LTS: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, công đoạn chấm thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia phải hoàn tất trước ngày 20/7, giáo viên Bùi Minh Tuấn cho rằng: Áp lực chấm thi trong những ngày cuối rất cao, dễ dẫn đến những bất cập ảnh hưởng đến kết quả đánh giá năng lực thí sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi tới quý độc giả!
Khâu chấm thi THPT Quốc gia đang bước vào những ngày cuối, chất lượng chấm thi ảnh hưởng rất nhiều đến việc đánh giá năng lực thí sinh.
Đừng đổ lỗi học tài thi phận, kết quả kém chủ yếu do bản thân mình(GDVN) - Chỉ còn vài ngày nữa diễn ra kỳ thi quốc gia 2016, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và tìm hiểu kỹ quy chế thi thì thí sinh cần tạo tâm thế vững vàng. |
Bên cạnh việc coi thi, khâu chấm thi có vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ khách quan, công bằng của kỳ thi. Đối với Kỳ thi THPT Quốc gia, tính chính xác của khâu chấm thi còn ảnh hưởng trực tiếp tới việc xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng về sau của mỗi thí sinh.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, công đoạn chấm thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 phải kết thúc đồng loạt trước ngày 20/7 tới.
Hiện đang là thời điểm “nước rút” của các hội đồng thi để hoàn tất việc chấm và công bố điểm. Với kinh nghiệm tham gia chấm thi trong nhiều mùa thi cho thấy, càng về cuối việc chấm thi có thể xuất hiện những tồn tại, bất cập ảnh hưởng tới kết quả chung của thí sinh.
Do đó, để khâu chấm thi “về đích” đúng tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tính khách quan, nghiêm túc, rất cần sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo phụ trách hội đồng thi và hơn hết là ý thức trách nhiệm của mỗi giám khảo làm nhiệm vụ chấm thi.
Tương tự như năm 2015, công tác chấm thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được triển khai song song ở hai loại cụm thi: Cụm thi do sở GD&ĐT phụ trách và cụm thi do các trường Đại học chủ trì.
Giám khảo đang chấm thi tại một cụm thi ở Hà Nội (Ảnh nguồn: Thanhnien.vn). |
Chấm thi theo kiểu thương học trò!
Ở cụm thi địa phương do các sở GD&ĐT phụ trách, các thí sinh dự thi chủ yếu chỉ để xét công nhận Tốt nghiệp THPT.
Học lực của các thí sinh ở các cụm thi này phần lớn chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình.
Cũng bởi vậy mà không ít giám khảo còn có quan niệm: học sinh đã trải qua 12 năm đèn sách vất vả, các em cần có tấm bằng tốt nghiệp để tiếp tục học nghề hay đi làm công nhân nên trong chừng mực cho phép, có thể “tạo điều kiện” để các em đậu tốt nghiệp, bằng cách chấm “thoáng”, chấm “lỏng tay” ở một số môn tự luận.
Việc “thương” học sinh theo cách như trên có thể gây ra tình trạng thiếu công bằng giữa các thí sinh.
Những thí sinh vốn chỉ có học lực trung bình hoặc dưới mức trung bình, “bỗng dưng” có được điểm cao không chỉ khiến cho bản thân những học sinh đó ngộ nhận về học lực của mình mà còn khiến cho những học sinh ở các lớp khóa sau thêm phần không chú tâm vào học tập, tích lũy kiến thức mà ỷ lại vào “vận may”.
Nới tay để kéo tỉ lệ đậu tốt nghiệp lên cao!
Nếu giáo dục chỉ “phát” mà không “động” thì kết quả cũng bằng không(GDVN) - Chẳng đơn vị nào, chẳng giáo viên nào dám thừa nhận mình mắc “bệnh thành tích” nhưng thực tế cuộc đua vì thành tích trong giáo dục chưa bao giờ hạ nhiệt. |
Một vấn đề khác đáng lưu tâm đó là áp lực về thành tích có thể khiến cho các hội đồng chấm thi “dung túng” cho việc chấm “thoáng” của các giám khảo nhằm mục đích “kéo” tỷ lệ đậu tốt nghiệp cho các địa phương.
Như vậy, bệnh thành tích có thể sẽ làm sai lệch kết quả thi. Những tỷ lệ “đẹp” sẽ lại xuất hiện nhưng không phản ánh đúng chất lượng học tập thực tế của học sinh.
Nếu như năm 2005, cả nước chỉ có 38 cụm thi do các trường đại học chủ trì, nghĩa là có những cụm thi liên tỉnh thì năm nay, các cụm thi do các trường đại học phụ trách đã “phủ sóng” tới tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Việc mở rộng các cụm thi như trên là nhằm tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh và phụ huynh trong quá trình đi lại, ăn ở nhưng lại tạo ra những khó khăn nhất định trong công tác tổ chức chấm thi đối với các trường đại học lần đầu đảm nhiệm phụ trách các cụm thi.
Trình độ ban giám khảo không đều nhau
Chất lượng khâu chấm thi không đồng đều ở nhiều hội đồng chấm thi chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính công bằng trong việc xét tuyển của các thí sinh về sau.
Giáo viên cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12, lợi ít hại nhiều(GDVN) - Dù với mục đích nào, việc cho điểm cao, không phản ánh đúng năng lực học tập thực sự của học sinh sẽ gây nhiều bất cập, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. |
Nhân lực chính làm giám khảo chấm thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì là đội ngũ giảng viên, học viên cao học trong khi nội dung kiến thức trong đề thi lại nằm trong chương trình học THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Do không trực tiếp giảng dạy ở bậc học phổ thông cùng với việc không có nhiều thời gian để nghiên cứu đáp án trước khi chấm, trình độ khác nhau của ban giám khảo có thể ảnh hưởng nhất đinh tới tính chuẩn xác trong quá trình chấm thi.
Để đảm bảo tính khách quan và tiến độ chấm, nhiều trường đại học, cao đẳng đã mời thêm giáo viên đang giảng dạy ở các trường THPT cùng tham gia chấm thi. Tuy nhiên, mặt trái của giải pháp này là tình trạng chấm thi không “đều tay” giữa các giám khảo, nhất là giữa các giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng và các giáo viên đến từ các trường THPT do sự khác biệt về trình độ, môi trường giảng dạy.
Dù Bộ GD&ĐT đã quy định rõ về quy trình chấm độc lập giữa giám khảo một và giám khảo hai nhưng do áp lực về thời hạn phải gửi dữ liệu điểm thi có thể gây ra tình trạng “linh động” bằng cách cho giám khảo chấm vòng hai được phép “tham khảo” phiếu chấm của giám khảo vòng một. Điều này nếu xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mức độ chính xác, khách quan về điểm số ở các bài thi của thí sinh.
Những bất cập, tồn tại nêu trên rất có thể sẽ bộc lộ trong thời điểm “nước rút” của công tác chấm thi. Do đó, để khâu chấm thi “về đích” đúng tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tính khách quan, nghiêm túc, rất cần sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo từ Bộ GD&ĐT đến tận từng bộ phận phụ trách ở các hội đồng thi và hơn hết là ý thức trách nhiệm của mỗi giám khảo làm nhiệm vụ của mình.