Kỷ luật “thép” vẫn khiến học trò hạnh phúc

24/12/2020 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều phụ huynh tin rằng, nếu trường học không có những biện pháp kỷ luật tích cực thì con họ sẽ không thể trưởng thành.

Trưởng thành sau những kỷ luật tích cực của thầy cô

Nhìn những đứa con của mình chăm ngoan, hào hứng học bài dưới ngọn đèn mỗi tối, chị Trần Thu Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội) tạm yên tâm.

Chị biết, dạy con là cả một quá trình rất dài, không chỉ ngày một, ngày hai, nhưng chị cũng hiểu rằng sự tiến bộ của con mình dựa rất lớn vào sự phối hợp với nhà trường, đặc biệt là sự quan tâm của thầy cô.

Chị Hồng có hai bé, con gái lớn của chị năm nay học lớp 7, con trai bé năm nay vào lớp 1. Chồng chị Hồng là công an, anh dành khá nhiều thời gian cho công việc. Chính vì thế ngay từ đầu, hai anh chị quyết định, một người sẽ đi làm kinh tế chính, chị Hồng sẽ lựa chọn công việc gần nhà, thoải mái thời gian để còn chăm lo các con hàng ngày.

Cũng vì thế mà những thay đổi trong chặng đường học hành của con, chị Hồng theo sát. Là một người mẹ tâm lý, thấu hiểu những sự thay đổi của con ở từng lứa tuổi, chị Hồng tâm sự: “Thú thật, tâm lý các con thay đổi từng ngày nên làm một người mẹ mình cũng phải học.

Học ngay chính từ những thay đổi của con mình, để thấu hiểu những đứa trẻ. Gia đình có hai đứa con, mình còn phải thay đổi, thế nên nhiều lúc mình cũng tự đặt một câu hỏi tại sao phụ huynh có thể yêu cầu các thầy cô “mười phân vẹn mười” đối với tất cả các học sinh trên lớp?

Đó là điều rất khó, vì thế, là phụ huynh để thấu hiểu con cái hơn mình thường đặt mình vào thế chủ động. Chủ động kết nối, trao đổi với thầy cô, với con của mình”.

Bé Anh Khoa nhà chị Hồng năm nay vào lớp 1, chị đã phải chuẩn bị cho con những bước đệm trước khi con thay đổi môi trường học tập. Con sẽ gặp một cô giáo mới, một môi trường nghiêm túc hơn và thay đổi cả về nề nếp học tập của bản thân con.

Anh Khoa là bé trai nên hiếu động, hay tìm tòi, khám phá và muốn giải đáp rất nhiều vấn đề mới mẻ, đòi hỏi người lớn dành nhiều thời gian cho con.

Mặc dù đã có kinh nghiệm mấy năm trước đồng hành cùng con gái vào lớp 1, nhưng chị Hồng vẫn lo lắng: “Mình lo lắng nhiều chứ. Băn khoăn con có thích nghi môi trường mới, bạn mới, thầy cô mới. Điều mình lo lắng nhất là giáo viên. Không biết con mình có phối hợp tốt cùng cô trong học tập và nề nếp không?

Đối với mình, việc giáo viên kỷ luật không phải là điều xấu. Một lớp học nếu giáo viên nghiêm khắc, kỷ luật theo hướng tích cực trong học tập nhưng quan tâm, chăm sóc và hiểu tính cách của con mình, đó là một lớp học hạnh phúc. Ngôi trường có nhiều giáo viên như thế là trường học hạnh phúc.

Hãy suy nghĩ thử xem nếu con bạn như Anh Khoa nhà mình, đi học lớp 1 chưa quen nề nếp, đứng ngồi tùy ý, lúc khóc lúc đùa ngay trong giờ học. Còn chưa kể có những bạn chưa có ý thức về vệ sinh cá nhân… Nếu là một giáo viên không có tâm thì lớp học sẽ trở thành một mớ hỗn độn”.

Nếu các cô không nhanh chóng rèn luyện các con những kiến thức thì một lớp học đầu đời sẽ không còn hiệu quả và các giáo viên tiểu học đang lặp lại công việc của giáo viên mầm non.

Thế nhưng đối với những lứa tuổi như Hồng Nhung, con gái lớn của mình, thầy cô giáo lại cần sự tâm lý. Các con có nhận thức thì ngoài việc “chỉ mặt đặt tên” những công việc, hoạt động giảng dạy, thầy cô tâm sự, chia sẻ với học trò lại là một điều rất cần thiết.

Chị Thu Hồng cho rằng: “Một lớp học nếu giáo viên nghiêm khắc, kỷ luật theo hướng tích cực trong học tập nhưng quan tâm, chăm sóc và hiểu tính cách của con mình, đó là một lớp học hạnh phúc”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Thu Hồng cho rằng: “Một lớp học nếu giáo viên nghiêm khắc, kỷ luật theo hướng tích cực trong học tập nhưng quan tâm, chăm sóc và hiểu tính cách của con mình, đó là một lớp học hạnh phúc”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Lứa tuổi 14-15 rất nhạy cảm với những thay đổi, chính vì thế gia đình mình rất mong muốn thầy cô giáo trên lớp cũng phải kết hợp những kỷ luật tích cực để các con có nề nếp trong học tập và rèn luyện”, chị Hồng chia sẻ.

Theo chị Hồng, một trong những việc làm khiến Anh Khoa hào hứng hơn khi học tập là những phần thưởng của cô giáo chủ nhiệm. Một chiếc kẹo bé xinh dành cho 5 bạn làm toán nhanh, hoàn thành bài viết sớm, nếu bạn luôn chậm hơn thì những chiếc kẹo đó không thuộc về bạn.

Còn đối với những môn học khó nhằn, lâu nhớ và khiến Hồng Nhung lười biếng như môn Tiếng Anh thì việc học từ mới luôn được cô giáo chủ nhiệm vận dụng kỷ luật “thép”. Nếu bạn nào không chịu học bài cũ, không chịu làm bài tập thì chép lại 10 lần từ mới.

Kết quả học tập của Hồng Nhung thật sự được cải thiện và chị Hồng vô cùng hài lòng khi con tỏ rõ sự hứng thú sau khi tìm hiểu môn học, đó không còn là môn học áp lực mỗi lần con đến trường nữa.

Đối với quan điểm những phụ huynh như chị Hồng thì việc kỷ luật tích cực trong môi trường giáo dục thực sự cần thiết.

“Kỷ luật nghiêm khắc với những biện pháp phù hợp là một cách dạy tốt, nhưng kỷ luật không đúng cách sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực của trẻ”, chị Hồng chia sẻ.

Nếu thầy cô không dùng kỷ luật tích cực thì chỉ dạy cho hết giờ

Có hai cô con gái đang ở độ tuổi 14 -17, anh Nguyễn Tiến Thưởng (Long Biên, Hà Nội) luôn áp dụng cách trò chuyện nhẹ nhàng để các con tự tin nói ra suy nghĩ của mình.

Anh Thưởng quan niệm: “Mỗi người có cách dạy con khác nhau, nhưng với tôi, nghiêm khắc không có nghĩa là không yêu thương. Dạy con vừa nghiêm khắc nhưng phải thấu hiểu, con cần gì, muốn gì và lắng nghe tâm sự của con, đó mới là phương pháp tích cực”.

Cũng chính vì dạy con theo cách hiểu con cái bằng những nghiêm khắc thể hiện qua sự quan tâm thường ngày nên anh Thưởng cũng mong muốn con mình gặp được những thầy cô tâm huyết và sát cánh, đồng hành cùng con mình trong quá trình học tập bằng sự nghiêm khắc chứa đựng tình yêu thương.

Anh Tiến Thưởng luôn ủng hộ kỷ luật tích cực với suy nghĩ: “Những ông bố bà mẹ khi có những việc làm được cho là vi phạm nội quy của nhà trường đề ra, thì phải sáng suốt và nghe từ nhiều phía”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Anh Tiến Thưởng luôn ủng hộ kỷ luật tích cực với suy nghĩ: “Những ông bố bà mẹ khi có những việc làm được cho là vi phạm nội quy của nhà trường đề ra, thì phải sáng suốt và nghe từ nhiều phía”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Đối với mỗi đứa trẻ, thầy cô trực tiếp giảng dạy là người vô cùng quan trọng. Thực ra, cả quá trình học tập của con em, phụ huynh chúng ta không thể bao quát và biết hết những việc làm trong thời gian con ở trường. Chính vì thế, đối với hai đứa con của mình, tôi phải phối hợp cùng giáo viên ở trường để cùng trao đổi thông tin cũng như tình hình học tập của hai cháu.

Đối với việc nghiêm khắc hay kỷ luật của các thầy cô giáo trên lớp tôi nghĩ là cần thiết, nhưng phải trong giới hạn và tích cực.

Như con gái lớn của tôi, để các con cùng có ý thức về an toàn giao thông, nhà trường lập nên một đội sao đỏ, sẽ ghi tên những bạn không đội mũ bảo hiểm khi đến trường. Sau đó báo về lớp và giáo viên sẽ trừ điểm thi đua để xếp hạnh kiểm.

Những biện pháp xử lý kỷ luật học sinh cũng cần nên có trao đổi với phụ huynh trước đó, như thế thì cả phụ huynh hay giáo viên có vấn đề gì đều dễ dàng hiểu cho nhau”, anh Thưởng chia sẻ khi nói về kỷ luật tích cực trong nhà trường.

Cũng theo quan điểm của người bố có hai cô con gái, một bạn học lớp 8, một bạn học lớp 11 này thì việc kỷ luật tích cực thực sự cần thiết để giúp các học sinh vào nề nếp nghiêm chỉnh trong môi trường học đường.

Mặc dù xung quanh vấn đề kỷ luật gần đây có những vụ việc lùm xùm xảy ra nhưng việc kỷ luật tích cực nhìn nhận ở một khía cạnh khách quan là sự quan tâm, trách nhiệm của các thầy cô giáo. Một người làm thầy nếu chỉ đến lớp với tâm thế dạy cho xong bài, qua loa và hết giờ mà không quan tâm học sinh thì không đúng với lương tâm làm nghề thầy giáo

Tuy nhiên, theo chị Thu Hồng hay anh Tiến Thưởng, dù kỷ luật nghiêm khắc như thế nào thì vẫn phải hợp lý, thuyết phục và có tính nhân văn. Đó mới là kỷ luật tích cực, giúp đứa trẻ nhận ra cái chưa tốt để tránh mắc lại những lỗi lầm ấy.

“Những ông bố bà mẹ khi có những việc làm được cho là vi phạm nội quy của nhà trường đề ra, thì phải sáng suốt và nghe từ nhiều phía. Không ít những ông bố bà mẹ vì bênh con mình mà gây tổn hại cho giáo viên, nhất là động chạm đến lòng tự trọng, tự tôn của nghề nhà giáo.

Về phía giáo viên, thì nên trao đổi, phối hợp với phụ huynh, học sinh. Riêng bản thân tôi cho rằng, dù ở cấp bậc nào, làm nghề gì thì chúng ta vẫn phải hành xử có văn hóa và bằng cái tâm của mình.

Cũng đừng áp lực cho giáo viên dạy con mình là phải hoàn hảo, như thế thì không một giáo viên nào dạy con mình bằng tình thương bởi chính họ cũng không nhận được sự đồng cảm của phụ huynh và học sinh trong quá trình dạy học”, suy nghĩ về kỷ luật tích cực trong nhà trường anh Thưởng cho hay.

Giáo dục kỷ luật tích cực là cách giáo dục dựa trên nguyên tắc và lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác, tinh thần của học sinh; có sự thỏa thuận giữa giáo viên – học sinh và phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh.

Kỷ luật tích cực là việc dạy và rèn luyện cho học sinh tính tự giác tuân theo các quy định và quy tắc đạo đức ở thời điểm trước mắt cũng như về lâu dài.

Kỷ luật tích cực tôn trọng học sinh và không mang tính bạo lực. Đây là cách tiếp cận mang tính giáo dục, giúp trẻ thành đạt, cung cấp cho các em thông tin các em cần để học và hỗ trợ sự phát triển của học sinh.

Cao Kim Anh