Cứ đến cuối mỗi năm học thì ngoài việc đánh giá, phân loại giáo viên, đánh giá chuẩn nghề nghiệp, hồ sơ cá nhân, giáo viên còn phải thực hiện một công việc vô cùng quan trọng là xét thi đua giáo viên gồm các danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở, tỉnh,…
Đây là các danh hiệu hết sức quan trọng, đánh giá quá trình làm việc, thi đua của giáo viên và là cơ sở để xét các hình thức khen thưởng.
Một trong những bất cập, hạn chế hiện nay của việc xét các danh hiệu thi đua từ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên trong giáo dục bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm.
Nhiều giáo viên vì các danh hiệu thi đua nên sao, chép, mua bán, trao đổi,… sáng kiến khiến cho sự giả dối lên ngôi. Mà giáo viên đã không “thật” thì đừng nói đến dạy thật, học thật,..
Trong bài viết, xin được phân tích và tiếp tục bàn về một bất cập trong thi đua giáo viên đó là tiêu chuẩn có “sáng kiến kinh nghiệm” trong việc đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, tỉnh,…
Ảnh minh hoạ đăng trên Baogialai.com.vn |
Tiêu chuẩn, số lượng giáo viên được xét thi đua của giáo viên hiện nay
Về việc xét thi đua, tức là xét quá trình công tác đạt các chỉ tiêu, thành tích công tác.
Theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng thì đối với giáo viên thì có các danh hiệu: Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở (chiếm 15% trong tổng số giáo viên đạt lao động tiên tiến), chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (ít nhất 3 lần liên tiếp đạt chiến sĩ thi đua cơ sở),…
Đây là cơ sở để xét các danh hiệu khen thưởng giáo viên giáo viên như giấy khen, bằng khen,… cũng là cơ sở để xét các danh hiệu nhà giáo ưu tú,….
Do đó, việc xét thi đua và việc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng đối với giáo viên.
Tuy nhiên, việc xét danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” hầu như chỉ xét giáo viên đạt lao động tiên tiến chỉ cần có thêm 1 tiêu chuẩn có “sáng kiến kinh nghiệm” là đạt mà không quan tâm đến giáo viên dạy như thế nào? Có thành tích khác như giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi, tham gia tốt các phong trào khác,… hay không.
Bởi vì tiêu chuẩn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, khen thưởng đối với giáo viên trong năm học này tiếp tục thực hiện theo Nghị định 91/2017/NĐCP Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng như sau:
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận…(gọi chung là đạt sáng kiến kinh nghiệm).
Như vậy, được xem như giáo viên sau khi xét được danh hiệu lao động tiên tiến (hầu hết giáo viên đạt được) thì chỉ cần có thêm sáng kiến kinh nghiệm là đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, được khen thưởng, đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,… quả thật rất bất công.
Vì trong trường học còn có rất nhiều giáo viên không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhưng có rất nhiều thành tích giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; bồi dưỡng học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh tham gia các kỳ thi đạt giải cao, tham gia tốt các phong trào, dạy tốt, cố gắng hết mình trong công việc,… tuy nhiên vì không có sáng kiến kinh nghiệm nên không được xếp Chiến sĩ thi đua cơ sở và đương nhiên cũng chỉ đánh giá, xếp loại thấp hơn.
Trong khi đó, một giáo viên làm việc không hiệu quả, không có thành tích gì, tuy nhiên khi viết sáng kiến nếu đạt thì nghiễm nhiên được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Rồi sau đó được đề nghị xét bằng khen Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành, Thủ tướng,…
Do đó, có đạt sáng kiến là có tất cả, còn giáo viên giỏi, tốt kiểu gì mà không có sáng kiến kinh nghiệm cũng bằng không.
Giáo viên chỉ viết sáng kiến kinh nghiệm vì danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở
Việc viết sáng kiến kinh nghiệm trong thời gian qua trong ngành giáo dục rất là bất cập, một số trường hợp thì sao chép trên mạng, một số trường hợp thì xin cho, mua bán,….
Một số trường hợp thì viết kiểu đối phó, một số thì trình bày lại kinh nghiệm giảng dạy,…
Tuy nhiên, trong số đó lại có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải khi đó là giải pháp của người khác, vay mượn, quen biết, tiêu cực,…
Nếu làm như trên mà đạt giải rõ ràng là sự gian dối, giả dối trong giáo dục, phải bài trừ tiến đến việc thật trong giáo dục.
Có trường hợp một giáo viên làm việc không có bất kỳ tiêu biểu gì, dạy học sinh không hiểu… nhưng năm nào cũng có 1 sáng kiến kinh nghiệm, nên được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, có người có cả chục sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.
Vì sao có nhiều giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm thế? Nguyên nhân chính là việc viết sáng kiến kinh nghiệm đạt thì gần như được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở để được khen thưởng.
Nên nói đúng ra, giáo viên viết sáng kiến vì danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Nên nếu bây giờ bỏ tiêu chuẩn sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chuẩn giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở và các danh hiệu khác, thì giáo viên sẽ không còn giáo viên nào đăng ký viết sáng kiến.
Quá trình công tác, người viết chưa từng thấy giáo viên nào viết sáng kiến với mục đích chia sẻ những giải pháp hay của mình hay trình bày sáng kiến của mình nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Đó chính là một trong những nguyên nhân của bất cập, tiêu cực trong việc mua, bán, xin cho, sao chép,… sáng kiến hiện nay.
Sáng kiến chỉ nên là một trong nhiều tiêu chí xét chiến sĩ thi đua cơ sở
Từ những trình bày ở trên, người viết cho rằng nếu làm đúng bản chất thì sáng kiến kinh nghiệm cũng có những tác dụng nhất định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, một giáo viên có nhiều giải pháp hay, nhiều đồ dùng tốt hay thiết kế một phần mềm hay nếu áp dụng có hiệu quả trong ngành thì đáng được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng.
Do đó, người viết đề nghị trong Luật Thi đua, khen thưởng mới vẫn nên còn có sáng kiến kinh nghiệm, nhưng nó chỉ là một trong nhiều tiêu chí để xét chiến sĩ thi đua, nếu không có sáng kiến kinh nghiệm nhưng đạt những thành tích khác thì nên được tính đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Do đó, để cho đơn giản thì nên quy định việc cộng điểm thi đua cho các tiêu chí, trong đó tiêu chí có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là một tiêu chí được cộng vào điểm thi đua như các tiêu chí khác, nếu cộng tất cả các tiêu chí thì xếp từ trên xuống, giáo viên có điểm thi đua cao nhất trong 15% giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến sẽ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Những người đạt điểm thi đua cao nhất, do nhiều yếu tố như có sáng kiến, đồ dùng, giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi, ít vắng, trễ, thực hiện tốt nhiệm vụ,… chính là những người tiêu biểu nhất trường, xứng đáng được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở chứ không phải là những người chỉ có sáng kiến kinh nghiệm.
Góp phần làm cho việc thi đua, khen thưởng dần dần đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực hơn là một trong những giải pháp góp phần làm cho giáo dục đi vào nề nếp, tránh gây bức xúc trong lực lượng giáo viên trong thời gian qua, tiến đến giảm áp lực thành tích, tránh tiêu cực, cũng góp phần vào mục tiêu dạy thật, học thật.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.