động hơn và tận dụng được nguồn lực chung trong toàn bộ đại học.
Song, mỗi cơ sở giáo dục quyết định lựa chọn mô hình nào thì cần tối ưu trong loại hình đó; hơn nữa còn cần phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và từng đơn vị áp dụng.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2019/NĐ-CP, điều kiện chuyển trường đại học thành đại học như sau:
- Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;
- Có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 99/2019/NĐ-CP; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;
- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Theo đó, về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quyền tự chủ của trường đại học và đại học cũng có những điểm khác biệt.
Chức năng nhiệm vụ:
- Trường đại học là đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng liên quan đến nhiều ngành (có thể trong một số lĩnh vực)
- Đại học là đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Về cơ cấu tổ chức:
- Trường đại học có Hội đồng trường; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; khoa, phòng chức năng và đơn vị khác (nếu có).
- Đại học có Hội đồng đại học; giám đốc, phó giám đốc đại học; trường đại học thành viên; ban/phòng chức năng, khoa… và đơn vị khác (nếu có).
Về quyền tự chủ:
- Trường đại học tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ phù hợp với quy định của pháp luật; được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đạt kết quả kiểm định chất lượng.
- Đại học tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm phù hợp với quy định của pháp luật. Trường đại học thành viên phải thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung của đại học và mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ của trường mình, phù hợp với quy định của pháp luật và của đại học; Đại học được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.