UBTVQH đề nghị khẩn trương ban hành hướng dẫn về phương pháp định giá SGK

25/09/2023 10:16
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh kiểm tra, giám sát triển khai CTGDPT 2018, việc xã hội hóa biên soạn SGK.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 Giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Biên soạn còn nhiều bất cập, giá sách giáo khoa tăng 2-4 lần

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Theo Nghị quyết 686, việc biên soạn, thực nghiệm sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết 88, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước. Nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội hóa với một số đối tượng và địa bàn.

Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập: Việc thực nghiệm sách giáo khoa chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa đảm bảo yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách Tiếng Việt lớp 1, Khoa học Tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới. Việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành sách giáo khoa giả diễn ra phức tạp.

Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.

Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.

Sách giáo khoa mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản sách giáo khoa; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị quyết cũng nêu rõ, quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư số 25/2020/TT- BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu nhiều (nhất là ở cấp tiểu học) nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều tỉnh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng.

Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu sách giáo khoa tăng, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách.

Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần. Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua.

Mức chi phí phát hành tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%, năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hầu hết các địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Ngoài ra, việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất để phát triển trường học. Các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục, chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư... chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Còn thiếu quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nhận thức về tầm quan trọng của việc triển khai chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất.

Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019 trong năm 2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xác định Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, về các tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa, hướng dẫn lựa chọn sách trong cơ sở giáo dục phổ thông; việc không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa; giá các bộ sách, tỉ lệ chiết khấu cao; sai phạm trong in, xuất bản sách giáo khoa.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt sách giáo khoa, ban hành văn bản hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; sửa đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa (Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa. Về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học; quy định về cung ứng, phát hành sách giáo khoa theo hướng chủ yếu phát hành sách tại các nhà sách, cửa hàng sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỉ lệ chiết khấu xuống mức hợp lý, phù hợp với tính chất, phương thức phát hành để giảm giá sách giáo khoa.

Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Đồng thời, nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả; hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, sách giáo khoa cho người khiếm thị đúng tiến độ, thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử theo chương trình mới.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, trong đó có phân cấp về việc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục, các nhà giáo trong triển khai.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là trong việc mua sắm trang thiết bị, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông; khẩn trương sửa chữa, khắc phục hậu quả đối với những lỗi sai trong các sách giáo khoa đã phát hành; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.

Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa.

Xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không chấp hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về nội dung “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14; về việc để xảy ra sai sót đối với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới giáo dục phổ thông: Thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế giáo viên. Tập trung tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ. Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Rà soát, đánh giá chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Mộc Hương