Lẽ được mất!

29/03/2021 06:19
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuộc sống - cho đến suy nghĩ cuối cùng và cái nhìn sau chót - là quá trình tự biến đổi. Ta là sự biến đổi. Ta là quá trình. Và điều đó khiến ta phiền lòng.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 131 trong loạt bài Đọc giùm bạn về cuốn sách "Lẽ được mất" của tác giả Lya Luft.

Lya Luft sinh năm 1938 tại Rio Grande do Sul thuộc miền Nam Brazil. Bà là nhà văn người Brazil và là một dịch giả giỏi, chủ yếu làm việc bằng tiếng Anh-Bồ Đào Nha và Đức-Bồ Đào Nha. Bà cũng là một giáo sư đại học về ngôn ngữ học và văn học.

Các tác phẩm của Luft đã được dịch sang các ngôn ngữ châu Âu khác, như tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Ý, v.v...

Cuốn Lẽ được mất - Suy tư về cuộc sống của bà đứng đầu danh sách bán chạy nhất trong nhiều tháng liền.

Cuốn này được Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và First News phát hành qua bản dịch của Minh Hương và Thanh Giang.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuốn sách "Lẽ được mất" của tác giả Lya Luft. (Ảnh: firstnews.rodbooks.com)

Cuốn sách "Lẽ được mất" của tác giả Lya Luft. (Ảnh:

firstnews.rodbooks.com)

- Tôi là một trong số những người tin rằng hạnh phúc là có thật, tình yêu là có thật, cuộc sống không chỉ toàn phản bội hoặc lỡ làng, mà còn có lòng nhân hậu, tình bạn, niềm trắc ẩn, đạo đức và sự tinh tế.

- Cuộc sống - cho đến suy nghĩ cuối cùng và cái nhìn sau chót - là quá trình tự biến đổi. Ta là sự biến đổi. Ta là quá trình. Và điều đó khiến ta phiền lòng.

- Ít ai để ý rằng việc ta sống sót hay gục ngã hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn của ta về cuộc sống. Ta khám phá hay trốn tránh tùy thuộc vào thái độ cởi mở hay khép kín của ta với cuộc đời.

- Có một bi kịch luôn tiềm ẩn: Nếu ta không nhận ra hoặc không đủ can đảm thay đổi và cải thiện, ta sẽ phí hoài cả cuộc đời bởi tài năng của mình bị chối bỏ - luôn luôn như thế, bất kể ta đang ở độ tuổi nào.

- Quá trình hình thành bản ngã của mỗi người có thể được ví như việc xây nhà mà phần móng sẽ tượng hình từ thời thơ ấu, tường xây vào giai đoạn trưởng thành và mái được lợp ở tuổi xế chiều, thời điểm mọi thứ đã viên mãn, nhưng đôi khi cũng bị xem như thời kỳ suy thoái.

- Để trở thành con người đúng nghĩa, quá trình xây dựng “cái tôi” không cho phép chúng ta ngơi nghỉ một ngày nào; sẽ luôn có những bức tường mong manh, những tính toán sai lầm và đổ vỡ. Thậm chí, một phần của công trình sẽ đổ sập. Nhưng công trình đó cũng mở ra những cánh cửa sổ hướng đến mặt trời.

- Chúng ta nhảy múa đằng sau những chiếc mặt nạ, nhờ chúng che giấu đi nỗi băn khoăn phiền muộn. Không ai có thể vui mãi và cũng chẳng ai phải buồn mãi. Mỗi ngày lại là một thử thách mới. Sự mơ hồ này vừa khiến ta tổn thương, vừa giúp ta trưởng thành. Nhưng nó giúp ta thành người.

- Mỗi người là một nghệ sĩ trong gánh xiếc đời mình. Tấm lưới đỡ bên dưới được đan bằng hai sợi dây bện chặt vào nhau: một từ những người đã sinh ra và nuôi dưỡng ta, một từ niềm tin và hy vọng của chính ta.

- Khi một đứa trẻ hòa mình vào không gian xung quanh tức là nó tham gia vào một quá trình còn quan trọng hơn chính bản thân nó - nó đang phát triển một cách vô thức.

Tuy nhiên, đứa trẻ còn sở hữu một gia tài quý báu hơn cả ý thức hệ, khả năng học hỏi mọi thứ, một trí tuệ hồn nhiên.

Chúng ta dần đánh mất thứ trí tuệ này đến mức hoàn toàn bị thuần hóa, như thể việc ta khép mình vào thế giới xung quanh là điều tất yếu vậy.

- May thay, con người dù trong quá trình bị thuần phục ấy vẫn còn giữ được khả năng biết ước mơ, bởi một thế giới hoàn hảo vẫn đại diện cho mong muốn được tự do của loài người.

Bằng không, chúng ta sẽ trở thành thân lừa chở nặng những trách nhiệm và bổn phận, mà chôn vùi đi cái mà chúng ta thường gọi là tinh thần, bản ngã, cái tôi, hoặc đơn giản là tâm hồn.

- Một đứa trẻ không nhỏ bé như hình hài của nó, bởi tồn tại bên trong cơ thể ấy là thời gian, là nét riêng và tính cách, là sự hiện diện và cảm xúc- những gì làm nên tố chất của đứa bé ấy.

- Sống một mình đã khó khăn, sống trong một gia đình lại thêm phần phức tạp và phiền toái. Chúng ta phải chịu đựng cảm giác thiếu thốn về thời gian và tiền bạc.

Và nhiều phiền muộn khác nữa, vì không được đối thoại, không được quan tâm và bị cô độc trong chính ngôi nhà mình.

Chủ yếu là vì chúng ta không có thời gian hoặc cơ hội để thể hiện niềm sướng vui, hạnh phúc.

- Dù trên nền đất vững chãi hay trên nền cát lún, ta phải tự xây cho mình một mái nhà từ những chất liệu thô kia. Nhưng ta không lường hết được mọi điều. Bên trong ta có khả năng ước mơ lẫn sự sẵn sàng nhượng bộ - nỗi sợ hãi và niềm hân hoan.

- Chúng ta có thể tận hưởng cảm giác tự do, và trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể can thiệp vào mọi thứ. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về mình. Ít nhất chúng ta có trách nhiệm liên đới với những gì mình làm, với hành trang mang theo trong suốt hành trình nối sự sống và cái chết.

- Tình yêu đầu đời mà cha mẹ dành cho con cái sẽ quyết định những kỳ vọng mà chúng ta đặt lên mọi mối lương duyên của mình sau này. Những trải nghiệm thuở ban sơ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những gì xảy ra trong tương lai.

- Sinh thành và dưỡng dục con cái đồng nghĩa với việc phải hoàn thành tốt vai trò làm cha làm mẹ liên tục mỗi ngày, không được lơ là, ngưng nghỉ. Chúng ta không chỉ đảm bảo cho con trẻ được no đủ, được học hành, khỏe mạnh, mà còn phải giúp trẻ hình thành nhân cách: một việc phức tạp hơn rất nhiều so với việc nuôi dưỡng.

- Chừng nào còn chưa trưởng thành, ta vẫn còn rất mong manh trước những tác động của ngoại lực - những áp lực ghê gớm chiếm lĩnh và sai khiến chúng ta. Làm sao ta trở thành một người tự do nhưng vẫn biết tôn trọng và ân cần với người khác.

- Xã hội không ngừng thay đổi từ hơn một thế kỷ qua: gia đình thay đổi, văn hóa chuyển biến, khoa học và công nghệ thì liên tục phát triển; mọi thứ chuyển động với tốc độ không tưởng so với nửa thế kỷ trước đây. Tuy thế, cảm xúc của con người vẫn không thay đổi.

Mỗi người vẫn là một cá thể độc đáo. Những khát vọng cơ bản của con người vẫn vẹn nguyên như thế: sống yên ổn, được yêu thương, tự do và có bạn đồng hành; muốn mình là một phần của xã hội và gia đình, cảm giác mình quan trọng đối với người khác, hoặc ít nhất đối với một người- người mình yêu thương. Chỉ cần cảm giác mình là một người có giá trị.

- Nếu ta tin rằng mình xứng đáng chia sẻ những giá trị tốt đẹp, mặc cho những giới hạn tự nhiên và bao nỗi sợ hãi, ta vẫn sẽ tranh đấu vì điều đó. Và ta sẽ làm mọi cách để được người khác yêu thương.

- Hầu hết những đau khổ mà người ta gây cho nhau đều bắt nguồn từ sự thiếu giao tiếp và thông hiểu.

Chúng ta là những sinh vật có tình cảm và ý tưởng, biết ước mơ, biết sáng tạo- chính những điều đó đã đưa chúng ta vượt xa ranh giới của sự tầm thường.

Chúng ta có khả năng hình thành những thói quen đơn giản nhất mang lại cho ta sự thư thái và an lạc.

- Quan niệm cuộc sống là tài sản và chúng ta đáng được hưởng tự do và hạnh phúc được tạo dựng từ chính lòng tin ở trong gia đình.

Toàn bộ quá trình phát triển của chúng ta trong tương lai được hình thành từ mái ấm gia đình.

Sự tôn trọng ta dành cho con cái sẽ là kiểu mẫu cho sự tôn trọng mà chúng dành cho người khác và cho chính bản thân mình.

Ta không dạy con bằng những lời giáo điều mà dạy con bằng thái độ đối với cuộc sống.

- Chúng ta phải chứng minh rằng mình xứng đáng được yêu thương. Dù ở bất cứ độ tuổi nào ta cũng có thể tự lực tự cường. Ta có thể mở ra những cánh cửa mới và đập bỏ một vài cánh cửa xung quanh ta và cả bên trong ta, nếu cần.

- Sau khi dọn sạch nhà kho tâm hồn ta sẽ giảm bớt nhiều căng thẳng, hoặc ta vứt bỏ mọi phiền toái, hoặc tạm thời gạt chúng qua một bên, rồi ta chuyển sang giải quyết những vấn đề quan trọng hơn.

- Trên cán cân của cuộc sống, niềm vui cân nặng hơn tất thảy những thứ còn lại. Những mối dây tình cảm hình thành từ yêu thương cũng không bao giờ đứt.

- Tài sản tâm hồn là thứ của cải mà dù ngân hàng có phá sản, quốc gia có vỡ nợ, ta cũng không cạn kiệt; thứ tài sản không mất đi ngay cả khi những người chúng ta yêu thương khuất bóng, thứ tài sản động viên ta lúc đau buồn, thúc giục ta khi vui sướng để ta mưu cầu nhiều hơn, và lúc ta chán nản - khi cuộc đời dường như vô nghĩa - chúng sẽ khuấy động những luồng năng lượng ẩn dưới một bề mặt phẳng lặng như đã chết.

- Mỗi khi ta không còn cảm thấy vui sướng hay xúc động nữa, thì toàn bộ những điều tốt đẹp ta đã tích lũy sẽ trỗi dậy với sức mạnh tột cùng.

- Kết thúc của cuộc sống là cái chết, nhưng cái đích của cuộc sống là hạnh phúc. Sống là trau dồi tri thức rằng bản thân ta là vô cùng quý giá, đừng nên phí công trở thành những thứ không phải là mình, thành những gì mình không thể và không muốn trở thành.

- Giống như bao thứ khác, cuộc đời sẽ khiến thể chất ta thay đổi. Nhưng đối với tâm hồn ta, cuộc đời chỉ có những quyền năng do ta ban cho. Có vô vàn lý do thuyết phục để ta sống tốt; có vô số điều thú vị để khám phá.

- Hạnh phúc trong tình yêu có được từ những tình cảm dịu dàng, làm nổi bật và thổi sức sống vào hành động yêu đương.

- Ánh sáng tuôn ra từ những ký ức êm đềm, để rồi ta phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn cả trong những điều bình dị nhất.

Chính đây là cái bí mật tuyệt diệu mà người ta chỉ có thể thưởng thức khi không tất tả với đời, không tối tăm mặt mũi với công việc và sự đòi hỏi quá đáng của người khác.

- Muốn sống một cuộc đời vui tươi, tao nhã và đầy sinh lực, ta cần phải tin rằng cuộc đời là đáng sống.

Rằng có rất nhiều con đường dẫn mình đến hạnh phúc, rồi hạnh phúc hơn, miễn là ta quyết tâm theo đuổi.

Đây là chuyến hành trình nội tâm, đi tìm quan niệm sống, giá trị con người, niềm tin và khát khao sâu thẳm trong tim.

- Trưởng thành là nâng cao kỹ năng đi tìm sự giản đơn. Ta hoàn toàn có thể tự kiến thiết cuộc sống nội tâm và ngoại cảnh tùy theo ý mình. Ta là chủ nhân cuộc đời mình. Nhưng đổ lỗi cho hoàn cảnh thì dễ hơn là tự nhìn nhận lại mình và cố gắng vượt qua số phận.

- Tuổi trẻ trôi qua cũng là lúc ta bắt đầu trưởng thành. Ta bắt đầu học cách nới tay, vui đùa trước nghịch cảnh, giải quyết vấn đề khéo léo hơn và chú tâm nhiều hơn đến cuộc sống xung quanh. Có kiên nhẫn mới có hạnh phúc. Hạnh phúc là góp nhặt, là chắt chiu, là chinh phục là hoàn thiện.

- Mỗi giây phút trôi qua đều đáng quý, và chúng ta phải cố gắng sống với nó sao cho trọn vẹn. Cho thực tế. Cho hợp tình. Pha chút táo bạo. Sống thật vui tươi.

- Cuộc sống không lúc nào ngơi nghỉ, trừ khi con người muốn dừng lại. Dần dà, luồng gió tươi mới sẽ thổi vào đời ta. Kế hoạch mới, công việc mới, chuyến du lịch mới, tình bạn mới sẽ hiện ra trước mắt.

Tiếng gió gọi tên mình, thật rõ ràng và trong trẻo. Số phận sẽ gật đầu mỉm cười với tình yêu mới của ta - cuộc sống. Thế là, tương lai lại một lần nữa nằm gọn trong tầm tay.

- Thay đổi đã khó, dám thay đổi lại càng khó hơn. Không phải lúc nào cũng thành công và đạt mục tiêu. Nhưng vận động dù sao vẫn tốt hơn là cứ chôn chân ở đó để đời phủ bụi.

- Khi đã hết khả năng làm việc, thậm chí là không đi dạo được nữa, ta vẫn có thể đọc sách, nghe nhạc, ngắm cảnh, tâm tình, tụ họp mọi người. Ta vẫn có thể quan sát, che chở và trở thành chỗ dựa cho người khác. Tâm hồn người lớn tuổi thú vị hơn nhiều so với người trẻ. Thanh thản hơn, bí ẩn hơn và có sức lôi cuốn hơn.

- Dòng đời tựa như dòng nước chảy tự do, mang theo thắng và bại, sản sinh và tích lũy, cùng niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui trên đời này gộp lại vẫn nặng hơn bao nỗi buồn phiền.

- Tuổi trẻ có sôi động và ưu phiền, có trưởng thành và bất lực, có lo lắng và say mê như bao giai đoạn khác trong cuộc đời - chỉ trừ một điểm khác biệt - mọi cảm xúc khi ta còn trẻ đều mãnh liệt.

- Đời ta vẫn là của ta, dù ta mười hai, ba mươi hay bảy mươi. Ta có thể làm những việc người khác bảo ta đừng làm. Nếu không chịu tin vào tiềm năng vẫn còn đó, trong mình, trong cuộc sống, ta sẽ trở thành hư vô.

- Ai rồi cũng khuất bóng, nên hôm nay phải dũng cảm nói lời yêu, phải làm những gì mình hằng mong ước, phải ghì chặt lấy bạn bè và con cái. Hôm nay ta phải tử tế, rộng lượng. Hôm nay ta phải gắng mà vui sống.

- Ta có cuộc đời, không chỉ để chịu đựng hay để sống, mà là để làm cho nó ngày một đẹp hơn. Để hoàn thiện bằng cả lương tâm, Ta không cần tạo kỳ tích. Nhưng ít nhất là phải tung cánh bay cao.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng