Đất nước sẽ ra sao khi vẫn còn nhiều thanh niên sống vô cảm?

02/07/2018 06:51
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Người vô cảm dễ dẫn đến những hành vi cực đoan, hành động ngược lại chuẩn mực đạo đức, thuần phong mĩ tục.

Trong nhiều năm qua, với thông điệp “Đóng góp nhỏ thay đổi lớn”, nhiều hoạt động thiện nguyện của thanh niên, sinh viên như: “Tiếp sức mùa thi”, “Trường đẹp cho em”, “Nhà bán trú cho em”, “Tấm áo tình người”, “Hiến máu nhân đạo”… vừa mang lại hiệu quả thiết thực đối với xã hội, nhất là với những người gặp khó khăn, hoạn nạn vừa tạo sự lan toả về lối sống đề cao tình yêu thương, chia sẻ cùng cộng đồng.

Nhưng cũng thật đáng tiếc là bên cạnh những điều tốt đẹp ấy vẫn luôn tồn tại một bộ phận thanh niên ứng xử vô cảm và chạy theo lối sống thực dụng, gấp gáp làm cho dư luận rất băn khoăn, lo lắng.

Sống vô cảm được các nhà tâm lý học xem là một căn bệnh. Căn bệnh này biểu hiện bằng triết lý “vị thân, bất vị nhân”.

Những người bị căn bệnh này thường thờ ơ, lạnh lùng, bàng quan trước cuộc sống, lợi ích của cộng đồng, nhất là trước những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bất hạnh…

Đất nước sẽ ra sao khi vẫn còn nhiều thanh niên sống vô cảm? ảnh 1Vì sao ngày càng có nhiều người Việt lạnh lùng, vô cảm và tàn nhẫn?

Mặt khác họ vô tâm, làm ngơ trước những hành vi độc ác, xấu xa… 

Bệnh vô cảm trong cộng đồng nói chung, nhất là trong một bộ phận thanh thiếu niên đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội.

Không những vậy nó còn xâm nhập vào trong các mối quan hệ gia đình. 

Xin nêu một số dẫn chứng về sự vô cảm đáng lo ngại trong giới trẻ.

Đó là tình trạng học sinh, nhất là các nữ sinh đánh nhau một cách tàn độc.

Khi xem hàng loạt clip trên mạng về cảnh nữ sinh đánh nhau dã man, mọi người không chỉ bất bình, phẫn nộ với những học sinh có tính côn đồ, tổ chức đánh hội đồng một hai học sinh khác mà còn rất bất bình với những học sinh a dua, cổ vũ, ghi hình tung lên mạng hành động phi nhân tính, xem đó như là một trò tiêu khiển. 

Hai nữ sinh xô xát tại khu vực Cung Quy hoạch Hội chợ, Triển lãm và Văn hóa tỉnh (phường Hồng Hải, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), nhiều người đứng xem nhưng không ai can ngăn. (Ảnh cắt từ clip/ nguồn: Baoquangninh.com.vn)
Hai nữ sinh xô xát tại khu vực Cung Quy hoạch Hội chợ, Triển lãm và Văn hóa tỉnh (phường Hồng Hải, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), nhiều người đứng xem nhưng không ai can ngăn. (Ảnh cắt từ clip/ nguồn: Baoquangninh.com.vn)

Xem các clip nữ sinh đánh nhau, hẳn là nhiều người vẫn không thể tưởng tượng nổi vì sao có những nữ sinh tuổi còn nhỏ mà hung hãn như vậy và cũng không thể hiểu nổi tại sao bộ phận học sinh cổ vũ cho những hành động đó lại có trái tim chai sạn, trơ lỳ đến vậy?

Đó là sự lạnh lùng đến nhẫn tâm của một bộ phận trong giới trẻ trước những mảnh đời bất hạnh như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, nạn nhân của thiên tai bão lụt; là ánh mắt dửng dưng trước những người khuyết tật, yếm thế… 

Đó là sự đua đòi chạy theo lối sống gấp, lười lao động của một bộ phận trong thanh niên, sinh viên.

Vẫn biết con người sống là phải biết hưởng thụ và phải vươn tới cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần.

Nhưng với những bạn trẻ đua đòi, tiêu pha vô độ, theo lối sống gấp, bất cần biết hoàn cảnh gia đình, bất cần biết đồng tiền mà họ phung phí thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của bố mẹ thì đó lại là sự vô tâm, vô đạo đức.

Đất nước sẽ ra sao khi vẫn còn nhiều thanh niên sống vô cảm? ảnh 3Phận người trong manh chiếu và câu chuyện thờ ơ, vô cảm!

Trên đây chỉ là một số ví dụ trong muôn hình vạn trạng hành vi của lối sống gấp, vô cảm của một bộ phận trong giới trẻ, đang ngày ngày diễn ra trong muôn mặt của đời sống xã hội.

Căn bệnh vô cảm không chỉ để lại hậu quả cho người trong cuộc mà còn để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Với người vô cảm sẽ càng ngày càng rơi vào trạng thái cô lập, mất cảm xúc yêu thương, mất khả năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội.

Trong cuộc sống, họ không biết chia sẻ, cảm thông đối với người khác, kể cả người ruột thịt.

Người vô cảm dễ dẫn đến những hành vi cực đoan, hành động ngược lại chuẩn mực đạo đức, thuần phong mĩ tục.

Thực tế cho thấy, người vô cảm thường bị lệch lạc về nhân cách, dễ nảy sinh những hành động phạm tội.

Bởi với lối sống vị kỷ, họ không còn biết tôn trọng con người, lợi ích cộng đồng, không biết tôn trọng luật pháp.

Để giành giật lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng giẫm đạp lên lợi ích của người khác, giẫm đạp lên dư luận.

Bệnh vô cảm sẽ làm lỏng lẻo sợi dây tình cảm gia đình, làm mất đi tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

Không những vậy, bệnh vô cảm là môi trường thuận lợi cho cho cái xấu, cái ác tồn tại, hoành hành.

Đây là nguy cơ đối với an ninh xã hội và sự bình yên của mỗi người và mỗi gia đình.

Nguyên nhân của thực trạng làm cho giới trẻ vô cảm, sống gấp có nhiều, trong đó một số nguyên nhân chính là:

1. Ảnh hưởng bởi đạo lý, tình cảm trong một số gia định bị đảo lộn

Hiện nay, đang tồn tại hai nghịch lý ảnh hưởng tới tâm hồn và nhân cách của giới trẻ. 

Thứ nhất: Không ít gia đình khá giả, gia đình ở thành thị bố mẹ, ông bà, người thân chăm bẵm, chiều chuộng con cháu quá mức.

Điều này vô tình tạo cho đứa trẻ tính cách ích kỷ, luôn đòi hỏi mọi người phải đáp ứng các yêu cầu của mình. 

Ở những gia đình này, trên một góc độ nào đó có thể nói đạo lý đã bị đảo lộn, là con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì ngược lại ông bà, cha mẹ lại phải cung phụng con cháu.

Rất nhiều đứa trẻ trong những gia đình như vậy khi lớn lên, chúng chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ, không biết quan tâm đến ai, kể cả với người ruột thịt. 

Trong thực tế không ít cậu ấm, cô chiêu vì quá được chiều chuộng nên khi trưởng thành đã trở thành những đứa con, đứa cháu hỗn láo, ngỗ ngược, thậm chí đã xảy ra những trường hợp đau lòng con giết bố mẹ, cháu giết ông bà chỉ vì những đòi hỏi của chúng không được đáp ứng.

Thứ hai: Ngược lại với xu hướng trên đây, ở nông thôn, nhiều gia đình vì kế mưu sinh, bố mẹ phải đi làm ăn xa, con cái sống cùng ông bà, cả năm chỉ được gần gũi bố mẹ một đôi lần.

Chúng lớn lên trong cảnh thiếu bàn tay chăm sóc, thiếu hơi ấm và tình yêu thương của bố mẹ.

Không ít những đứa trẻ thuộc đối tượng này, khi trưởng thành trở nên lạnh lùng, vô tâm, vô cảm.

2. Ảnh hưởng của nền giáo dục chạy đua nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách làm cho nhiều bạn trẻ “bị đánh cắp” tuổi thơ

Đất nước sẽ ra sao khi vẫn còn nhiều thanh niên sống vô cảm? ảnh 4Vì sao con người ngày càng trở nên độc ác?

Phải khẳng định, rằng nội dung chương trình giáo dục trong hệ thống nhà trường ở nước ta đang quá chú trọng truyền thụ kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức việc bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách, trang bị kỹ năng sống cho học sinh. 

Trước hết là kĩ năng sống thân thiện, giàu tình yêu thương, năng lực hoà đồng cùng cộng đồng.

Trong khi đó, để nhồi nhét kiến thức được thật nhiều, học sinh hết học chính khoá ở trường, lại phải học thêm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ làm cho các em vô cùng mệt mỏi, căng thẳng, tuổi thơ của chúng vô tình bị “đánh cắp”.

Cuộc sống khô khan, đơn điệu, nhàm chán đó đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tâm hồn và sự phát triển nhân cách của học sinh. 

Đây là một trong những lý do làm cho một bộ phận học sinh trở nên lạnh lùng, cục cằn, thậm chí có tính cách du côn.

Dẫn đến hỗn láo với thầy cô, người lớn; tàn bạo với học sinh cùng trang lứa mà ngày ngày chúng ta được chứng kiến.

3. Ảnh hưởng của tình trạng “mua bán” trong chạy chọt trường lớp, việc làm  

Hàng chục năm qua, ở các đô thị đã diễn ra quá trình "chạy trường, chạy lớp" phải nói là khốc liệt.

Để con em được vào học các trường, lớp theo ý muốn, từ mẫu giáo tới tiểu học, hết tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông phụ huynh của học sinh đều phải chạy chọt “mua bán”.

Quá trình đó diễn ra trước mắt trẻ, vì vậy không thể không ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm của chúng.

Khi vào học nghề, học đại học, trong quá trình học tập, không ít học sinh lười biếng học tập biết đã biết dùng kế “mua điểm”. 

Đến lúc tốt nghiệp, để được vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị dịch vụ công của Nhà nước lại tiếp tục phải chạy chọt “mua bán” gian nan. 

Như vậy từ khi bước qua được cổng trường mầm non cho tới lúc bước vào được cổng công sở, rất nhiều người trong thế hệ trẻ hôm nay phải trải qua một quá trình chạy marathon ngót hai chục năm, với không biết báo nhiêu phi vụ “mua bán”.

Quá trình “tôi luyện” đó làm cho tâm hồn của họ trở nên chai lỳ, lạnh lùng và trong con mắt của họ cuộc sống đầy màu xám. 

4. Ảnh hưởng của vấn nạn xã hội, lối sống thực dụng

Đất nước sẽ ra sao khi vẫn còn nhiều thanh niên sống vô cảm? ảnh 5Khi giới trẻ cổ vũ cho cái xấu

Các vấn nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, lối sống thực dụng … đã và đang tác động sâu sắc vào tình cảm, niềm tin và lối sống của lớp trẻ.

Tình trạng người dân luôn bị "công bộc" trong hệ thống công quyền lạnh lùng hạch sách, bất cứ ở đâu, bất kể công việc gì cũng vòi vĩnh “bôi trơn”;

Tình trạng những kẻ vô lương tâm ăn chặn tiền trợ cấp của thương binh, gia đình chính sách, người tàn tật, hộ nghèo, nạn nhân thiên tai … làm cho người dân, trong đó có thanh niên bất bình, chán nản. 

5. Bản thân một bộ phận thanh niên hoặc là quá thực dụng hoặc là lười biếng, sống thiếu ước mơ hoài bão

Đối với bộ phận thanh niên sống thực dụng họ chê bai, giễu cợt các giá trị đạo đức truyền thống, đề cao giá trị vật chất, không quan tâm tới cộng đồng, chỉ bo bo lo cho bản thân.

Đối với bộ phận thanh niên sống không có ước mơ, hoài bão luôn thiếu chủ động, không có ý thức tiến thủ trong học tập, lập nghiệp; thụ động trong tiếp nhận các giá trị đạo đức.

Nhưng cũng chính những người này lại có lối sống gấp gáp, ỷ lại, luôn muốn được hưởng thụ.

Họ không chỉ vô trách nhiệm với cộng đồng mà còn thiếu trách nhiệm với gia đình và chính bản thân.

Từ phân tích trên đây, người viết bài mạo muội nêu một số giải pháp khắc phục tình trạng sống gấp, vô cảm trong một bộ phận thanh thiếu niên là:

Mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân, dù ở thành thị hay nông thôn đều phải giữ gìn gia phong, nhất là những giá trị đạo đức truyền thống. 

Nền giáo dục phải hài hoà giữa việc truyền thụ kiến thức với bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách cho học sinh và đừng để tuổi thơ của học sinh bị “đánh cắp”.

Các cấp, các ngành và hệ thống chính trị cần phân tích, mổ xẻ nguyên nhân của vấn đề, trên cơ sở đó thay vì hô hào, giáo dục chung chung mĩ miều, bằng thực hiện những giải pháp và việc làm thiết thực, cụ thể nhằm khắc phục hiệu quả các vấn nạn xã hội.

Có như vậy trong quá trình trưởng thành, tâm hồn của lớp trẻ không bị vẫn đục bởi tệ nạn tham nhũng và các tệ nạn tiêu cực trong bộ máy công quyền.

Đây cũng là cách đem lại cho thế hệ trẻ niềm tin về cuộc sống, về một xã hội dân chủ, công bằng, lành mạnh.

NGUYỄN HUY VIỆN