Vận động phụ huynh 308 triệu đồng để khen thưởng cũng từ bệnh thành tích mà ra

29/11/2022 06:49
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Bệnh thành tích dẫn đến lạm phát danh hiệu học tập nên nhà trường phải vận động phụ huynh, phải gửi thư ngỏ xin hỗ trợ nhằm khen thưởng cho học trò.

Sự việc một phụ huynh ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) gửi đơn phản ánh đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở giáo dục và đào tạo... phản ánh tình trạng nhà trường “vận động thu tiền xã hội hóa quỹ khen thưởng” lên đến 308 triệu đồng đang khiến dư luận quan tâm.

Song, đây là câu chuyện không mới, rất bình thường đối với gần như tất cả các trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập trên cả nước. Trường nào cũng vận động đóng góp “tự nguyện” từ phụ huynh. Nhiều trường gửi thư ngỏ cho phụ huynh đến 2 lần/ năm học cho loại quỹ này.

Mấu chốt của sự việc này không hẳn là học sinh học giỏi nhiều mà điều dễ thấy nhất là bệnh thành tích ở các trường học hiện nay tràn lan không thể nào kiểm soát được. Tỉ lệ học lực trung bình đối với học sinh phổ thông bây giờ rất hiếm, đa phần là học sinh khá và giỏi. Trong khi, kinh phí của nhà trường có hạn nên trường nào cũng kêu gọi phụ huynh chung tay đóng góp.

Trường Tân Lộc - nơi xảy ra sự việc (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Trường Tân Lộc - nơi xảy ra sự việc (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Xã hội hóa quỹ khen thưởng ở các trường học như một trào lưu

Bản thân người viết là một giáo viên phổ thông và cũng là phụ huynh học sinh nên chúng tôi khá đồng cảm với sự bức xúc của một đại diện phụ huynh trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Tân Lộc đứng ra làm đơn phản ánh đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở giáo dục và đào tạo...

Theo đơn trình bày của vị phụ huynh trường Tân Lộc thì ngày 23/10 vừa qua, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Tân Lộc tổ chức “Hội nghị cha mẹ học sinh” và đưa ra đề nghị vận động thu tiền.

Cụ thể, đối với khối cấp trung học cơ sở, mức đóng góp của mỗi lớp là 7 triệu đồng, khối trung học phổ thông mức đóng góp của mỗi lớp là 9 triệu đồng.

Theo tính toán của phụ huynh này, khối trung học cơ sở trường có 17 lớp (mỗi lớp hơn 40 học sinh), tổng số tiền đóng góp sẽ là 119 triệu đồng. Còn khối trung học phổ thông, trường có 21 lớp (mỗi lớp hơn 40 học sinh), tổng số tiền đóng góp sẽ là 189 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền 2 khối đóng góp là hơn 308 triệu đồng”. [1]

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Dũng, hiệu trưởng trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Tân Lộc cho biết: “Sở giáo dục và đào tạo đang xác minh, tôi cũng đang làm giải trình cho rõ thêm.

Nói chung, toàn thể phụ huynh ủng hộ chủ trương của trường, chỉ có một số ít phụ huynh không ủng hộ. Những khoản thu đó bình thường, có nhiều phụ huynh không hiểu vì xã hội hóa một lần. Mình làm theo đúng quy trình thôi, không có gì làm sai cả”. [2]

Việc nhà trường “làm theo đúng quy trình thôi, không có gì sai cả” không có gì khó hiểu vì chủ trương xã hội hóa giáo dục bây giờ không sai. Đặc biệt là sự việc này đã được đem ra bàn bạc, thống nhất với Hội nghị cha mẹ học sinh trong nhà trường.

Thế nhưng, phía sau cụm từ “không có gì sai cả” là nỗi niềm của nhiều phụ huynh nghèo. Có lẽ vì nhiều phụ huynh cũng phải đắn đo lắm thì họ mới làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng cao nhất của tỉnh Cà Mau và Sở giáo dục và đào tạo.

Những phụ huynh có điều kiện thì khoản tiền vài trăm ngàn đồng không đáng là bao nhưng những phụ huynh nghèo, phụ huynh đang nuôi nhiều con ăn học thì đó là gánh nặng bởi tiền vận động thu tiền xã hội hóa quỹ khen thưởng của nhà trường chỉ là một khoản “rất nhỏ” mà phụ huynh đang phải đóng “tự nguyện”.

Bởi, học sinh phải còn đóng rất nhiều khoản thu bắt buộc, tự nguyện khác nữa. Khoản này một ít, khoản kia một ít, nhiều khoản tiền trong một năm học là gánh nặng cho phụ huynh nghèo, nhất là trong bối cảnh mấy năm nay lương cơ sở không tăng, dịch bệnh, công việc khó khăn. Nhiều phụ huynh có nguồn thu nhập bấp bênh…

Đánh giá đúng chất lượng giáo dục sẽ hạn chế được những thị phi không cần thiết

Sự việc trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Tân Lộc vận động thu tiền xã hội hóa quỹ khen thưởng có lẽ cũng chỉ là một phần nổi nhỏ của tảng băng chìm hiện nay bởi học sinh đạt danh hiệu học tập cần khen thưởng có rất nhiều mà kinh phí nhà trường không thể kham nổi khoản chi này.

Những năm học gần đây, nếu như chúng ta chỉ nhìn vào các con số thống kê chất lượng giảng dạy, học tập của bất kỳ lớp nào, khối nào, trường nào, cấp học nào, trường nào bây giờ cũng không thể nào chê được vì nó đẹp đến ngỡ ngàng.

Học sinh tiểu học đa số được xếp loại xuất sắc; học sinh trung học cơ sở thì chủ yếu xếp loại xuất sắc (Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT); giỏi, loại khá (Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT).

Những học sinh xếp loại học lực hoàn thành nhiệm vụ học tập (cấp tiểu học) và loại trung bình (đạt) ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ngày càng ít đi, học sinh yếu kém thì cực hiếm, nhất là những lớp cuối cấp.

Bây giờ, nhiều khi học sinh ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có điểm trung bình môn cả năm học lên đến 9,3-9,4 điểm mà cũng chỉ là giỏi đại trà chứ vẫn không được nằm trong tốp 10 của lớp. Vì thế, những học sinh đứng đầu khối hoặc học sinh danh dự toàn trường thường phải có điểm trung bình các môn từ 9,8 trở lên.

Sự việc này cứ được lặp đi, lặp lại từ hàng chục năm qua và có thể những năm tiếp theo nên các trường học phải vận động phụ huynh chung tay đóng góp. Tình trạng này những năm tiếp theo còn vận động nhiều hơn bởi chất lượng giáo dục năm sau bắt buộc “phải bằng hoặc cao hơn năm trước” nên học sinh giỏi, xuất sắc ngày càng nhiều hơn.

Đất nước phát triển đi lên, kinh tế ngày một đủ đầy hơn nên học sinh bây giờ được phụ huynh đầu tư nhiều hơn, học sinh chỉ chú tâm cho việc học. Vì thế, nhiều học sinh giỏi cũng là lẽ thường tình vì các em học ngày, học đêm, học thêm ở trường, học ở trung tâm, ở nhà thầy cô và học qua mạng Internet…

Và, chúng tôi không phủ nhận bây giờ có nhiều em học sinh học rất giỏi và giỏi toàn diện bởi các em có đủ đầy các điều kiện để học tập, tiếp thu.

Nhưng, đôi lúc bản thân chúng tôi cũng không tránh khỏi những băn khoăn tại sao nhiều tỉnh, thành, trong đó có Cà Mau điểm đầu vào lớp 10 thường thấp, nhiều trường chỉ 3-4 điểm/ môn là đã đậu rồi.

Thậm chí có trường chỉ 1-2 điểm là đủ điểm chuẩn vào lớp 10 nhưng sau kỳ thi tuyển sinh 10 thì các em tiến bộ rõ rệt, điểm học bạ 3 năm trung học phổ thông cũng "sáng" trông thấy?

Phải chăng, ngoài sự tiến bộ của học sinh ngày nay còn có những nguyên nhân khác nữa? Đó là chỉ tiêu cấp trên giao, bệnh thành tích, xét học bạ khi tuyển sinh đại học?

Nếu như, các trường được đánh giá thật, bệnh thành tích được khống chế thì tình trạng khen thưởng học sinh vào thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học sẽ giảm xuống.

Việc đánh giá đúng chất lượng học sinh sẽ giúp cho các em biết được mình đang ở đâu để có động lực học tập đúng đắn và kinh phí khen thưởng không cần thiết phải vận động phụ huynh vì kinh phí địa phương cấp bao giờ cũng có quỹ khen thưởng cho giáo viên và học sinh.

Nhưng, vì bệnh thành tích dẫn đến lạm phát danh hiệu học tập nên nhà trường phải vận động phụ huynh, phải gửi thư ngỏ xin hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để khen thưởng cho học trò. Từ đây, dẫn đến việc phụ huynh ngán ngại.

Vì thế, sự việc phụ huynh ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Tân Lộc làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng cao nhất ở Cà Mau là điều dễ hiểu - bởi thành ngữ có câu: “tức nước vỡ bờ” âu cũng là một lẽ thường tình và đáng được biểu dương trước tình trạng vận động vô tội vạ của nhiều trường học hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/phu-huynh-to-truong-an-dinh-muc-thu-308-trieu-dong-xa-hoi-hoa-quy-khen-thuong-2084899.html

[2] https://thanhnien.vn/ca-mau-phu-huynh-to-truong-van-dong-thu-tien-xa-hoi-hoa-quy-khen-thuong-post1525766.html

NGUYỄN CAO