Tuyển vượt 3% chỉ tiêu sẽ bị phạt khiến ĐH rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan"

03/07/2023 06:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu trường đại học tuyển vượt 3% chỉ tiêu sẽ bị xử phạt. Nhưng vì không thể kiểm soát được tỷ lệ thí sinh ảo nên nhiều trường tuyển sinh bị vượt chỉ tiêu.

Vừa qua, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Dự kiến, kết quả thi sẽ được công bố vào 8h00 ngày 18/7/2023. Kết quả của kỳ thi này là căn cứ quan trọng để các trường đại học tuyển sinh cho năm học 2023-2024.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm nay, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng – Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Học viện Hàng không Việt Nam, cho biết, trong những năm qua, nhà trường tuyển sinh thuận lợi, trường thuộc top trường đại học có mức điểm chuẩn trung bình cao.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Điểm chuẩn xét học bạ ngành hotđến 28 điểm (5 học kỳ)

Trước năm 2021, Học viện Hàng không Việt Nam chỉ đào tạo 4 ngành gồm: Quản trị kinh doanh, Điện tử viễn thông, Kỹ thuật hàng không, Quản lý hoạt động bay với khoảng 650 chỉ tiêu. Từ năm 2021 đến nay, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường đã mở thêm 7 ngành: Quản trị Nhân lực, Ngôn ngữ Anh, Quản trị Du lịch và Lữ hành, Kinh tế Vận tải, Công nghệ Thông tin, Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng, Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động Hóa.

Năm 2023, nhà trường tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu cho 11 ngành đại học chính quy. Theo Thầy Nguyễn Minh Tùng, hai ngành học “hot” nhất của trường là Kỹ thuật Hàng không và Quản lý Hoạt động bay, với chỉ tiêu lần lượt là 140 và 180.

Trong những năm qua, hai ngành học này luôn hấp dẫn thí sinh và nhà trường chỉ xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với mức điểm từ 24 – 26 điểm.

Điểm mới của năm nay là nhà trường bắt đầu xét tuyển sớm đối với hai ngành học này. Theo đó, điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ đợt 1 của hai ngành học này đều 27 điểm; đợt 2 là 28 điểm đối với ngành Quản lý Hoạt động bay, ngành Kỹ thuật Hàng không giữ nguyên 27 điểm.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng xét tuyển sớm với thí sinh là học sinh giỏi, có điểm IELTS từ 6.0 trở lên; học sinh giỏi trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia theo các môn học tương ứng trong tổ hợp xét tuyển.

Ngành Quản lý hoạt động bay và Kỹ thuật Hàng không có điểm chuẩn cao nhất trong những năm qua. Ảnh: NVCC

Ngành Quản lý hoạt động bay và Kỹ thuật Hàng không có điểm chuẩn cao nhất trong những năm qua. Ảnh: NVCC

“Hiện nay, nhiều trường đại học đều gặp khó trong tuyển sinh đối với một số ngành kỹ thuật, Học viện Hàng không Việt Nam cũng có một số ít ngành khó đạt chỉ tiêu, trong đó có ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng. Đây là ngành học mới, được mở từ năm 2022, tập trung vào chuyên ngành xây dựng công trình cảng hàng không – sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống cảng hàng không – sân bay trong nước và quốc tế trong thời gian tới, cũng là ngành học chuyên sâu duy nhất về công trình cảng hàng không – sân bay hiện nay tại Việt Nam, nhưng năm ngoái tuyển sinh chỉ đạt chưa đến 50% chỉ tiêu.

Có thể nhiều thí sinh còn tâm lý e ngại học ngành này sẽ vất vả, phải làm việc ngoài trời, “dầm mưa dãi nắng”, hơn nữa đây cũng là khối ngành khá khó nên còn “kén” người chọn.

Tuy nhiên, với các bạn trẻ đam mê ngành xây dựng, theo ngành học này sẽ có cơ hội bước vào một nghề nghiệp hết sức thú vị với thu nhập cao nếu nỗ lực học tập và rèn luyện, đáp ứng được yêu cầu của công việc, không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thị trường lao động quốc tế.

Đến thời điểm này, ngành này đã xét tuyển được 100% chỉ tiêu xét tuyển sớm”, thầy Tùng cho biết.

Thầy Tùng thông tin thêm: Các chương trình đào tạo của Học viện được phát triển dựa trên cốt lõi là các lĩnh vực trong ngành hàng không, nhưng đối với các bạn sinh viên chưa có định hướng một cách rõ ràng về nơi làm việc, có thể lựa chọn đi theo hướng ngành chung.

Ví dụ đối với ngành Quản trị kinh doanh, các em có thể lựa chọn đi theo hướng quản trị kinh doanh tổng hợp hoặc quyết định đi sâu hơn và chuyên ngành quản trị hàng không, quản trị kinh doanh cảng hàng không… hay với ngành Điện tử - Viễn thông, sinh viên có thể lựa chọn đi theo hướng chung để sau này tìm việc ở các hãng công nghệ, hay phát triển bản thân mình trong chuyên ngành điện tử viễn thông hàng không.

Trường đại học khó kiểm soát số lượng thí sinh ảo

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng cho biết, Học viện Hàng không Việt Nam dành 60% tổng chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm, 40% còn lại là xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đến nay, chỉ tiêu xét tuyển sớm của trường đã đạt 100%. Riêng ngành Quản lý hoạt động bay có 180 chỉ tiêu cho tất cả phương thức xét tuyển nhưng đã có trên 2500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm.

Chỉ tiêu xét tuyển sớm của Học viện Hàng không Việt Nam đã đạt 100%. Ảnh: NVCC

Chỉ tiêu xét tuyển sớm của Học viện Hàng không Việt Nam đã đạt 100%. Ảnh: NVCC

Từ năm học 2022 – 2023, Học viện là đơn vị tự chủ cấp 2 chi thường xuyên và trên thực tế đã tự chủ chi đầu tư, học phí của trường tăng lên 24 triệu đồng/năm học.

Dù vậy, số lượng thí sinh đăng ký vào trường vẫn rất đông, vượt cao hơn năm ngoái.

Giải thích điều này, thầy Tùng cho rằng: Trước tiên, đó là do chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm của sinh viên Học viện đã có được sự ghi nhận của xã hội, nên có thể thấy dù học phí có tăng nhưng vẫn thu hút được đông đảo thí sinh có nguyện vọng theo học.

Thứ hai, học phí ở mức 24 triệu đồng/năm học tại Thành phố Hồ Chí Minh là ở mức trung bình đối với các ngành học chung, chưa kể đến các ngành đòi hỏi đầu tư lớn như ngành hàng không; Và trên thực tế, với mức thu này vẫn chưa có tích lũy đủ để đầu tư, phát triển Học viện ngang tầm với các trường, viện đào tạo hàng không quốc tế.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác tuyển sinh, thầy Nguyễn Minh Tùng cho rằng, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu hiện đang tạo ra nhiều áp lực cho các trường đại học:

“Nếu trường đại học tuyển vượt 3% chỉ tiêu thì sẽ bị phạt theo quy định. Tuy nhiên, nhiều trường tuyển sinh bị vượt chỉ tiêu vì không thể kiểm soát được tỷ lệ thí sinh ảo. Theo kinh nghiệm tại Học viện hàng không Việt Nam, nếu trường gọi trúng tuyển 100% chỉ tiêu thì số lượng nhập học chỉ từ 70% đến 90% tùy ngành. Ngành học nào tuyển sinh dưới 80% chỉ tiêu thì sẽ không được tăng thêm chỉ tiêu vào năm học sau.

Như vậy, các trường buộc phải gọi trúng tuyển vượt chỉ tiêu để trừ vào số thí sinh ảo sau này, điều này dẫn đến việc vượt chỉ tiêu là điều khó tránh khỏi. Các trường bị rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan” với các qui định tuyển sinh hiện hành.

Từ năm 2022, cách lọc ảo đã có sự thay đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định, tất cả nguyện vọng xét tuyển sớm của thí sinh đều phải đưa lên cổng đăng ký chung của Bộ. Việc này giúp sàng lọc được số lượng lớn thí sinh ảo.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng đề xuất, nên chăng áp dụng tỷ lệ thí sinh ảo trong mùa tuyển sinh năm ngoái cho tuyển sinh năm nay. Ví dụ, năm ngoái tỷ lệ thí sinh ảo chiếm khoảng 20% thì năm nay, trong quá trình tuyển sinh, các trường được phép gọi vượt 20% chỉ tiêu.

Về quy định không được tăng chỉ tiêu khi tuyển sinh, nếu năm trước đó tuyển sinh không đạt 80% cũng khá bất hợp lý, vì trường đại học cần được tự chủ trong tuyển sinh, miễn là cơ sở giáo dục đại học đó đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Phạm Minh